Vốn là một bác sĩ, Saga Junichi viết Đời yakuza theo dạng ghi chép rồi tập hợp thành sách. Sự chân thật của những câu chuyện ông kể lại đã tạo nên thành công ngoài mong đợi cho tác phẩm của mình. Đời yakuza chính là cuộc đời thật. Đó chính là điều mà độc giả hôm nay cần.
Đời yakuza kể về cuộc đời của ông trùm yakuza Eiji Ijichi. Khi về già, nằm trên giường bệnh, bệnh nhân Eiji Ijichi đã kể lại cho bác sĩ Saga Junichi nghe về cuộc đời mình.
Bỏ nhà đi bụi khi mới 15 tuổi, Eiji Ijichi đã lăn lộn với xã hội và trụ lại ở vị trí một tay trùm giang hồ lẫy lừng, khét tiếng. Số phận ban phát cho mỗi con người một hành trình với những khoảnh khắc của sự cay đắng, ngọt bùi đan xen. Eiji cũng không ngoại lệ. Có điều, số phận sắp xếp cho ông sống động đến mức nó như một sản phẩm của trí tưởng tượng bay bổng đến khó tin.
Qua ký ức của Eiji, thế hệ yakuza thời hiện đại được khắc họa trên màn ảnh chỉ là những thứ tưởng tượng, hoặc có chăng “đó cũng chỉ là một phần nổi của những kẻ ít hiểu việc” như lời Eiji. Yakuza thời Eiji là những người làm công việc duy trì các sòng bạc. Các tay trùm là những người thông minh, rất có đầu óc. Họ biết cách chiều lòng con bạc, biết cách giữ chân con bạc quay lại với mình lâu dài. Đặc biệt, họ biết sợ uy quyền của cảnh sát và tuyệt nhiên không dính dáng đến những chuyện đổ máu.
Điều mà Eiji nhấn mạnh là yakuza thực sự lịch lãm, trọng nghĩa khí. Vũ lực là thứ bị khinh miệt và giải pháp mà yakuza chọn trong cách ứng xử của mình là sự thân thiện, chân thành, lịch thiệp, hòa nhã. Eiji là một người có nghĩa khí và ông đã thành công bằng chính nghĩa khí đó.
Tuy nhiên, Đời yakuza không chỉ là câu chuyện về yakuza mà còn có một sự thật trần trụi khác ẩn chứa bên trong. Một bức tranh sống động của con người và đất nước Nhật Bản trong 2 cuộc thế chiến đầy tăm tối (bao hàm nhiều lĩnh vực) được khắc họa chân thật đến trần trụi. Chính thái độ không né tránh càng làm tăng thêm tính nhân văn sâu sắc cho tác phẩm này.
Bối cảnh Nhật Bản trong sách là một đất nước bại trận, chìm sâu trong tăm tối và động đất. Chìm ngập trong khổ đau, mất mát và đói nghèo khiến con người trở nên yếu đuối, vùi mình trong thất bại u tối. Chính Eiji cũng bị thời cuộc đẩy vào con đường trở thành yakuza thay vì là một người làm công ăn lương, sống an phận nhưng thư thái. Đó chưa phải là tất cả, vẫn còn những con người khí khái, quật cường đứng dậy chống lại số phận, giành lại cuộc sống cho chính mình.
Đời yakuza như là lời giải thích vì sao những đứa trẻ Nhật Bản dù rất đói và lạnh vẫn đứng xếp hàng ngay ngắn đợi đến phiên mình để được nhận cứu trợ sau trận động đất. Hình ảnh ấy được cả thế giới ngưỡng mộ nhưng mấy ai hiểu được rằng lối hành xử đó bắt đầu từ câu chuyện dài và nó đã trở thành nét văn hóa bất di bất dịch của cả một dân tộc. Đời yakuza vẽ nên những bức họa khắc nghiệt và cay đắng nhưng lại là bài học về lòng tự trọng. Chẳng hạn, bản tính cố chấp chịu chết đói chứ không đi lạy lục van xin để có những mảnh vụn thức ăn, nhất là khi người khác đã khước từ sự giúp đỡ.
Cuộc đời của Eiji hạnh phúc và khổ đau cũng vì yêu và vì phụ nữ. Trong bức tranh đa sắc của cuộc đời mình, ông xem tình yêu giống như những bông hoa dại ngọt ngào chỉ để điểm tô. Điều đó giúp Eiji thấy “dễ thở” với số phận “khổ sở” vì yêu của mình. Với Eiji, “yakuza hay người thường cũng sẽ hết lòng vì tình yêu. Khi không thể trọn vẹn cho tình yêu của mình, hãy nghĩ đó là số phận”. Eiji khiến bao người khiếp sợ nhưng cũng không ít người đã ngưỡng mộ ông.
Bình luận (0)