Dẫu biết, ở cuộc thi nào có thắng, thua cũng có cảnh nước mắt của người phải rời xa và nụ cười của người ở lại nhưng vẫn không tránh khỏi phút đắng lòng. Người lớn đủ hiểu biết nên nhận thức được chuyện tất yếu phải có tranh nhau thắng thua trong một cuộc thi, mặc dù đôi khi chuyện thắng thua ấy có cả sự không công bằng nhưng để những tâm hồn trẻ thơ hồn nhiên, vô tư phải chấp nhận cảm xúc mà chỉ người lớn mới đủ sức gánh chịu thì quá nhẫn tâm. Nhìn những dòng nước mắt giàn giụa trên gương mặt ngây thơ của các em, nghe những tiếng nấc nghẹn của con trẻ mà thấy xót xa quá.
Trước đây, trong chương trình Đồ Rê Mí phát sóng trên VTV3, các bậc phụ huynh cũng đã từng chứng kiến những giọt nước mắt, tiếng nấc nghẹn và nhiều người đã lên tiếng phản đối. