Công tác tổ chức: Làm cho có
Sát ngày khai mạc, một cán bộ của Cục Điện ảnh nói với tôi: “Chọn Nam Định để tổ chức LHP là một sai lầm. Thứ nhất, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác chiếu bóng ở thành phố này lạc hậu; chỗ ở hạn chế; điều kiện thông tin liên lạc không thuận tiện sẽ “làm khó” các vị khách quốc tế đến dự LHP. Thứ hai, các địa điểm tham quan quá đơn điệu, chủ yếu là đền, chùa, tượng đài... không “ăn nhập” với không khí hội hè của giới điện ảnh”.
Với tiêu chí “Vì một nền điện ảnh VN đổi mới và hội nhập”, quan điểm của Ban Tổ chức (BTC) LHP năm nay là phải tạo được dấu ấn về sự đổi mới từ công tác tổ chức, chấm giải. Quyết tâm này đã được các thành viên trong BTC thống nhất cao trong một cuộc họp với Ban Chỉ đạo LHP cách đây vài tháng. Lúc đó, ông Lê Ngọc Minh, Cục phó Cục Điện ảnh, khẳng định sẽ cho xây dựng chi tiết các kịch bản khai mạc, bế mạc, hội thảo, giao lưu. Và vì “sợ” truyền hình “bao thầu” kịch bản đẩy BTC vào thế bị động, nếu truyền hình trực tiếp, nên ngay từ ngày đó đã có ý không truyền hình trực tiếp để làm kịch bản cho kỹ, đúng chất “cinema”.
Lễ khai mạc và bế mạc LHP khiến không ít nghệ sĩ thất vọng. Không một bông hoa cho người đoạt giải, không có thời gian dành cho nghệ sĩ bày tỏ cảm xúc... Gấp gáp, đơn điệu, lặp đi lặp lại, cứ như thể làm cho xong, khiến người thắng giải cũng cảm thấy tủi vì sự đăng quang không bằng giải Cánh diều vàng của hội.
Nỗi buồn giải thưởng
Từ Mỹ, đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh “thở dài”: “Tôi đọc kết quả LHP VN trên báo mạng trong nước và thấy thất vọng vô cùng cho LHP lần này”. Vài tháng trước, khi thông tin cho ông việc bộ phim Mùa len trâu dự LHP VN lần thứ 15, ông rất phấn chấn: “Tôi đang có một dự án phim ở Mỹ, rất bận nhưng nếu được mời, tôi sẽ cố gắng thu xếp về VN. Mùa len trâu đã giành được hơn 10 giải thưởng quốc tế nhưng tôi vẫn cảm thấy ấm áp nếu nó được ghi nhận tại VN với tư cách là một bộ phim Việt”. Bẵng đi 1 tháng, ông lại viết thư về với vẻ buồn buồn: “Chẳng thấy ai nói gì với tôi về việc Mùa len trâu dự thi”. Cho đến gần ngày LHP, ông viết thư bảo: “Tôi bận nên chắc sẽ không về dự LHP được”. Hỏi ông: “Có nhận được lời mời từ BTC hay Hãng phim Giải Phóng không?”, ông im lặng. Liệu có phải ông giận không nhỉ? Và bây giờ thì “vô cùng thất vọng”- mà không phải thất vọng vì phim mình không đăng quang giải cao nhất mà thất vọng vì những chuyện “không chuyên nghiệp” trong công tác tổ chức và chấm giải của điện ảnh VN- nếu như báo chí nói đúng.
Tôi đã xem phim Hà Nội, Hà Nội hai lần. Lần thứ nhất, là buổi chiếu phim dành cho báo chí và Ban Giám khảo tại giải Cánh diều vàng 2006. Lần thứ hai, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đã cho tôi mượn đĩa phim để “cận cảnh” rõ hơn về bộ phim. Công bằng đánh giá Hà Nội, Hà Nội là phim trên trung bình. Nhược điểm của phim này là sự lỏng lẻo trong cấu trúc, quá nhiều tình huống ngẫu nhiên, ít đất để các diễn viên bộc lộ chiều sâu nội tâm của nhân vật. Suốt phim, phần lớn các diễn viên diễn bằng thoại, bằng động tác ngoại hình; tính cách một số nhân vật thay đổi xoành xoạch; đôi chỗ không mạch lạc, có vẻ như “vắn tắt” ở phần cuối khiến người xem cảm thấy khó hiểu... Vậy mà phim lại được trao giải Bông sen vàng, “ẵm” luôn giải Biên kịch, Nam diễn viên phụ xuất sắc và giải Khán giả bình chọn (!?).
