Sau khi nhiều nhà văn hóa, sử học, khoa học lên tiếng phản ứng tình trạng nhiều sản phẩm, linh vật (ví dụ sư tử đục bằng đá) “án ngữ” tại nhiều di tích văn hóa, đền, chùa… , thậm chí là công sở và cả nhà riêng..., Bộ VH-TT-DL cũng đã có văn bản khuyến cáo về việc này.
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ VH-TT-DL, thừa nhận việc mở cửa, hội nhập với quốc tế đã dẫn đến sự ảnh hưởng, thậm chí có cả “xâm lăng” văn hóa. Điều đó tác động đến đời sống tinh thần, quan niệm thẩm mỹ, tâm linh, văn hóa của người dân Việt Nam. Nhiều di tích lịch sử văn hóa, công sở… đặt tượng sư tử đá, tưởng là linh vật có xuất xứ Việt Nam mà không hề biết đó là tượng có xuất xứ từ Trung Quốc.
Ngoài việc khuyến cáo, ngành văn hóa sẽ tuyên truyền và vận động những nơi đang sử dụng tháo dỡ biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các sản phẩm lạ, văn hóa nước ngoài ra khỏi các nơi công cộng. Lãnh đạo Bộ VH-TT-DL khẳng định việc này là để giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam, đồng thời thể hiện tinh thần yêu nước, tôn trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phan Đình Tân, người phát ngôn của Bộ VH-TT -DL, cho biết ngay trong tuần này, Thanh tra Bộ VH-TT-DL, Cục Di sản, Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm lên kế hoạch rà soát hiện trạng tại các di tích, các sở VH-TT-DL địa phương cũng phải vào cuộc phối hợp. Ông Tân khẳng định cơ quan chức năng sẽ đưa các “hiện vật lạ” ra khỏi những di tích đã được xếp hạng theo đúng tinh thần của Luật Di sản.
Trước những thắc mắc về việc văn bản này chỉ mang tính chất khuyến cáo nên khó giải quyết triệt để vấn đề, ông Phan Đình Tân nhấn mạnh phải xử lý một cách cương quyết nhưng linh hoạt. “Có ý kiến gợi ý với chúng tôi là phải cấm các cơ sở sản xuất sư tử đá nhưng không thể làm thế được. Họ có quyền kinh doanh, có cầu thì có cung. Vấn đề là phải thay đổi nhận thức của họ và cả người tiêu dùng” - ông Tân nói.
Bình luận (0)