Hai Đời (Đông Dương) và Lùn (Việt Hương) - một người mù, dò dẫm đàn hát kiếm tiền; một người chửa hoang, nửa điên nửa tỉnh đến với nhau bằng tình yêu chân thành, trong sáng. Sự gắn kết giữa 2 con người khiếm khuyết ấy đã cho ra đời một gia đình bé nhỏ nhưng hạnh phúc mong manh khi nghèo đói vây quanh. Để rồi “Đời - Như - Ý” không đơn giản là tên của 3 cha con mà còn là sự trào lộng đắng chát, xót xa về cái nghèo, về cuộc đời: “Làm gì có chuyện đời như ý!”.
Đời như ý đã khiến khán giả khóc nghẹn trong buổi chiếu ra mắt! Nước mắt ngân ngấn khi 4 con người nhỏ bé mưu sinh lạc lõng giữa dòng đời tấp nập, khi Như và Ý nhìn thấy cha ngày càng kiệt sức vì mưu sinh rồi lo sợ cha chết; khi Hai Đời cắn răng, đứt ruột bán con cho dì Liễu. “Con sẽ nghỉ học đi bán vé số. Cha đừng bán con cha ơi!” (lời bé Ý). “Chị em con sẽ phụ cha mẹ kiếm tiền. Cha đừng cho bé Ý nghe cha!” (lời bé Như). “Cha không cho con mà cha bán con” (lời Hai Đời)… Nghe những câu này, người xem chẳng thể nào cầm lòng được. Toàn bộ phim là những cảnh xúc động đến độ người xem cứ ứa nước mắt. Cảnh bé Ý vụt chạy khi nghe nói mình là “con lượm, con nuôi”, khóc tức tưởi van xin cha đừng bán con đi, lén về nhà nhìn cha ho sù sụ qua cửa sổ; Hai Đời qua thăm con trong thầm lặng... Nỗi đau của cha con họ cứ lan sang người xem, cứa từng thớ thịt, ghim vào tim của họ.
Tứ truyện buồn mênh mang của thân phận nghèo khổ trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư là một “bệ đỡ” vững chắc cho câu chuyện liền mạch nhưng diễn xuất của diễn viên mới đẩy cảm xúc lên đỉnh điểm. Một Việt Hương tỉnh tỉnh mê mê, ngây ngô trong từng hành động. Chị hầu như không khóc được, lúc nào cũng ngẩn ngơ ôm con, ôm chồng. Vai Hai Đời của Đông Dương là bất ngờ lớn bởi ít ai có thể tin được nam diễn viên trẻ này lại đi vào được bi kịch của Hai Đời. Sự ngây thơ, nước mắt, nỗi đau của 2 đứa trẻ Như, Ý được bé Thanh Vy, Như Ý diễn tự nhiên, mộc mạc, chân thật. Phần âm nhạc buồn sâu lắng do nhạc sĩ Minh Nhiên phụ trách góp phần tăng thêm nỗi buồn man mác, nhất là tiếng đàn nỉ non bài vọng cổ của Hai Đời cất lên.
Không giống như truyện Cánh đồng bất tận, 3.000 chữ trong truyện ngắn Đời như ý của Nguyễn Ngọc Tư không nhiều tình tiết, tình huống sẽ là một thử thách khi chuyển thể thành phim. Đạo diễn Vương Quang Hùng vẫn giữ nguyên đường dây chính, ít thêm thắt như các phiên bản trên sân khấu kịch, cải lương về tuyến nhân vật phụ, nội dung, kể cả cái kết buồn. Câu chuyện, tình tiết trong Đời như ý không mới, cảm giác như chúng ta đã bắt gặp đâu đó nhiều lần, tương tự trong nhiều truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư. Câu chuyện về những thân phận nghèo nàn, bất hạnh, cố vươn lên trong cuộc sống cơ hàn. Nhưng điện ảnh luôn có ngôn ngữ thể hiện riêng của nó. Câu chuyện của phim bàng bạc hơn, sâu lắng hơn và không thiếu những điểm nhấn được đạo diễn Vương Quang Hùng tô đậm thêm những trường đoạn đắt để lấy nước mắt khán giả.
Có lẽ giữa lúc thị trường phim ảnh có quá nhiều thể loại hành động, kinh dị ồ ạt thì những thước phim mộc mạc, sâu lắng, buồn hiu như Đời như ý như làm dịu đi, đánh thức những thổn thức của người xem về tình yêu, ước mơ của những mảnh đời bất hạnh.
Bình luận (0)