Từ bao lâu nay, đọc thơ của Dư Thị Hoàn, tôi luôn hình dung chị là một người mạnh mẽ, thậm chí có thể cưỡi được ngựa và đang ở đâu đó xa lắc xa lơ. Đến khi gặp chị trong buổi chiều khá mát mẻ của Hà Nội, những hình ảnh đó hầu như không chuẩn xác, nhưng sự mạnh mẽ thì hoàn toàn đúng.
Dư Thị Hoàn - tên thật Vương Oanh Nhi - là con gái của hai phóng viên người Trung Hoa của tờ báo Cương Phong thường trú tại Hải Phòng dưới thời Pháp thuộc. Cuộc sống của chị trải qua những bước thăng trầm cùng lịch sử. Đến khi làm thơ, Oanh bé nhỏ đổi tên thành Dư Thị Hoàn - với mong ước một người có cuộc sống hoàn thiện. Đọc thơ của chị, người ta thấy toát lên tính cách của một người đàn bà những năm 80- mạnh mẽ, hơi ngông cuồng, giản dị, nhưng sâu sắc. Nó có thể cứa thương một tâm hồn nào đó, mong manh, nhưng bạo liệt. Nụ cười em lãnh đạm/Đôi mắt em lơ đãng/Đâu phải cho anh/Mà để tự hành hình/Chớ dừng chân/Khi vô tình gặp em anh nhé/Em mang bản án chung thân/Gái đã có chồng.(Tình lặng).
Người đầu tiên phát hiện ra Dư Thị Hoàn là nhà thơ Trinh Đường. Ông lặng lẽ ghi chép, sau đó gửi tới nhà thơ Trần Ninh Hồ. Báo Văn Nghệ phá luật, cho in liền một lúc 3 bài trình làng! Hồi đó là thời kỳ bắt đầu đổi mới, Dư Thị Hoàn, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài... được in những tác phẩm đầu tay lên Báo Văn Nghệ. Ba tác giả trên được GS Nguyễn Đăng Mạnh tổ chức hội thảo “Thời sự văn học” năm 1989 tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Khi Dư Thị Hoàn lên đọc bài thơ Số phận thay cho lời phát biểu, cử tọa vô cùng xúc động - chị phải 3 lần đứng dậy chào đáp lễ bởi tiếng vỗ tay không ngớt. Có buổi đọc thơ ở Trường ĐH Tổng hợp, sinh viên khóc nức nở. Đó là những va đập choáng váng do thơ ca mà không bao giờ Dư Thị Hoàn ngờ tới. Trong khi đó, có một bài thơ của chị bị hai nhà thơ họ Vũ phê phán gay gắt: “Sau phút giây/êm đềm trên ghế đá/anh không cài lại khuy áo ngực cho em” (Tan vỡ). Người ta không thể hiểu nổi tại sao lại có những câu thơ táo bạo đến vậy.
Cái táo bạo, có khi rất thật ấy đã tạo nên khuôn mặt thi ca Dư Thị Hoàn - một khuôn mặt hiếm hoi tạo được ấn tượng trong làng thơ nữ thời kỳ đổi mới.
15 PHÚT Tôi là gái chính chuyên . Phóng viên: Cuộc sống có gì “không ổn” mà sao thơ của chị có nhiều bài nghe như chịu đựng, khổ tâm, giản dị, không xơ cứng, mạnh mẽ mà đau đớn? Chẳng hạn bài thơ ba câu: Khi tình yêu bị đẩy vào trận/chỉ còn cách/mượn họng súng để ngắm nhau (Không đề) - Dư Thị Hoàn: Tôi yêu và kết hôn với thầy giáo dạy văn của tôi. Chồng tôi bị bệnh phổi, tướng mạo xấu xí, hơn tôi chín tuổi, nhưng giảng văn tuyệt hay. Hồi xưa, tôi khắc họa tình yêu quá lý tưởng, quá tiểu thuyết. Khởi điểm hai vợ chồng rất hài hòa, cùng tốc độ, rồi nhịp bước của mỗi người một khác. Bây giờ chỉ còn là sự chịu đựng. Về hiện trạng vật chất, tôi là gái chính chuyên. Phương Đông của chúng ta là thế đấy. Nhưng về nội tại tinh thần, sự kìm nén và sự “chập mạch” làm tôi sợ... . Vậy chị có “vượt ngầm” không? - Không. Hoàn toàn không. “Triệu triệu lần ân ái/không bằng một cái chạm tay”. Thơ của Nguyễn Thế Hoàng Linh đó. Tôi thích câu này. . Chị nghĩ thế nào về những người đàn bà làm thơ? - Các nhà thơ nữ, hay cả chính tôi, thường thường họ rơi vào những cảnh huống mất mát lắm, mà khát vọng lại nhiều. Ví dụ, tôi luôn bất mãn với hiện trạng, cả trong tôi lẫn ngoài tôi, bế tắc kinh khủng. Và đôi khi, chủ yếu xuất phát từ... cô đơn! . Chị đã từng phải vào bệnh viện tâm thần điều trị và có một bài thơ khá hay. Cô gái “bệnh nhân” thờ ơ, nhưng ngạo nghễ nhìn sự vật sự việc xung quanh mình. Mọi người không biết rằng, cô không cần những viên thuốc đắt tiền và bác sĩ. Cô sẽ khỏi bệnh mà “chỉ cần đôi bàn tay nào run rẩy mang đến/Một nhành hoa dại thôi!”? - Khi phải về hưởng chế độ mất sức , tôi làm đủ nghề: dệt đan, may thuê, bán rong hoa quả, ngao sò ốc hến ở vỉa hè, bán vải vóc quần áo ở chợ Sắt, thậm chí gánh phân, thông cống, cọ nhà xí... Rồi sau này làm giám đốc công ty, trưởng đại diện của tập đoàn thương mại Hồng Kông tại Hải Phòng. Tôi đã từng ở bệnh viện tâm thần liên tục. Tôi không bị trầm cảm, mà là cuồng nhân... Mệt nhoài/đuổi theo/tôi vấp ngã/đốm lửa/nhảy nhót/cười/trên bãi tha ma (Cuồng nhân ca). Khi đó, tôi bế tắc thực sự. Con người tôi bé nhỏ, hình như bị tích điện quá mức cho phép. Tôi làm bất cứ việc gì đều hăm hở, đều cật lực. Không ngờ chính thơ ca đã giải thoát tôi. . Kể từ hai tập thơ Lối nhỏ, Bài mẫu giáo sáng thế, cũng đã 12 năm... Nghe nói tập Du nữ ngâm đã chuẩn bị lâu lắm rồi, không biết chị còn định “ngâm” đến bao giờ? - Tập thơ Du nữ ngâm đã có giấy phép từ năm 2003, nhưng đến nay còn chần chừ mãi chưa in. Vì rất nhiều lý do: Thứ nhất, thơ không còn được nhiều người thưởng thức nữa. Thứ hai, bây giờ quá nhiều người lợi dụng thơ để làm công cụ “3 lợi ích”. Tập Du nữ ngâm còn có 20 bài thơ song ngữ Anh - Việt do nhà văn Hồ Anh Thái dịch và nhà văn Wayne Kevin (Mỹ) hiệu đính. Song hành với mỗi trang thơ sẽ là tranh minh họa nhiều màu của họa sĩ Lê Thiết Cương. Và cái điều thứ ba - đó là in tập thơ này rất tốn kém, lại phải bỏ tiền túi! Trong khi tôi đang rất cần tiền để sống, thì việc in tập thơ này cũng cần phải suy nghĩ! N.L.A thực hiện |
Bình luận (0)