- Ông Lê Ngọc Minh: Tại sao lại lãng phí? Tôi nghĩ là phải biểu dương họ mới đúng. Một TP cấp 2 như Nam Định mà dám đầu tư tiền để xây dựng một công trình văn hóa như Trung tâm Điện ảnh Sinh viên, không phải tỉnh nào cũng làm được. Ngoài công trình này, họ còn nhiều công trình văn hóa khác rất đáng nể, ví như rạp chiếu phim dành riêng cho thiếu nhi (rạp Kim Đồng); Nhà Văn hóa 3-2 với kiến trúc hiện đại hàng trăm năm nữa vẫn không lỗi mốt. LHP chỉ là cái cớ để họ đầu tư thêm cho cơ sở hạ tầng chiếu bóng địa phương, hiệu quả của việc đầu tư này là ở hậu LHP. Nếu ai đã chứng kiến cảnh sinh viên Nam Định phấn khởi thế nào trong ngày khai mạc trung tâm điện ảnh sẽ hiểu được chiến lược đầu tư lâu dài cho văn hóa của tỉnh.
. Có ý kiến cho rằng Nam Định cố gắng kéo được LHP về địa phương là vì có cớ để chi tiền chứ không phải vì khán giả?
- Không đúng. Khán giả thành Nam rất nồng nhiệt. Nhà sản xuất người Nga Arsenivea Larisa đã nói với chúng tôi: “Tôi đã dự nhiều LHP quốc tế, chưa thấy ở đâu không khí khán giả “nóng” như ở LHP của VN. Ngay LHP Nga cũng vậy. Nếu sau này các bạn dự LHP của chúng tôi mà không nhìn thấy sự hào hứng của khán giả thì đừng ngạc nhiên”.
. BTC LHP đã có cuộc họp rút kinh nghiệm. Vậy các ông đã rút những kinh nghiệm gì?
- Phải thừa nhận công tác tổ chức LHP còn những bất cập, tính chuyên nghiệp chưa cao. Có một thực tế, để chuẩn bị cho LHP, nhiều ban bệ đã được thành lập nhưng người thực làm và làm tốt công việc lại không bao nhiêu. Mặt khác, việc phối hợp giữa các ban, ngành, giữa địa phương và Trung ương đôi chỗ chưa “ăn khớp”, một vài việc còn được xử lý theo “chủ nghĩa tình cảm”... Ví dụ chúng tôi đã bằng lòng tăng thêm 1.000 vé mời ngoài số lượng 3.500 vé đã ấn định, trong khi đó lại không có kế hoạch yêu cầu địa phương tăng người chỉ dẫn khán giả, hoặc căng dây quy định vị trí chỗ ngồi cho từng đối tượng mà chỉ ghi trên giấy dán bên hông ghế, trong lúc tính tự giác của khán giả chưa cao. Khi khán giả vào “nhầm chỗ”, việc yêu cầu họ chuyển vị trí gặp rất nhiều khó khăn, nên giải pháp chữa cháy là phải “độn thêm ghế”. Vì thế, đã xảy ra chút lộn xộn khiến một vài nghệ sĩ bức xúc. Chúng tôi đã nghiêm khắc rút kinh nghiệm việc này.
. Thế còn việc tận phút chót mới “ấn” 4 phim của nước ngoài chiếu hưởng ứng khiến công tác chiếu phim bị động, khán giả nhỏ tuổi buộc phải xem một bộ phim dành cho người lớn nên phản ứng và các đại biểu Nga thì bức xúc vì phim mình không được coi trọng?
