Người xóm cồn sống với nhau bằng tình quê chân thật, suy nghĩ hồn hậu và luôn yêu thương, chia sẻ. Người xóm cồn không biết đua chen, họ sống phẳng lặng như dòng nước hiền hòa mỗi ngày vẫn chảy. Một góc cuộc sống yên bình, hạnh phúc được tái hiện bằng hình ảnh cây cầu tre, chiếc đèn dầu khi mờ khi tỏ, tiếng chèo khua rao hàng trên sóng nước và cả tiếng côn trùng nỉ non với sương đêm.
Người xem có thể cười ngả nghiêng với sự hài hước qua nét diễn duyên dáng của các diễn viên, nhưng cũng có thể nghẹn lòng chỉ vì một tiếng nấc của nhân vật. Hai diễn viên chính Hữu Châu và Thanh Thủy đã mang đến hình ảnh đắng, xót về cuộc sống của người già ở quê nghèo, qua hai nhân vật Út Hòa và bà Thơm. Người già sống cô độc với ký ức, tỉ mẩn với tất cả những công việc vụn vặt thường ngày để tìm vui; người già mong muốn sống bình lặng nhưng họ luôn là những người đầu tiên nhìn thấy bão nổi ngang đời. Bà Thơm đã sớm phát hiện ra bí mật “nghiện ngập, buôn bán ma túy và giết người” của Hậu - đứa con trai út bao năm lạc nơi phố thị. Ông Út Hoa cũng phát hiện ra dự tính bán đất tổ tiên để có tiền của đứa cháu mất hết tính người.
Sự trở về của Hậu - nỗi mong chờ đến kiệt cùng sức lực của bà Thơm - lại như một tảng đá rơi xuống mặt hồ bao năm tĩnh lặng. Nước mắt lăn qua những tiếng cười hồn hậu của người chú, vỡ nhạt nhòa trên gương mặt bà mẹ quê khi người-của-phố mang về quê nghèo những ám ảnh xót xa. Nỗi mong chờ của người mẹ trở thành nỗi đau bất tận khi lưỡi dao oan nghiệt của Hậu đã giết chết anh ruột của mình, để rồi phải lãnh án tử hình. Nỗi mong chờ, niềm tin và tình thương yêu bao nhiêu năm của mẹ cuối cùng còn lại là tiếng khóc nghẹn giữa đêm mưa.
Kết thúc không có hậu, vở kịch Tiếng vạc sành buộc người xem phải ngẫm, phải đau cùng với những con người trôi trong dòng chảy âm thầm ngỡ là bình yên của cuộc sống; để biết được rằng ở đâu đó trong những góc khuất lặng lẽ của cuộc đời này, vẫn chưa yên cơn bão.
Bình luận (0)