Theo ngài, bí mật của hạnh phúc nằm tại tâm của mỗi người. Hạnh phúc không phải mục đích mà là hành trình, không phải thứ chúng ta theo đuổi hay đánh đổi mà chính là bản chất của chính mình. Khi cho đó là mục đích, hạnh phúc sẽ nằm trong tương lai bất định. Còn khi gọi “hành trình” tức là hạnh phúc có mặt ở mọi lúc mọi nơi. Chúng ta là chủ nhân của hạnh phúc, tự tạo cho mình hạnh phúc cũng như tự mang đến những đau khổ bất an. Hiểu biết này cho ta động lực để thay đổi thái độ và cách thức sống của bản thân. Đó là tinh túy “Hạnh phúc tại tâm”, là lý do Đức Pháp Vương viết nên cuốn sách để chia sẻ rằng hạnh phúc có mặt trong từng phút giây, hạnh phúc trong hiện tại chứ không xa vời, ảo cảnh.
Trong Hạnh phúc tại tâm, Đức Pháp vương dành nhiều chương đoạn để nhấn mạnh vai trò của mỗi cá nhân đều có thể ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng và môi trường sống. Ngài khuyến khích mọi người trải nghiệm về nhân hạnh phúc vốn có từ bản lai trong đời sống của chính họ, hướng việc hòa nhập giáo pháp của Đức Phật về tình yêu thương và lòng tri ân vào cuộc sống hàng ngày để trở về cội nguồn hạnh phúc nội tâm và phát triển sự hòa hợp với thế giới. Nếu trên phương diện tương tác ra bên ngoài, hạnh phúc cá nhân không tách biệt với hạnh phúc cộng đồng thì trên phương diện cá nhân, mỗi chúng ta đều cần cả hai khía cạnh vật chất (thể hiện hành động) và tâm linh (thể hiện trí tuệ) phối hợp hài hòa với nhau để có được hạnh phúc trong cuộc sống.
“Bạn không cần phải có lý do để hạnh phúc bởi hạnh phúc chính là bản chất của bạn. Hạnh phúc không phải thứ để chúng ta theo đuổi hay đánh đổi. Đừng đóng hộp hạnh phúc và dán nhãn “chỉ dùng trong những dịp đặc biệt”!”... Bằng văn phong trực tiếp và sinh động, cuốn sách mang theo hơi thở thời đại, đồng thời thể hiện trí tuệ uyên thâm, sâu sắc của bậc được kính ngưỡng là Hóa thân Đức Phật Quan Âm.
Đọc Hạnh phúc tại tâm, chúng ta sẽ nhìn cuộc sống bằng nhãn quan tươi mới và có thể “gạt công tắc hạnh phúc” của tâm để hân hưởng cuộc sống trong từng phút giây và viết nên chương mới hạnh phúc trong cuộc đời mình. Nếu không biết trân trọng tri ân, cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên khô cằn, vô tri như gỗ đá. Chúng ta không chỉ cần thu nhặt rác thải, làm sạch môi trường mà còn cần thanh lọc, tịnh hóa tâm mình. Đó chính là con đường đưa đến hạnh phúc bền lâu.
Được tôn kính là chân Hóa thân Đức Phật Quan Âm, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa là nhà giáo dục và hoạt động môi trường quốc tế, đồng thời là bậc lãnh tụ tâm linh đứng đầu Truyền thừa Drukpa, truyền thống Phật giáo Đại thừa Kim Cương thừa khởi nguồn cách đây gần 1.000 năm từ thời Đức Naropa (1016 - 1100), bậc Đại thành tựu giả trứ danh của Ấn Độ.
Hạnh phúc tại tâm do NXB Tôn giáo, Công ty TNHH Văn hóa và Truyền thông Drukpa Việt Nam xuất bản tháng 12-2014.
Bình luận (0)