Không những lấy lại tinh thần để xứng đáng với nguồn thơ đang căng đầy (hai tháng nằm điều trị ông làm được gần 50 bài thơ), Đồng Đức Bốn còn có vẻ tươi trẻ hơn. Rồi ông ngắm mình trong gương buồn rầu: “Tóc rụng hết cả rồi! Cái anh hóa chất này đến lạ”.
Nhà thơ Bằng Việt cho rằng Đồng Đức Bốn đã thể hiện được cái tài hoa, độc đáo của mình bằng những câu lục bát đậm chất quê mùa nhưng lại ẩn chứa nhiều triết lý về thế thái, nhân tình. Nếu như mỗi bài thơ của Nguyễn Bính là một thể thống nhất, trọn vẹn không thể phá vỡ, thì mỗi câu lục bát của Đồng Đức Bốn đứng độc lập vẫn có giá trị như những câu tục ngữ, ca dao đã sống ngàn đời nay. Bản thân Đồng Đức Bốn cũng rất tự hào, bởi trong giai đoạn thơ ca chuyển mình, thời kỳ mà “ra ngõ gặp nhà thơ” ông vẫn chung thủy với thể thơ dân gian và đã tạo được nét riêng cho mình, không lẫn vào đâu được. Nhiều đồng nghiệp không ngại ngần đánh giá cao thơ Đồng Đức Bốn, cho rằng chính ông đã làm mới thể thơ lục bát bằng chất tình trong trẻo, nỗi đau đáu với đời và cả cái ngông của một kẻ sĩ.
Đồng Đức Bốn nói rằng ông làm thơ vì buồn. Đời ông có quá nhiều cái buồn đến nỗi tưởng như sẽ ngã quỵ. Hai đứa con ông lần lượt bỏ ra đi trong bi kịch... Đấy là chưa kể nỗi đau của bè bạn... cuộc sống quanh mình.
Đồng Đức Bốn sinh ra trong một gia đình thuần nông. Tuổi thơ của ông tràn ngập những buổi chiều lang thang trên đồng cỏ hoe vàng, bắt châu chấu về nướng ăn hay tát cá mang ra chợ bán kiếm tiền. Mẹ ông là người phụ nữ chân đất nhưng thuộc nhiều ca dao, tục ngữ và những khúc hát ru. Cha ông cũng tập tọng làm thơ nhưng không thành. Đồng Đức Bốn là sự hoàn thiện của hai tâm hồn ấy. Ông làm thơ từ năm 17 tuổi. Song mầm thơ ở chàng thanh niên quê mùa ấy vừa nhú đã lụi. Mới làm được vài bài thì ông không thể viết thêm gì nữa. Cũng có thể do phận nghèo đẩy đưa, chàng thanh niên xung phong thủa nào không thể vơ vẩn với gió trăng được mãi, anh phải lo vật lộn với cuộc sống, làm đủ thứ nghề từ thợ gò, sửa chữa ô tô và cả... ký kết những hợp đồng kinh tế.
Hai mươi năm sau..., chính nhà thơ thổ lộ rằng, ông gặp một cô gái Hà Nội và cô đã đeo đẳng suốt cuộc đời thơ ông. Song cô cũng chỉ là một mồi lửa làm bùng lên nguồn thơ bấy lâu bị chôn chặt trong ông mà thôi. Đồng Đức Bốn làm thơ trở lại và ngay lập tức tỏa sáng, gần như một hiện tượng hiếm thấy trong làng thơ lúc ấy. Ông bảo: “Con người tôi đã nếm trải đủ mọi đắng cay ở đời rồi. Bây giờ chỉ chạm vào cây là ra quả, chạm vào lá là thành sương, vào dòng sông thì hóa phù sa”. Vì thế, nhiều lúc ông làm thơ như lên đồng, chỉ 4 - 5 phút đã cho ra đời một bài thơ. “Đó là những khoảnh khắc tôi hoá thân vào trời đất”. Làm thơ giúp ông nghĩ về cuộc đời tốt đẹp hơn. Đến nay, ông đã làm khoảng 600 bài thơ lục bát và 200 bài theo thể thơ tự do, trong đó có nhiều bài đặc sắc được coi là tác phẩm để đời như Chăn trâu đốt lửa, Chuồn chuồn cắn rốn biết bơi, Nhà quê, Chợ buồn, Trở về với mẹ ta thôi... Ông cũng đã kịp đoạt 6 giải thưởng về thơ.
Đồng Đức Bốn tự nhận, trong ông tồn tại song song hai con người. Một con người thực mạnh mẽ, quyết liệt và độc đoán, sẵn sàng nhảy vào... “choảng nhau” nếu thấy cần thiết. Một con người thơ, dịu dàng, đằm thắm, nhân hậu và đa tình. Con người thứ nhất bươn chải với sóng gió, chịu nhiều bấp bênh của số phận vì vậy quá tường tận “mánh khóe” của cuộc đời. Con người ấy có thể mang trong mình những bộ mặt khác nhau, có thể xoay vần theo sự chuyển biến của xã hội. Con người thứ hai, đến già vẫn hồn nhiên như thủa ban đầu: “tôi lấy trăng liềm làm bím tóc cho”. Thế nên đọc thơ ông, ít người nghĩ chàng thi sĩ nhà quê ấy lại là một doanh nhân khá thành đạt. Với những nỗ lực của mình, ông đã thay đổi cuộc sống bần nông của đại gia đình, từ nghèo khó, bằng lao động, trí lực của mình trở thành sang trọng trong xã hội. Có lẽ do làm nhiều việc quá mà ông đổ bệnh lúc nào không biết. Cứ tưởng đó là triệu chứng của người “đã toan về già”, ai ngờ đó là căn bệnh ung thư, có thể làm ông ra đi bất cứ lúc nào. Vào viện, Đồng Đức Bốn vẫn vô tư “mệt thì mình làm thơ, mỗi bài thơ giải một độc tố ra khỏi cơ thể”, bởi ông đang cần sống, đang còn “nợ cả mùa thu”...
Thơ Đồng Đức Bốn Tôi không thể chết được đâu Tôi không thể chết được đâu. Bởi tôi còn khúc sông sâu nợ đò Cánh đồng đang lúc mưa to Tôi còn nợ những cánh cò phiêu du Tôi còn nợ cả mùa thu Cỏ xanh như tiếng hát ru ở đời Tôi còn nợ cả mặt trời Vàng tươi mấy sợi tơ người chưa hong Tôi còn nợ những người mong Bài thơ lục bát viết trong cõi buồn Tôi còn uống nước nhớ nguồn Trời còn cho chỉ để luồn vào kim. 7-2005
Trở về với mẹ ta thôi Trở về với mẹ ta thôi. Lượm bao la một khoảng trời đắng cay. Mẹ không còn nữa để gầy Gió không còn nữa để say tóc buồn. Người không còn dại để khôn Nhớ thương rồi cũng vùi chôn đất mềm. Tôi còn nhớ hay đã quên ÁO NÂU Mẹ VẫN BạC BÊN NắNG CHờ. Nhuộm tôi hồng những câu thơ Tháng năm tạc những vết nhơ của trời. Trở về với mẹ ta thôi Lỡ mai chết lại mồ côi dưới mồ. |
Bình luận (0)