Ghé vào quán cà phê cóc trên đường Phan Kế Bính, quận 1 - TP HCM, nhìn người đàn ông với nước da đen nhẻm , dáng người rắn rỏi, phong trần đang tất tả pha cà phê, bưng bê phụ vợ, ít ai nhận ra đó là diễn viên Thạch Kim Long- người đã ghi dấu ấn với vai Huân trong phim Đừng đốt (đạo diễn: Đặng Nhật Minh), Hoạt trong Rừng đen (đạo diễn: Vương Đức) và mới đây nhất là Thạch Xoan - vị tướng người Khmer dưới quyền phó quản Trương Định trong Bình Tây đại nguyên soái (đang phát sóng lúc 17 giờ 30 phút trên HTV9).
Diễn viên Thạch Kim Long trong phim Rừng đen Ảnh: NVCC
Nghệ sĩ không "sao"
Hơn 10 năm trong nghề và tham gia hàng chục phim: Mùa len trâu, Dưới cờ đại nghĩa, Người gác mộ, Trái tim bé bỏng, Vó ngựa trời Nam... nhưng tới giờ, Thạch Kim Long cùng vợ con vẫn phải sống trong một căn nhà trọ nhỏ bé tại một con hẻm quận 3. Sau những giờ lăn lộn trên phim trường, anh lại trở về với công việc hằng ngày là bán cà phê phụ vợ kiếm tiền sinh sống.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông ở Đồng Tháp, thuở nhỏ, Thạch Kim Long đã nhen nhóm ước mơ làm diễn viên nhưng gia đình nghèo khó và việc học hành của anh cũng vì thế mà dang dở. Năm 18 tuổi, anh khăn gói lên TP HCM tìm cơ hội đổi đời và theo đuổi giấc mơ. Nhưng cuộc sống ở chốn đô thị không dễ dàng, Thạch Kim Long đã phải vất vả kiếm sống bằng đủ thứ nghề: thợ hồ, bảo vệ nhà hàng, chạy bàn quán cà phê, phụ bán thịt heo... Sau khi dành dụm được số tiền ít ỏi, anh theo học bổ túc chương trình trung học. Có được bằng tốt nghiệp rồi nhưng cơ hội vẫn chưa đến, anh về quê cưới vợ, làm ruộng.
Nhưng có một điều gì đó thôi thúc khiến anh không thể an phận.Thạch Kim Long dắt díu vợ con trở lên TP HCM tiếp tục kiếm kế sinh nhai và chờ đợi cơ hội. Đam mê và quyết tâm theo đuổi nghề diễn viên, anh liều lĩnh nộp đơn thi vào khoa đào tạo diễn viên của Hội Điện ảnh TPHCM.
Những năm trước, hầu như thu nhập chính của gia đình của diễn viên Thạch Kim Long là tiền lời kiếm được từ quán cà phê cóc, tiền đóng phim của anh chỉ là phụ thêm. Nay việc buôn bán cầm chừng, thu nhập ngày có ngày không nên mọi chi phí trong gia đình từ tiền nhà trọ, chợ búa, con cái học hành đều phải nhờ cậy vào tiền thù lao đóng phim của anh. Dù tên tuổi đang được biết đến nhưng cuộc sống kinh tế của gia đình anh vẫn chật vật.
Chấp nhận sống nghèo
Diễn viên Thạch Kim Long cho biết: "Tôi thường hay đóng phim thuộc dòng nghệ thuật nên không thể chạy sô nhiều, một năm được vài ba phim. Tiền cát- sê chỉ đủ trang trải cuộc sống chứ không mấy dư dả. Năm ngoái, tôi chỉ đóng được 2 phim là Bình Tây đại nguyên soái và Biển xanh và ốc nhỏ, tiền cát-sê cộng lại khoảng 130 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư cho vai diễn còn lại khoảng 100 triệu đồng". Ở cái tuổi ngoài 40 "trẻ đã qua mà già chưa tới" , anh cũng gặp không ít khó khăn trong việc tìm vai diễn. Vì vậy tranh thủ phụ vợ buôn bán và chờ đợi những vai diễn hay trên màn ảnh là thượng sách.