- Đó cũng là một việc đã được rút kinh nghiệm. Phim của Nga gửi đến rất muộn nên chúng tôi không kịp xem thẩm định. Vì cái tên Mùa câu cá nên mọi người cứ nghĩ đó là phim dành cho thiếu nhi nên đã xếp đối tượng thiếu nhi xem phim này, trong khi đây là một phim có tính “ngẫm ngợi”. Sự nhầm lẫn đó đã khiến cho các em và cả 2 đại biểu Nga có những bức xúc. Ngay sau buổi chiếu phim, chúng tôi đã gặp 2 đại biểu của Nga nói với họ về sự nhầm lẫn này. Cả 2 vị đã bật cười và nói: “Ở Nga cũng đã có sự nhầm lẫn như thế. Khi Mùa câu cá chiếu ở một địa phương, người ta cũng nhầm đó là phim thiếu nhi và cũng đã xảy ra tình huống dở khóc dở cười như trong LHP này”. Mặc dù được thông cảm, nhưng chúng tôi cũng đã nghiêm túc rút kinh nghiệm việc này.
. Giới nghệ sĩ nói so với LHP VN 14 thì LHP VN lần này là một sự thụt lùi về mọi mặt: Không truyền hình trực tiếp; nhàm chán về MC; các giải thưởng được trao không trang trọng. Ông nghĩ gì về nhận xét này?
- Nhà nước cấp cho chúng tôi hơn 3 tỉ đồng để tổ chức LHP, bao gồm toàn bộ công tác chuẩn bị, ăn ở của đại biểu, quảng cáo tuyên truyền... và giải thưởng. Ban đầu có nhiều đơn vị muốn tài trợ cho LHP, nhưng sau khi biết không được truyền hình trực tiếp thì họ rút. Trên thực tế chúng tôi đã 2 lần làm công văn sang Đài Truyền hình VN xin được truyền hình trực tiếp nhưng họ trả lời nhà đài đang hạn chế các chương trình truyền hình trực tiếp, và họ đã “quán triệt” ngay cả với LHP truyền hình toàn quốc của họ. Kinh phí hạn chế nên làm gì, mời ai cũng phải tính toán. Đó là nguyên nhân chỉ có 2 MC cho cả lễ khai mạc và bế mạc (mà không phải 4 như kế hoạch ban đầu). Việc mời các ca sĩ từ TPHCM ra, hay từ Hà Nội xuống cũng phải tính toán từng trường hợp và cũng chỉ mời được một lần... vì thế mà nghèo nàn. Việc trao giải đã được lên kế hoạch khá kỹ, theo kịch bản cũ sẽ có một số nhân vật quan trọng lên sân khấu công bố giải Bông sen vàng và chúng tôi cũng đã mời họ. Tuy nhiên, đến phút chót chúng tôi mới biết có một số giải không có Bông sen vàng, nghĩ đến tâm lý của các vị chức sắc bóc phong bì... lại không có gì, nên chúng tôi đành phải chữa cháy bằng việc cáo lỗi với họ và để MC thực hiện thay việc công bố giải. Nếu LHP sau có chuyện này, chúng tôi sẽ nghĩ cách làm khác đi để người công bố giải không thấy hụt hẫng mà dư luận cũng không thể trách BTC “lười” nghĩ.
Chọn sai, lần sau không ai dám mời . Còn giải thưởng - điều khiến dư luận bức xúc nhất, các ông có nghĩ rằng việc trao toàn quyền cho BGK quyết định và chấp nhận một kết quả không hợp lý là một bài học đau xót không? - Tôi cho rằng không có bài học đau xót nào tại LHP này. Chúng tôi đã mời được những nghệ sĩ có tài, có uy tín, có tâm tham gia BGK và chúng tôi tôn trọng quyết định của họ. Đến giờ phút này, tôi vẫn cho rằng việc tôn trọng quyết định của BGK là đúng và các giải thưởng khác cũng nên như thế. Nếu kết quả của BGK khiến dư luận tâm phục khẩu phục thì uy tín của họ trong nghề, trong xã hội được nâng cao; nếu họ đưa ra kết quả sai thì họ phải đối mặt với dư luận, uy tín của họ bị giảm và lần sau chẳng ai dám mời họ ngồi ghế giám khảo. Tôi nghĩ, chúng ta nên bình tĩnh để hiểu cái lý của BGK tại sao họ lại trao cho phim A mà không phải là phim B và tôn trọng quyết định của họ. |
Bình luận (0)