NSND Lệ Thủy đến thăm và trao quà cho nghệ sĩ lão thành tại Khu Dưỡng lão NS TP HCM
"Dù có trách cứ gì đi nữa, thì đã đến lúc giới sân khấu cải lương phải chung tay gầy dựng lại điểm diễn này. Tôi rất mừng sau mấy tuần biểu diễn, các vở: "Đời như ý", "Hồn ma báo oán", "Hiu hiu gió bấc"….đã thu hút đông khán giả. Suất diễn ủng hộ ba nghệ sĩ đang gặp khó khăn gồm: Tí Nị, Nhật Thanh, Tiến Dũng cũng đã thu được 118 triệu đồng. Đó là một tín hiệu vui cho sàn diễn cải lương" – NSND Lệ Thủy tâm sự.
NSND Lệ Thủy và NS Kim Phương trên sàn tập vở cải lương mới
Như lời soạn giả NSND Viễn Châu đã từng khẳng định, sân khấu cải lương không bao giờ chết", NSND Lệ Thủy đã khẳng định sự tồn tại của mô hình nghệ thuật này đang chuyển hướng sang một hình thức mới, đó là cần dung nạp thêm tinh hoa từ kỹ thuật hỗ trợ cho diễn xuất.
"Tôi sang Mỹ được xem nhiều sô diễn kết hợp giữa âm nhạc truyền thống của các nước với âm nhạc hiện đại. Hình thức độc đáo, mới lạ nên thu hút đông khán giả. Nghệ thuật cải lương của chúng ta cũng cần đổi mới về hình thức, chứ không thể cứ thụt lùi mãi" – bà nói về điều boăn khoăn của mình.
NSND Lệ Thủy và NSƯT Vũ Luân
Xuất thân từ gánh hát Trâm Vàng, năm 12 tuổi bà chỉ được giao nhiệm vụ ngâm thơ hậu trường, may nhờ gặp soạn giả NSND Viễn Châu bà đã được giao vai diễn. "Tính đến nay đã hơn 50 năm theo nghề. Cải lương lúc nào cũng phải cần cải cách, đổi mới, thu nhập những tinh hoa cho sinh động thêm hơn. Chúng ta không thiếu những tài năng của ngành sân khấu cải lương, bằng chứng mỗi năm đều phát hiện thêm nhiều hạt nhân mới. Điều cần bây giờ là chiến lược của ngành sân khấu, đầu tư và chăm sóc để sàn diễn cải lương có những bước đột phá" – NSND Lệ Thủy bày tỏ.
NSND Lệ Thủy
Hơn 50 năm qua bà vẫn là một cô đào nổi tiếng với những vai đào thương tạo được dấu ấn như: Tô Ánh Nguyệt (vở cùng tên), Kim Anh ("Đời cô Lựu"), Diệu ("Lá Sầu Riêng"), Xuân Tự ("Áo cưới trước cổng chùa"), Hạnh ("Cây sầu riêng trổ bông")...Dù sàn diễn cải lương đã trải qua nhiều thăng trầm nhưng bà chưa bao giờ ngờ vực chính mình về tiền đồ của sân khấu. Bà tâm sự: "Tôi nhớ có một câu thoại trong kịch bản: "Nghề hát phải thương vay khóc mướn, mua vui thiên hạ, khi phấn son nhạt nhòa cũng là lúc con tim liêu xiêu không tìm được lối về". Ngẫm nghĩ cũng đúng phần nào. Với tôi, ở tuổi này không thể cứ cưa sừng làm nghé sẽ bị nghi ngờ là mình cố níu giữ chất thanh xuân, tôi đã có được điểm tựa mới để tự tin khi đóng những vai bà mẹ. Tôi đã bàn với anh Minh Vương sẽ tái dựng lại một số vở tuồng mà tôi và anh sẽ hỗ trợ cho dàn diễn viên trẻ theo mô hình của Sân khấu Vàng. Tiền đồ của sân khấu cải lương chính là thế hệ trẻ, họ cần có động lực để phát huy ưu thế trong ca diễn mà trách nhiệm của thế hệ chúng tôi là đồng hành, đôn đốc để họ không nản lòng. Bây giờ mỗi tuần, rạp Hưng Đạo sáng đèn các đêm thứ bảy, chủ nhật, tôi mong sao sẽ tăng thêm suất thứ năm, thứ sáu. Các nhóm nghệ sĩ xã hội hóa cần tạo điều kiện để họ tham gia, làm vở mới và quy tụ lực lượng hùng hậu thì sẽ tạo được dấu ấn cho đợt ra quân mới này" – NSND Lệ Thủy nói.
NSND Lệ Thủy trong vai Tây Thi
Nhìn lại cuộc đời đã ban tặng cho bà quá nhiều lộc nghề, bà tâm sự: "Một người bạn của tôi chạy lông bông hết nửa vòng trái đất, nếm cũng gần đủ mùi vị của cuộc đời khi về Việt Nam gặp lại cha mẹ, nghẹn ngào nói: "Còn có quá khứ để đi về quả không có hạnh phúc nào bằng". Nghe vậy tôi giật mình thoắt nghẹn, cũng trạc tuổi bạn mình mà tôi đã mồ côi cha mẹ. Bây giờ tôi sống chậm, thích hoài niệm, sợ nhất là mình không có quê hương ngay trên mảnh đất đã sinh ra mình. Quê hương chính là sân khấu cải lương đối với tôi. Do vậy, không thể để sân khấu cải lương mất đi"- bà xúc động nói.
NSND Lệ Thủy và các nghệ sĩ tại Mỹ: Cẩm Thu, Thanh Thanh Tâm, Phượng Liên, Ngọc Đáng
San sẻ nỗi đau đối với đồng bào ruột thịt là trách nhiệm của mỗi công dân không riêng gì nghệ sĩ. Chính vì vậy vừa về quê nhà bà đã khăn gói đi theo đoàn từ thiện của các bạn hữu, mang những món quà thiết thực trao cho đồng bào nghèo tại Đồng Tháp, An Giang. "Riêng tôi, cái tên Lệ Thủy đã từng được khán giả nông thôn nuôi lớn trong suốt mấy thập niên qua, do đó tôi đứng ra tổ chức những chuyến cứu trợ, khám chữa bệnh, phát thuốc tặng bà con vùng lũ là dịp đền ơn chứ không phải biểu lộ sự yêu thích. Đi đến đâu bà con cũng muốn được nghe tôi ca một câu vọng cổ trong vở "Tô Ánh Nguyệt", cái cảm giác đứng giữa đồng nước ca không đờn, không âm thanh...có chết cũng phải mang theo vì đó là tình cảm chất phác mặn nồng mà người dân Nam Bộ đã dành cho nghệ sĩ"- bà cho biết thêm về tình cảm của bà con nông dân dành cho mình.
NSND Lệ Thủy
Về kịch bản sân khấu cải lương đang hụt hẫng, NSND Lệ Thủy chia sẻ: "Tôi không phải là nhà nghiên cứu để nói một cách cặn kẽ nỗi lo chung này. Chỉ biết khi đón nhận một kịch bản anh em nghệ sĩ rất sợ ai đó nói: Cái này từa tựa "Dưới hai màu áo", na ná "Đời cô Lựu"... Cải lương hiện nay rất cần một cuộc bứt phá với những nhân vật của thời đại mới. Nói tiếng nói của con người, cuộc sống hôm nay".
Bình luận (0)