Với những diễn viên mới vào nghề, chưa thật nổi tiếng, chưa được nhiều đạo diễn để ý tới thì việc kiếm tiền bằng vai diễn còn khó khăn gấp trăm lần, có khi một năm mới được mời đóng một vai phụ, chấp nhận theo đoàn làm phim ròng rã cả tháng nhưng cát-sê chẳng được là bao. Diễn viên Ngọc Lan cho biết lúc mới ra trường, chị thường xuyên đóng vai phụ với mức cát-sê khoảng chừng 200.000 đồng/ phân đoạn. Chạy cùng lúc 3-4 phim nhưng đều là vai phụ nên tiền cát-sê cũng chỉ đủ "đắp đổi qua ngày". Diễn viên Phùng Ngọc Huy tiết lộ: "Lúc đóng vai Quốc trong phim Cổng mặt trời, tôi phải mượn quần áo của anh trai vì không có tiền mua trang phục cho vai diễn, giá cát-sê cho vai thứ chính lúc đó cũng chỉ có 200.000 đồng/ phân đoạn".
Lớp diễn viên trẻ đang tạo được dấu ấn trên màn ảnh cũng thừa nhận rằng họ đã và đang phải sống khá bấp bênh với số tiền cát-sê thu được. "Nếu chỉ sống bằng tiền cát-sê đóng phim dạng vai phụ như tôi thì có lẽ không bao giờ đủ vì cát-sê thấp mà còn phải tự mua sắm trang phục, nhất là khi vào vai tiểu thư, nhà giàu. Tôi đi hát, làm MC để kiếm thu nhập bù qua sớt lại. Nghề là duyên nợ rồi nên có nghèo cũng không bỏ được"- diễn viên Hiền Trang chia sẻ.
Lê Bê La dù may mắn có được những vai chính nhưng vì không có nghề tay trái nên dù nhiều năm miệt mài trên trường quay, vất vả theo từng vai diễn, cuộc sống, theo cô cho biết, cũng chỉ gọi là tạm đủ. Cô gái đến từ cao nguyên này vẫn khao khát có thêm những vai diễn hay. Diễn viên Nguyễn Hậu từng nói: "Hằng ngày, Lê Bê La vẫn một mình một xe tới phim trường. Bê La chấp nhận sống nghèo, an phận với người chồng là phó đạo diễn để dành thời gian phát triển con đường nghệ thuật lâu dài". Những diễn viên khác như Nguyệt Ánh, Lương Thế Thành, Trí Quang... cũng có thu nhập chỉ tạm đủ sống dù diễn quanh năm.
Cơ hội làm giàu rất khó Nhiều diễn viên trẻ thú thật rằng trước khi dấn thân vào nghiệp diễn, họ đều nghĩ đến những hào quang rực rỡ, con đường trải đầy hoa hồng nhưng thực sự đã đi với nghề mới thấy rằng không đơn giản, cũng lắm chông gai và thử thách còn tiếp tục đón đợi ở phía trước. Nói như Thạch Kim Long: "Lúc còn trẻ, tôi cứ nghĩ nghề diễn sẽ mang lại nhiều thứ, trong đó có tiền bạc. Nhưng bước vào nghề này rồi mới thấy làm diễn viên như tôi thì cơ hội làm giàu là rất khó". Những diễn viên mới bước vào nghề vẫn kiên trì đi tìm cho mình những vai diễn hay mà không phải bon chen tìm những ngả rẽ khác thật đáng trân trọng bởi họ quan niệm làm nghề nghiêm túc, chấp nhận bươn chải trong khó khăn để sống với nghề. |
Bình luận (0)