Kiểu chấm giải cho vui cả làng
Hỏi một vị giám khảo của Hà Nội về sự “công tâm” và “không chịu áp lực” mà một vài vị cùng trong Ban Giám khảo đã phát biểu với báo chí trước đó, người này nói: “Té ra ở VN vẫn còn kiểu chấm giải “vui cả làng”. Ban đầu cũng căng lắm, nhưng trưởng Ban Giám khảo vẫn có cách thuyết phục mọi người theo. Lúc đó, chỉ nghĩ, đến LHP là để vui chứ đâu phải để cãi nhau nên mọi người gật cho xong. Ai dè bây giờ hứng cả núi bức xúc của dư luận”.
Không chỉ giải Bông sen vàng có vấn đề, một số giải khác cũng đã “ngồi nhầm vị trí”. Ví như Chuyện của Pao, không thể ngồi cùng chiếu với Mùa len trâu và đứng trên Sống trong sợ hãi. Nếu không phải là Mùa len trâu được giải thì giải Bông sen vàng dễ thuyết phục người xem nhất phải dành cho Dòng máu anh hùng, hoặc Sống trong sợ hãi. Ngô Thanh Vân nhận giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cùng Hải Yến cũng có phần khiên cưỡng. Diễn xuất của Hải Yến không nhiều ấn tượng nhưng “đều” trong suốt phim với lối diễn tiết chế, làm chủ cảm xúc của nhân vật. Ngô Thanh Vân gây ấn tượng ở các màn đánh võ, đem đến cho người xem một cảm giác lạ, nhưng gương mặt ít biểu lộ cảm xúc, người xem khó nhìn thấy chiều sâu nội tâm với những diễn biến phức tạp (đáng lẽ phải có) của nhân vật này. Giải Quay phim cho Lý Thái Dũng cũng bị chính giới làm nghề không phục. Một nhà quay phim nói: “Trong buổi chiếu duyệt phim Vũ điệu tử thần tại Cục Điện ảnh, một thành viên hội đồng đã kêu: “Dũng quay phim này xuống tay quá”. Trao giải cho một sự đi xuống liệu đã công bằng chưa? Tôi chỉ thấy thương cho Đào Duy Phúc, bộ phim Sinh mệnh, do anh ấy đạo diễn, 2 lần lọt vào đề cử giải vàng (Cánh diều vàng và Bông sen vàng), kết cuộc đều trắng tay. Nếu đã được đề cử giải vàng thì ít ra nó cũng phải có một vài giải phụ xuất sắc... Thật là khó hiểu?”.
Vì năm nay quy chế phát ngôn đối với các thành viên Ban Giám khảo khá chặt, nên các giám khảo đều chỉ dám ấm ức trong lòng? Liệu có giám khảo nào dũng cảm để nói ra những lình xình trong việc chấm giải năm nay như giải Cánh diều vàng 2006 dịp đầu năm. Phải chờ thôi!
Johnny Trí Nguyễn: Tổ chức quá kém! Thư mời của BTC gửi cho Trí chỉ đủ để biết đây là LHP VN lần thứ 15, ngoài ra khách mời không được biết thông tin chi tiết gì thêm về LHP. Người dân Nam Định đón tiếp các nghệ sĩ rất nhiệt tình, nồng hậu nhưng tiện nghi ở đây không đủ điều kiện để đón tiếp một lượng khách lớn như LHP. Trong buổi tiệc chiêu đãi sau hôm lễ khai mạc, khách dự phải ngồi trên ghế nhựa để ăn, thậm chí cũng không đủ ghế để ngồi. Chỉ người VN mình với nhau còn thông cảm được, đằng này có cả khách nước ngoài, các đoàn điện ảnh nước bạn mà tiếp đón như vậy thì xấu hổ quá. Chương trình làm việc cũng không rõ ràng, BTC chỉ cho Trí biết có 3 buổi giao lưu với khán giả nhưng không thông báo giờ giấc cụ thể, chỉ 1 giờ trước khi giao lưu họ mới báo. Buổi khai mạc, nghe loa xướng tên Hãng phim Chánh Phương, anh em trong đoàn phim Dòng máu anh hùng đứng lớ ngớ chẳng biết đi đâu vì không có ai hướng dẫn cả. Đêm bế mạc thiệp mời ghi 18 giờ 30 có mặt, đến nơi chẳng thấy bóng dáng BTC lẫn khách mời. Đến gần giờ mở màn, Trí quay trở lại khu vực văn nghệ sĩ ngồi thì đã chật kín khán giả, rất may có người trong BTC cho mượn mấy chiếc ghế nhựa ngồi chen vào. Phần trao giải không có sự trịnh trọng, người nhận chẳng được nói lời nào vì không có micro, riêng hạng mục Diễn viên xuất sắc có 4 người được giải nhưng chỉ một người được mời phát biểu! Vấn đề an ninh cho diễn viên cũng không được bảo đảm, sau các buổi giao lưu, diễn viên bị khán giả bu kín không còn đường thoát. H.nhu ghi |
Bình luận (0)