xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đoàn Khoa trở lại

Thanh Hiệp thực hiện

Có nhiều chuyện con người ta tính toán quá kỹ nhưng lại không xong và ngược lại. Hình như mọi việc trên đời này cần phải có duyên mới thành được

. Phóng viên: Năm năm qua, anh gần như không màng tới sân khấu nhưng sao lần này anh quyết định tái ngộ với khán giả qua chương trình Người Sài Gòn cười?


- Đạo diễn Đoàn Khoa: Người Sài Gòn cười được thực hiện cách đây 5 năm, thế nhưng như một trái cây chưa đủ chín, nó gặp nhiều sự cố, chủ yếu do mối bất hòa giữa những người thực hiện nên nó bị xếp xó. Gần đây, hoàn toàn do tình cờ, NSƯT Hồng Vân đã nhắc và muốn khôi phục chương trình này sau khi cô ấy đọc lại kịch bản và thấy những vấn đề được nêu hãy còn nóng trong đời sống chúng ta hiện tại. Ngay lập tức, chúng tôi đã cập nhật hóa những chuyện đang xảy ra trong thời gian gần đây để ra mắt chương trình Người Sài Gòn cười.


. Vậy là Người Sài Gòn cười đã có hấp lực để kéo anh quay lại sân khấu?


- Cũng như những chương trình mà tôi thực hiện trước đây: Những người thích đùa 1, Nụ cười 2000, Người Sài Gòn cười vẫn kể lại những vấn đề còn ngổn ngang trong đời sống bằng một phong cách đặc biệt. Người Sài Gòn cười thể hiện cách cười của người Sài Gòn: Cười hết cỡ trước những sai quấy nhưng lại đầy trách nhiệm và cố gắng sửa sai, xây dựng chứ không đơn thuần đả phá.

img
Đạo diễn Đoàn Khoa. Ảnh: T.Hiệp


Những chuyện như thiên tai ngày một nhiều hơn, khí hậu biến đổi thất thường... tưởng đâu là chuyện “của ai đó” thì thật sự sẽ xảy ra trong vài thập niên tới. Những thảm họa trên còn diễn ra nhanh hơn nếu con người nói chung và dân ta nói riêng cứ sống một cách bừa bãi, vô trách nhiệm và tàn phá thiên nhiên vì tư lợi. Với Người Sài Gòn cười, chúng tôi luôn hy vọng rằng tín hiệu của mình phát ra góp phần tích cực vào sự cảnh báo chung của xã hội.


. Anh trăn trở điều gì đối với tình hình sân khấu kịch hiện nay sau 5 năm anh xa nó?


- Sân khấu hiện nay thiếu những tác phẩm tốt như những giai đoạn trước do thiếu nền tảng vững chắc từ kịch bản hay, đậm chất văn học. Hiện thời, các vở diễn luôn dựa vào sở trường hoặc những kỹ năng của diễn viên nhằm thu hút khán giả hơn là đầu tư vào nội dung tác phẩm. Tất nhiên nói về vấn đề này, tôi cũng khá hoang mang vì có những vở tốt nhưng tệ về doanh thu. Thế nhưng nếu giới nghệ sĩ bớt ít nhiều tính thỏa hiệp và cố gắng thể nghiệm nhiều hơn thì biết đâu sân khấu TP sẽ có diện mạo khá hơn?

img
Từ trái sang: NSƯT Hồng Vân, Minh Nhí và Lương Mỹ trong chương trình Người Sài Gòn cười


Một yếu tố quan trọng khác làm hạn chế sự ra đời của các vở diễn đúng nghĩa là qua ngần ấy năm, thiết bị và kỹ thuật sân khấu vẫn không được đầu tư một cách chuyên nghiệp, điều này cũng hạn chế và làm cho loại hình nghệ thuật này bị cũ đi.


. Điều gì khác giữa một Đoàn Khoa của 5 năm trước với một Đoàn Khoa hôm nay?


- Qua khoảng thời gian dài như vậy, ngoài chuyện già đi, nếu không khác thì đúng là điều quái đản. Thế nhưng khác như thế nào thì phải để người ngoài, thí dụ như bạn, nhận xét có lẽ tốt hơn. Cái mà tôi tạm hài lòng với chính mình lúc này là cách giải quyết nhiều việc có vẻ mạch lạc và thoải mái hơn.


. Anh nhận xét thế nào về các diễn viên trẻ hiện nay? Nhất là khi họ thích diễn hài hơn diễn chính kịch?


