icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đột phá cùng thơ Đường

Huy Sơn

Từ ngày 5 đến 13-10, nhà thơ Đỗ Trung Lai đã tổ chức giới thiệu bộ sách dịch thơ Đường của ba nhà thơ vĩ đại Trung Hoa: Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị. Cũng nhân dịp này, ông tổ chức triển lãm thơ Đường và tranh vẽ tại Viet Art Center (42 Yết Kiêu, Hà Nội) với tên gọi “Thơ – Đỗ Trung Lai – Tranh và Sách”

Đỗ Trung Lai đã có 6 lần triển lãm tranh chung với các họa sĩ khác. Nhưng để quy mô và hoành tráng, có sự kết hợp giữa thơ, sách và họa thì đây là lần đầu tiên. Người xem không khỏi ngỡ ngàng trước sức làm việc, sáng tạo của một nhà thơ từng có thời gian là giảng viên chuyên ngành vật lý.

Dịch thơ là đồng sáng tạo

Tại triển lãm, công chúng yêu thơ đã có dịp chiêm ngưỡng 30 bài thơ của các nhà thơ: Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị cùng 14 bài thơ và các bức tranh của chính tác giả. Tất cả được trình bày hoàn toàn mới trên gỗ khổ lớn bằng công nghệ làm ảnh hiện đại. Mỗi bức tranh đều cao 1,2 m, được con gái nhà thơ thiết kế công phu, bắt mắt. Để có “cuộc chơi đột phá” này, nhà thơ Đỗ Trung Lai đã phải mất ròng rã 3 tháng kèm một khoản tiền không nhỏ: hơn 100 triệu đồng.

Bên cạnh đó, ngoài 3 tác phẩm: Lý Bạch – Những bài Đường thi nổi tiếng, Đỗ Phủ - Những bài Đường thi nổi tiếng, Bạch Cư Dị - Những bài Đường thi nổi tiếng; Đỗ Trung Lai còn giới thiệu tới bạn đọc tiểu thuyết Thời thơ ấu của chàng Lau Sậy (NXB Hội Nhà văn, 2008). Đó là thành quả của một quá trình lao động sáng tạo cần cù nghiêm túc, không phải ai cũng làm được.

Theo Đỗ Trung Lai, không có chữ Nho và Đường thi, sẽ không có thơ Việt bằng chữ Nho như ta đã có, không có chủ nghĩa lãng mạn Pháp, không có Thơ mới, không có được sự phát triển phong phú của các dòng thơ thời hội nhập bây giờ... Bởi vì, Đường thi trước hết là báu vật của Trung Hoa, đồng thời là báu vật của phương Đông và của cả thế giới.

Từ nghìn năm trước, người Việt đã học chữ Nho, bang giao với Trung Hoa bằng chữ Nho. Họa sĩ Phan Cẩm Thượng cho rằng: “Mỗi một bài thơ Đường đều là một viên ngọc lóng lánh, người dịch giống như người thợ cao tay mài một viên tương tự như thế đặt vào lòng bàn tay chúng ta, đó là điều hạnh ngộ duy nhất, chỉ có ngôn ngữ tiếng Việt mới làm được”.

Đỗ Trung Lai xuất thân trong một gia đình nhà Nho, tất nhiên, tinh thần Nho học ít nhiều đều đã có trong ông từ trước. Thế nhưng, ông không dịch thơ Đường bằng nhãn quan của một nhà Nho mà bằng tâm thế, cái nhìn của một nhà thơ hiện đại. Đỗ Trung Lai quan niệm: Dịch thơ là sự đồng sáng tạo, chứ không phải “dịch là diệt”. Ông không câu nệ vào từng câu chữ mà quan trọng là nắm lấy đại ý rồi chuyển thoát ý tưởng của cả bài.

Chính vì vậy, có nhiều bài thơ Đường thay vì dịch sang thể song thất lục bát, thơ lục bát, ông chuyển sang thể thơ bốn chữ, năm chữ hoặc thơ tự do. Việc tạo cho bài thơ “một chiếc áo mới” một mặt giúp nó dễ hiểu, gần gũi hơn với độc giả đương thời mà âm hưởng Đường thi cũng không thay đổi.

Sức sống lâu bền của Đường thi chính là ở chỗ đó. Bởi thế, mặc dù ra đời cách đây đã hơn 1.000 năm nhưng thơ Đường vẫn được nhiều người đọc và dịch. Với “cái đỉnh ba chân” Lý - Đỗ - Bạch, Đỗ Trung Lai đã khéo léo để gợi nên những thi điệu của mỗi người: phong cách siêu thực của Lý Bạch, triết lý hiện thực sâu sắc của Đỗ Phủ, tình ý thâm nhã của Bạch Cư Dị dù đã trải qua hơn nghìn năm nhưng “cái đỉnh ba chân” vẫn còn làm say đắm lòng người hôm nay và chắc chắn cả thế hệ mai sau. Có người đã ví thơ Đường giống như một khu rừng đầy cỏ cây muông thú mà những người tự cho là hiểu thơ Đường nhất cũng chỉ ngắm được vài cái cây, bẻ được vài cành lá và may mắn lắm thì nhặt được vài bông hoa và quả chín.

Ở mảng thơ sáng tác, Đỗ Trung Lai cũng tạo nên dư âm ở người dự triển lãm bằng những tác phẩm: Tôi ru con gái tôi, Mẹ, Thơ tặng vợ, Khúc ngâm mùa thu... Thế mạnh của Đỗ Trung Lai là lục bát, đặc biệt là thể thơ bốn chữ, sáu chữ. Nhiều bài thơ, Đỗ Trung Lai viết cho mẹ, cho vợ, con gái... nhưng lại tìm được sự đồng cảm sâu sắc từ phía người đọc. Ông viết về mẹ bằng tình cảm, tấm lòng thành kính: “Cau ngày càng cao/Mẹ ngày càng thấp/Cau gần với giời/Mẹ thì gần đất”.

“Đóng hai vai chèo”

Cổ nhân vẫn thường nói “thi trung hữu họa”. Cuộc triển lãm “Thơ - Đỗ Trung Lai - Tranh và Sách” một lần nữa khẳng định thêm điều đó. Sự kết hợp hài hòa, tinh tế giữa thơ và họa đã nâng tầm giá trị thi ca, hội họa trong đời sống nghệ thuật đương đại. Đỗ Trung Lai thuộc típ người “một mình đóng cả hai vai chèo”, ông hoạt động trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật nhưng ông cũng lại là người rất công bằng với các lĩnh vực ấy. Với ông, hội họa và văn thơ, không thứ nào dễ hơn thứ nào. Lĩnh vực nào cũng đòi hỏi tinh thần sáng tạo nghiêm túc. Ông chỉ có thể làm thơ, vẽ tranh khi cảm xúc đã tràn đầy.

Trước khi diễn ra triển lãm, mặc dù không buồn nhưng Đỗ Trung Lai vẫn cảm thấy tiếc cho một bộ phận giới trẻ đã không còn mặn mà với Đường thi. Ông bảo: “Tôi, trên hết vẫn chỉ mong muốn khơi gợi lại cái hay, cái đẹp cho hậu thế”. Thế nhưng, qua cuộc triển lãm của Đỗ Trung Lai, trong số công chúng tới dự, sự hiện diện của giới trẻ không phải là ít. Có lẽ, đây là một tín hiệu để thế hệ đi trước có thể lạc quan hơn về lớp trẻ bây giờ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo