Đây là phim tài liệu độc lập của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, kể về cuộc đời, số phận những người chuyển giới mưu sinh trong đoàn lô tô, hội chợ ở khắp các miền quê Nam Trung Bộ. Khi phát hành vào cuối năm 2014, phim đã tạo nên cơn sốt vé. Sau đó, khi chiếu ở dự án CGV Art House (hệ thống các rạp chuyên trình chiếu những tác phẩm điện ảnh nghệ thuật, độc lập) vào đầu năm nay, phim cũng thu hút số lượng khán giả đông đảo.
Nói về lý do phát hành trở lại, diễn viên Hồng Ánh - Giám đốc Blue Productions - cho biết: “Tuy phim đã ra rạp 2 lần nhưng nhiều khán giả chưa có cơ hội xem nên yêu cầu chiếu lại. Chúng tôi muốn bộ phim đến đúng với khán giả của nó, với những người thật sự muốn xem phim”. Nhiều khán giả bày tỏ sự tiếc nuối vì “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” không tham gia tranh giải ở hạng mục Phim tài liệu tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19 vừa diễn ra nên không được trình chiếu miễn phí trong khuôn khổ các hoạt động bên lề. Mặc dù đã từng “cháy vé” nhưng lần phát hành trở lại này, hãng phim của Hồng Ánh vẫn giữ mức giá ưu đãi: 40.000 đồng/vé. Cùng với “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, Blue Productions cũng tổ chức thêm 3 suất chiếu phim “Hai thế giới” - phim truyện sản xuất năm 1953 của đạo diễn Phạm Văn Nhận tại Pháp. Toàn bộ tiền bán vé cho các suất chiếu bộ phim “Hai thế giới”, sau khi trừ chi phí, sẽ được đóng góp để giúp các bệnh nhi nghèo mắc bệnh lao tại TP HCM.
Sau đợt chiếu 2 bộ phim này, Blue Productions kết hợp cùng Viện Trao đổi văn hóa với Pháp tại TP HCM để khởi động chương trình chiếu phim độc lập thường kỳ vào mỗi tháng tại IDECAF. Phim độc lập, phim nghệ thuật luôn gian nan tìm đường ra rạp, vì thế chuỗi hoạt động này nhằm giới thiệu đến công chúng yêu điện ảnh TP HCM các tác phẩm điện ảnh độc lập, thể nghiệm, có giá trị. Để tạo sân chơi dành cho các nhà làm phim trẻ, khuyến khích những bộ phim ngắn ra đời và trình chiếu rộng rãi, dự kiến Blue Productions sẽ hỗ trợ một phần kinh phí cho các nhà làm phim độc lập. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận vì tại hội thảo “Nâng cao vị thế và thương hiệu cho phim Việt” mới đây, các nhà chuyên môn chỉ ra rằng khó khăn về kinh phí là rào cản lớn với các nhà làm phim độc lập và kiến nghị nên có quỹ hỗ trợ điện ảnh.
Trước đó, dự án CGV Art House ra đời đã trở thành cầu nối, giúp những tác phẩm điện ảnh Việt mang tính nghệ thuật tìm được “đầu ra”. Tuy nhiên, rạp chiếu không nằm ở vị trí đắc địa đã cản trở khán giả đến xem phim. Nay với rạp IDECAF ở trung tâm TP, mới được nâng cấp, sửa chữa chắc chắn sẽ có nhiều điều kiện thu hút khán giả hơn.
Phim độc lập, nghệ thuật, tử tế đã có nơi để trình chiếu nhưng nỗi lo để đi được “đường dài” vẫn còn. Đó là nguồn phim dự trữ. Hơn nữa, việc thuyết phục khán giả bỏ tiền ra xem các phim độc lập, nghệ thuật, tài liệu rất khó khăn bởi thói quen của khán giả từ trước đến nay là những phim này chỉ xem miễn phí. “Chúng tôi sẽ cố gắng tìm những phim chất lượng từng bị các rạp thương mại từ chối phát hành để công chiếu và giới thiệu thêm một số phim nước ngoài để có nguồn phim phong phú” - Hồng Ánh cho hay.
Bình luận (0)