Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng vừa ra mắt công chúng yêu âm nhạc TP HCM chương trình biểu diễn độc đáo “giao hưởng hóa” dân ca. Rất nhiều bài dân ca và cả những vở diễn hoàn chỉnh được nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng sáng tác dựa trên chất liệu dân ca ba miền, chuyển soạn cho dàn nhạc giao hưởng và thính phòng biểu diễn cực kỳ thành công. Trong thời buổi những giá trị tạm gọi là đỉnh cao, tinh túy thường đến với số lượng rất ít người thưởng thức, việc khán giả hào hứng đón nhận những chương trình “giao hưởng hóa” dân ca của Trần Mạnh Hùng là điều đáng khích lệ.
Trình diễn dân ca theo phong cách thính phòng
Ca khúc “Đợi nàng” được viết dựa trên dân ca Tày “Thei mai” và “Người yêu hỡi” là làn điệu dân ca Chăm, “Ô mơi” - dân ca Kho Lạch và “Kpu leh” là điệu hát ru của người Giẻ Triêng, “Gió đánh đò đưa” theo làn điệu dân ca Bắc Bộ. Làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh “Qua cầu gió bay” được ca sĩ giọng nam cao Đăng Dương và ca sĩ giọng nữ cao Duyên Huyền đối đáp duyên dáng theo phong cách thính phòng hút hồn người nghe.
Đặc biệt, khi bộ tứ ca sĩ: Đăng Dương, Đào Mác, Hồng Vy, Duyên Huyền cùng hòa giọng với “Bèo dạt mây trôi”, “Trống cơm”… bằng âm nhạc hiện đại được chăm sóc kỹ lưỡng cả trong sáng tác và phối khí của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng đã thực sự xây nên lâu đài âm nhạc lộng lẫy. Trong đó, tinh hoa văn hóa dân tộc lấp lánh như những ngọn nến, ấm áp và tràn đầy tình cảm, làm thăng hoa những giá trị âm nhạc bản địa mà cha ông ta đã lưu truyền từ hàng ngàn năm nay.
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng không chỉ một lần kết hợp, hòa trộn các không gian âm nhạc khác nhau một cách điệu nghệ. Trong số các album đã sản xuất của Trần Mạnh Hùng, “Yếm đào xuống phố” là sự kết hợp giữa nhạc jazz và chèo cổ. Mới mấy tháng trước đây, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng và đoàn nghệ sĩ Việt được mời sang Nga trình diễn tác phẩm “Khúc giao hòa mùa xuân” soạn cho dàn nhạc giao hưởng biểu diễn cùng dàn nhạc dân tộc, ban nhạc nhẹ và các ca sĩ.
“Trong chuyến lưu diễn St. Petersburg - Nga hồi tháng 7 vừa qua, chúng tôi biểu diễn 11 tác phẩm âm nhạc mà tôi vừa hoàn thành đầu năm nay cho dàn nhạc tổng hợp đa phong cách. Dàn nhạc này là sự tổng hòa của dàn nhạc cổ truyền Việt Nam, dàn nhạc giao hưởng và nhóm nhạc cụ pop rock” - nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng kể.
Khán giả của chương trình này chủ yếu là người Nga, khách du lịch châu Âu và một số ít Việt kiều. Chương trình lưu diễn đã khiến khán giả quốc tế và kể cả Việt kiều ngạc nhiên, say mê, tạo nên những ấn tượng tốt đẹp về âm nhạc và văn hóa Việt Nam. “Hy vọng giá trị văn hóa âm nhạc sẽ có nhiều cơ hội để lan tỏa từ trong nước tới quốc tế, góp phần tạo nên diện mạo mới cho âm nhạc và văn hóa Việt Nam” - nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng nói.
Kết nối dân ca thành vở diễn
Năm 2014, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng khiến công chúng ngỡ ngàng bởi tổ khúc “Dòng chảy” được viết như một vở diễn hoàn chỉnh dựa trên chất liệu dân ca ba miền. Tổ khúc gồm 21 bài dân ca, mở đầu là mùa xuân tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở của sự sống. Sau đó, ai lớn lên cũng phải trải qua những bài học làm người, đi qua suối sông, thác ghềnh, đá sỏi, nắng mưa, đổ mồ hôi trên đường đời để rồi những chương kết là xuôi về với biển, với sự bao dung nhân ái của người già giống như cội rễ ấm áp và tràn đầy tình yêu thương để con cháu có nơi chốn quay về. Tổ khúc được viết cho dàn nhạc giao hưởng trình diễn cùng dàn nhạc dân tộc, các nhóm tam ca, tứ ca và cả dàn hợp xướng.
Nhạc trưởng, NSƯT Trần Vương Thạch đánh giá cao tổ khúc “Dòng chảy” của Trần Mạnh Hùng không chỉ ở hòa âm phối khí rất tốt mà quan trọng là anh đã kết nối rất khéo các bài dân ca từ các vùng miền khác nhau để trở thành một vở hoàn chỉnh. “Con đường của Trần Mạnh Hùng thật tuyệt vời nhưng lại có rất ít nhạc sĩ theo đuổi” - NSƯT Trần Vương Thạch nhận xét.
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng từng nói âm nhạc phải đến với đại chúng. “Thầy tôi, nhà soạn nhạc Đàm Linh, từng nói: “Đừng tự trói mình vào một phong cách hay một kỹ thuật âm nhạc nào đó!”. Đúng như vậy, thể loại âm nhạc nào cũng có cái hay và giá trị riêng nhưng tôi tin rằng giá trị của các tác phẩm nghệ thuật thường được khẳng định bởi sự đánh giá của số đông. Số đông ở đây chính là nhân loại, là con người ở mọi châu lục mà âm nhạc là ngôn ngữ chung không cần phiên dịch” - ông nói.
Nhiều thành tựu
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng đã có rất nhiều tác phẩm khí nhạc giá trị, đoạt nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Đặc biệt, giao hưởng thơ “Lệ Chi Viên” - giải nhất sáng tác khí nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2009 - là tác phẩm đặt hàng của kênh truyền hình đối ngoại Đức Deutsche Welle trong liên hoan âm nhạc quốc tế Beethoven tại Bonn năm 2009. “Lệ Chi Viên” khi được dàn nhạc giao hưởng Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam công diễn tại Bonn và Berlin đã được khán giả nồng nhiệt chào đón, đến nỗi ngay hôm sau, hàng loạt báo Đức đã không tiếc lời khen ngợi.
Liên khúc giao hưởng “Một nửa cõi trầm” của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng đoạt giải nhất sáng tác khí nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam (2007). Romance “Gió lộng bốn phương” - giải nhì sáng tác thanh nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam (2007). Tứ tấu đàn dây “String Quartet No.2” - giải nhất sáng tác khí nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam (2008). Romance “Giấc mơ mùa lá” - giải nhất sáng tác thanh nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam (2009). Giao hưởng thơ “Hào khí Thăng Long” - giải nhất sáng tác khí nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam (2010). Duo “Thế giới không chiến tranh” - giải nhất sáng tác thanh nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam (2010).
Bình luận (0)