Hầu hết cử tọa tham dự đều chia sẻ quan điểm này. Từ khi ĐCTTNB được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, 7 nội dung của chương trình hành động quốc gia bảo vệ nghệ thuật ĐCTTNB (giai đoạn 2014-2020) đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công bố và rồi mỗi nơi làm mỗi kiểu, liên tục đưa ĐCTTNB vào học đường mà thiếu sự chuẩn hóa.
Nhà nghiên cứu văn hóa Lê Văn Thanh Tâm nói: “Hồi nhỏ, khi còn ở bậc tiểu học, tôi đã được dạy những bài hát theo nhiều điệu lý, mỗi tuần một buổi trong giờ học chính khóa do thầy Nguyễn Hữu Ba từ Viện Âm nhạc Kịch nghệ Sài Gòn, nay là Nhạc viện TP HCM, sang dạy. Không thể buộc các em học sinh tiểu học nghe và học 20 bài bản tổ mà phải đi từ những bài bản dễ thuộc, dễ hát”.
Nghệ sĩ Mỹ Chi, Kiều My, Trúc Đào và Trung Tính giới thiệu bài bản ĐCTT Nam Bộ thông qua hoạt cảnh Giấc mơ thần bếp
Hiện nay, toàn TP HCM có 200 CLB ĐCTTNB với 3.000 người tham gia nhưng hầu hết các nhà chuyên môn đều nhận xét không có thầy đờn, thầy tuồng đúng chuẩn để tập huấn, nâng cao hiệu quả sinh hoạt nên ngày càng có nhiều dị bản ra đời, đó là sự nguy hại đáng báo động một khi nền tảng của sự chuẩn mực bị xem nhẹ.
Trước lời cảnh báo đó, TP HCM đã triển khai 10 lớp tập huấn đờn và ca tại 56 xã nông thôn mới, kết quả là phát hiện thêm nhiều tài năng ĐCTT triển vọng. Và trong năm 2013, cuộc thi sáng tác lời mới cho 20 bài bản tổ của bộ môn này đã gặt hái thành quả đáng mừng, hơn 300 bài bản mới ra đời và được in thành sách, có nội dung phong phú, tạo được sự phấn khởi cho các CLB, các trung tâm văn hóa khi tổ chức giao lưu, biểu diễn và chơi ĐCTT.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM, cho biết: “Từ thành quả đáng quý đó, năm 2015, TP HCM sẽ tổ chức cuộc thi sáng tác lời mới 20 bài bản tổ cho lứa tuổi thiếu nhi. Bởi không thể để các em thiếu nhi học ĐCTTNB mà lại ca các bài có nội dung dành cho tình yêu lứa đôi. Bên cạnh đó, liên hoan ĐCTT TP HCM năm 2015 mở rộng với Giải Hoa sen vàng lần 2 sẽ là nền tảng cho việc triển khai những chiến lược đưa ĐCTTNB đến gần hơn với giới trẻ. Ngoài ra, sở giao cho Trung tâm Văn hóa TP HCM làm đề án về chiến lược đưa ĐCTTNB vào học đường”.
Tất cả cử tọa tham gia đều tròn xoe mắt khi tại buổi tọa đàm, bé Yến Nhi, 6 tuổi, được mời lên ca lại nghêu ngao hát bài ca cổ Chợ mới, nói về tình yêu của người lớn. Quả nhiên, thiếu bài ca dành cho thiếu nhi là một trong vô vàn nguyên nhân khiến việc đưa ĐCTTNB vào học đường thất bại. Các em nghe nội dung bài hát xa rời lứa tuổi của mình thì làm sao trân quý, nâng niu? Xem ra chuẩn hóa nền tảng việc đưa bộ môn này vào học đường đã quá chậm trước những mối nguy hại phát sinh từ thực tế. Tuy nhiên, nếu không tìm phương án khắc phục ngay thì sẽ có nhiều thế hệ không biết và không quan tâm đến di sản văn hóa của nước nhà.
Bình luận (0)