Hoang tàn, ô nhiễm nghiêm trọng
Những tưởng với một giá trị kiến trúc, lịch sử quý hiếm như vậy đình An Phú sẽ được chú trọng gìn giữ, tôn tạo. Thế nhưng, từ khi siêu thị Metro An Phú được xây dựng phía trước mặt tiền đình cách đây 3 năm và khi dự án khu đô thị An Phú- An Khánh khởi động thì cũng là lúc đình bắt đầu rơi vào tình trạng xuống cấp nặng nề. Toàn bộ phần đất khu vực đình trước kia cao ráo giờ nằm lọt thỏm giữa các công trình xây dựng xung quanh, san lấp đôn nền lên cao. Những lúc mưa, nước trên mái đổ xuống, nước dưới cống dâng lên, cả ngôi đình chìm trong biển nước bùn, sình. Bà Nguyễn Thị Ất, 69 tuổi, người 7 năm nay được thuê coi sóc đình, ấm ức nói: “Trời mưa ngập không nói gì, nhưng dăm bữa, nửa tháng Siêu thị Metro An Phú lại xả nước thải qua đây. Nước thải dâng lên bốc mùi hôi thối không chịu nổi”.
Muốn hết ngập nước phải chịu mất 300 m2 đất
Tại cuộc họp chiều 19-7-2004 với UBND quận 2 và đại diện ban quý tế đình, đại diện ban quản lý dự án khu đô thị An Phú- An Khánh đã đề nghị sẽ sửa sang, nâng nền đình với điều kiện đình phải chịu mất đi một diện tích đáng kể, chỉ còn 1.800 m2. Ban quý tế hội đình cương quyết không chịu. Sau nhiều giờ thương lượng, phía đình đành phải nhượng bộ, chấp nhận diện tích chỉ còn 2.100 m2. Ông Ngô Đình Dũng, Trưởng Phòng VHTT quận 2, cho biết: “Dự kiến tháng 8 tới ban quản lý sẽ tiến hành san lấp, nâng nền đình, công việc này sẽ xong trong 1 tháng. Kế tiếp, quận sẽ lên kế hoạch trùng tu, sửa chữa đình để tiến hành thủ tục đề nghị công nhận di tích lịch sử văn hóa”. |
Bước vào chánh điện, chúng tôi không thể chịu nổi mùi ẩm mốc, mùi tanh tưởi của nước cống, nước mưa ngập lâu ngày quyện vào nhau. Do thường xuyên bị ngâm trong nước nên toàn bộ gạch nền nhà bong tróc. Các chân cột, chân tường chỉ cần chạm nhẹ vào là lớp xi măng, vôi vữa rớt ra. Dân ở đây thấy vậy mua xi măng về đắp lên những chỗ nứt tạo thành những mảng chắp vá vụng về. Mấy thanh đà ngang trên trần nhà đầy những lằn nứt nẻ, do chấn động bởi các công trình xây dựng chung quanh, tưởng chừng có thể đổ sụp xuống bất cứ lúc nào. Những cánh cửa sắt lâu ngày đóng im ỉm và bị ngâm trong nước nên sét rỉ nặng nề. Mấy chiếc trống cũng bị nước mưa làm mục nát. Bên trong đã vậy, cảnh quan xung quanh còn tệ hại hơn. Nền đất nhuộm một màu đen xịt bởi nước cống, cỏ hoang mọc um tùm, mấy hàng cây xoài, dừa, mít, chuối... những bụi sả trước kia sum sê, tươi tốt nay chết rụi do bị ô nhiễm. Ông Phan Văn Lộc, chủ ban quý tế đình An Phú bức xúc: “Mỗi lần nước ngập, ô nhiễm, chúng tôi đều làm đơn gửi lên UBND phường, quận nhờ chính quyền can thiệp nhưng chẳng thấy ai xuống giải quyết”.
Hậu quả của những chữ ký vô tình
Từ khi hình thành đến nay, đình An Phú đã được người dân trùng tu, sửa chữa không dưới 5 lần, lần gần đây nhất là vào năm 1993. Thế nhưng khi dự án khu đô thị An Phú- An Khánh được Kiến trúc sư trưởng TP phê duyệt ngày 15-11-1999, đình An Phú lại thuộc diện bị giải tỏa trắng. Bức xúc trước quyết định này, người dân ở đây đã đệ đơn lên chính quyền địa phương đề nghị giữ lại đình. Song, các cơ quan chức năng lại thống nhất với đề nghị của Công ty Phát triển - Kinh doanh nhà TP đập bỏ ngôi đình hiện hữu để xây dựng lại ngôi đình An Phú với diện tích khoảng 2.400 m2 tại khu vực đã được duyệt quy hoạch là công viên cây xanh, thuộc khu B của dự án. Lo sợ trước những quyết định thiếu hiểu biết này, Sở VHTT TPHCM đã có tờ trình gửi UBND TPHCM đề nghị phải giữ lại đình. Ngày 1-7-2003, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Tài đã tổ chức cuộc họp, kết luận: Kiên quyết bảo vệ đình, không được di dời, chuyển đình sang vị trí khác làm mất đi ý nghĩa giá trị lịch sử của đình, đồng thời ra lệnh đình chỉ toàn bộ việc thi công công trình xây dựng có nguy cơ làm xâm hại đến đình và cảnh quan môi trường xung quanh. Mặc dù chính quyền TP đã lên tiếng như thế nhưng từ đó đến nay tình trạng bị xâm hại của đình An Phú cũng chẳng được cải thiện.
Trong buổi làm việc với Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP mới đây, bà Nguyễn Thế Thanh, Phó GĐ Sở VHTT TPHCM, bức xúc báo cáo: “Chúng tôi không thể nào hiểu được là có đến 5 con dấu đỏ của các cơ quan có thẩm quyền đồng thuận việc đập bỏ một di tích có giá trị lịch sử văn hóa hơn 200 tuổi này”. Việc muốn xóa sổ đình An Phú không đơn thuần là thái độ lạnh lùng trước một công trình kiến trúc cổ mà nó còn thể hiện sự thiếu hiểu biết về những giá trị văn hóa lịch sử mà ông cha ta đã để lại.
Bình luận (0)