- Dàn diễn viên trẻ hiện nay có thể hình tốt và nhiều cơ hội xuất hiện trên các phương tiện truyền thông hơn thời chúng tôi, nhờ đó, họ tự tin hơn, xem chừng, họ “lanh” hơn, nhất là khi họ diễn hài. Thế nhưng những lợi điểm đó cũng khiến họ dễ rơi vào nhiều cái bẫy. Đầu tiên là sợ “thiếu đất diễn” nên ai nấy cứ tung tẩy một cách vô tội vạ, sau đó cố “tìm miếng” gây cười bất chấp mối tương quan với các nhân vật khác, cuối cùng, họ thiếu tầm nhìn về giá trị tư tưởng thông qua nhân vật họ thể hiện. Trở lại với diễn viên thế hệ trước, tôi luôn quý sự tiết chế của họ.


Chương trình Người Sài Gòn cười sẽ ra mắt khán giả vào tối 6-12 tại sân khấu Kịch Phú Nhuận. Trở lại sân khấu kịch sau 5 năm vắng bóng, một đạo diễn Đoàn Khoa ngày nào vẫn đầy phong độ với cách tư duy vở diễn độc đáo, lôi cuốn khán giả bằng những tình huống hài duyên dáng.
. Anh dự định sẽ thực hiện tiếp vở kịch mới tại Kịch Phú Nhuận?


- Ngoài Người Sài Gòn cười, tôi cùng NSƯT Hồng Vân đang dựng một vở kịch cho Tết Canh Dần 2010, tôi còn giúp đạo diễn Tất My Loan một phần trong show ca nhạc của ca sĩ Đức Tuấn vừa diễn ra, đồng thời cũng chuẩn bị chương trình cho một ca sĩ “đặc biệt” trong dịp cuối năm. Tôi cũng đang chuyển thể vở kịch dựa theo truyện ngắn I’m đàn bà của nhà văn Y Ban và kịch bản phim này của đạo diễn Việt Linh để thành tác phẩm sân khấu, dự án này có thể thực hiện trong năm sau.


. Anh có thấy tiếc vì đã bỏ mất 5 năm không “canh tác” trên mảnh đất này?


- Với tôi, mọi thứ trên đời như được xếp đặt bởi một đấng vô hình nào đó. Có nhiều chuyện, con người ta tính toán quá kỹ nhưng lại không xong và ngược lại. Hình như mọi việc trên đời này cần phải có duyên mới thành được. Tôi không phân biệt việc mình làm có sân khấu hay không sân khấu, chỉ đơn thuần là việc đó đáng làm hay không và mình có hết lòng với nó hay không. Tôi cũng còn nhiều công việc đáng làm khác tuy thầm lặng hơn như dạy học, chụp ảnh, vẽ tranh hay viết lách. Tất cả những công việc trên đều thích hợp trong một khoảng thời gian nào đó. Tôi chỉ mong rằng những chuyện mình làm là có ích, không chỉ cho mình mà còn cho nhiều người xung quanh.

Những dấu ấn rất riêng

Đoàn Khoa được đánh giá là đạo diễn có cá tính, thích tìm tòi cái mới. Tại Liên hoan Sân khấu nhỏ lần 1 năm 1989, với vở kịch Những con thú thủy tinh, Đoàn Khoa đã được khán giả và bạn bè đồng nghiệp yêu thích.

Năm 1995, một lần nữa tên tuổi Đoàn Khoa được nhắc đến với thành công của chương trình Duyên dáng Việt Nam 5, anh đã tạo nên ấn tượng với sự sáng tạo giàu chất thơ, đem lại nét lãng mạn, thi vị cho các tiết mục ca nhạc khiến người xem như được ngắm nhìn những bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp qua bàn tay dàn dựng của anh.


Năm 1997, Đoàn Khoa là một trong những người đầu tiên gầy dựng Sân khấu IDECAF. Anh là người đặt nền tảng xây dựng những vở kịch thiếu nhi được khán giả yêu thích, như: Hoàng tử chăn lợn, Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Phượng hoàng và cây khế, Vua cò, Ngư ông và nàng tiên cá...

Anh đưa Kịch Kim Cương về với ước mơ tái dựng phong cách kịch Kim Cương qua vở Người mua hạnh phúc, rồi Đoàn Khoa còn dựng cải lương với vở Thương hoài ngàn năm. Đoàn Khoa còn sáng tác ảnh nghệ thuật, vẽ tranh, triển lãm, dạy học và viết báo. Mỗi lĩnh vực, đối với anh là một bước ngoặt thú vị. “Nhưng tôi mê sân khấu hơn cả vì thế giới này là niềm đam mê của tôi” - anh nói.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo