Không phải bây giờ mà từ xưa, khi các gánh hát lưu diễn xa, nghệ sĩ không có việc gì làm sau khi màn nhung khép lại nên cùng nhau gầy sòng bài để giải trí. Ban đầu chỉ chơi cho vui, càng chơi càng say máu, họ quay ra sát phạt nhau.
Chơi thử đâm ghiền
NSƯT Út Bạch Lan kể: “Gánh hát xưa có những ông bà bầu mê đỏ đen thường mang theo những bộ bài tứ sắc hoặc bàn “bầu cua cá cọp”. Vào thập niên 50, 60 của thế kỷ trước, khi chưa ràng buộc được nghệ sĩ bằng hợp đồng độc quyền, các ông bà bầu thường giữ chân nghệ sĩ bằng cách cho họ nếm “tứ đổ tường”. Ai mê cờ bạc thì có “bầu cua cá cọp”, ai đồng bóng thì có “ông đồng, bà cốt” ứng biến số đề, ai thích phiêu bồng theo làn khói trắng thì có thuốc phiện… Đa số nghệ sĩ sợ dính vào thuốc phiện nên chọn chơi bài. Từ việc đặt cược vài ba đồng đến vài trăm ngàn đồng là chuyện bình thường. Ai vay thì ký vào sổ nợ với lãi suất cao, hát đến đâu bị trừ tiền lương đến đó. Không ít nghệ sĩ hát 5 - 10 năm vẫn chưa dứt nợ bài bạc”.
Soạn giả NSND Viễn Châu kể: “Một anh kép hát xin giấu tên, đứng ra lập đoàn hát, lấy tuồng của tôi khai trương nhưng do bài bạc khiến cả gánh hát đều mắc nợ, tiền tuồng cũng bị quỵt luôn. Ngày mùng 1 Tết, gánh hát của anh không có đến một mâm cơm để cúng Tổ, vậy mà anh ta vẫn bỏ gánh hát để đi đánh bạc rồi bị cảnh sát bắt. Truy tìm nguyên nhân, mới biết anh kép này xuất thân từ gánh hát của một ông bầu chuyên dụ nghệ sĩ chơi cờ bạc. Với ngón nghề đánh tráo bài, anh kép này trở nên tay chơi bài sành điệu. Tiền lập gánh hát ban đầu của anh nhờ vào tiền thắng bài bạc nhưng sau đó chính anh đem cả gánh hát của mình “nướng” vào sòng bài. Anh kép này là điển hình cho những trường hợp “thử rồi bị ghiền lúc nào không hay”.
Nghiện bài bạc nhất trong giới nghệ sĩ phải kể đến kép U. Ông có thể ngồi chơi bài sau khi vãn suất hát cho đến trưa hôm sau. Tiền cát-sê bao giờ cũng phải được bầu ứng trước 10 suất để ông đánh bạc. Hôm nào “hạ đo ván” các đối thủ, ông đãi mọi người trong gánh hát ăn heo quay. Tương tự, kép D. nổi tiếng điển trai và mê bài bạc. Ông khiêu vũ thật đẹp khiến các cô gái nhảy thời đó chết mê chết mệt, dâng tiền của cho ông để nướng vào các sòng bạc. Vì mải mê đánh bài mà thường xuyên trễ hát, hai cánh màn nhung sân khấu đã khép lại sự nghiệp của ông.
Đỏ đen không thể “chơi cho vui”
Không chỉ có những nghệ sĩ sân khấu cải lương mê bài bạc mà đánh mất thanh danh, tiêu tan sự nghiệp, trong giới sân khấu kịch nói, ca nhạc và điện ảnh hiện nay cũng có không ít người vướng vào nợ nần do bài bạc.
Mới đây, một sân khấu kịch khá danh tiếng phải đột ngột đổi vở vì một nghệ sĩ hài bị các tay anh chị trong giới xã hội đen vây quanh buộc phải trả nợ, còn không thì sẽ bị xử theo luật giang hồ. Chủ nhiệm sân khấu kịch này phải đổi ngay vở diễn để tránh trường hợp băng nhóm xã hội đen làm náo loạn khán phòng. Một giám đốc đoàn nghệ thuật quốc doanh phải cấp tốc xuống tỉnh Vĩnh Long để xin cho một nghệ sĩ bị tạm giữ vì bị bắt quả tang đang tham gia đánh bạc. Hầu hết nghệ sĩ vướng vào bài bạc khi cầm lá bài đều phán một câu: “Chơi cho vui mà!”. Thế nhưng, chính họ đã biến mình thành những con thiêu thân, lao vào cuộc đỏ đen để rồi đốt cháy gia sản, tiêu tan sự nghiệp.
NSƯT Bảo Quốc kể lại một mẩu chuyện mà chính ông là nhân chứng về “kỷ luật thép” của mẹ mình - bà bầu Thơ (chủ đoàn hát Thanh Minh - Thanh Nga): “Má tôi ngày xưa khó chấp nhận việc nghệ sĩ đi hát mà mang bộ bài, bàn “bầu cua cá cọp” vào hậu trường. Chỉ cần bà nhìn thấy thì ngay lập tức anh hậu đài hoặc chị đồ hội hay bất kỳ diễn viên nào cũng sẽ bị đuổi ra khỏi gánh hát”.
Làm xấu thanh danh nghệ sĩ Dư luận trong làng giải trí mới đây dậy sóng vì chuyện vỡ nợ của một ca sĩ danh tiếng. Việc vỡ nợ này có thể là do làm ăn thua lỗ nhưng nghe đâu cũng có phần do nợ bài bạc. Trên thực tế, từ các đoàn hát cải lương, sân khấu kịch cho đến tụ điểm ca nhạc, tấu hài và trên các trường quay đều có những sòng bài “tiến lên”, “tứ sắc”, “xập xám”... cá độ bóng đá, đua xe, đánh số đề... Soạn giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, nói: “Không thể chấp nhận việc một số nghệ sĩ đem tên tuổi, uy tín của mình để “nướng” vào các chiếu bạc. Hiện nay, Hội Sân khấu TP HCM đã nghe phản ánh việc có một số nghệ sĩ thường xuyên sang biên giới Mộc Bài - Tây Ninh để “giải sầu” trong các sòng bạc. Nghệ sĩ là người của công chúng nên họ xuất hiện ở sòng bài thì tiếng xấu lan đi nhanh chóng. Để ngăn chặn tình trạng này, các cơ quan quản lý nghệ sĩ phải hết sức chú trọng đến việc nghệ sĩ của đơn vị mình có biểu hiện tham gia đánh bạc. Bên cạnh đó, cần kêu gọi nghệ sĩ đừng biến mình thành những con nghiện đỏ đen, làm xấu thanh danh của giới nghệ sĩ”. |
Kỳ tới: Trở thành “con nghiện”
Bình luận (0)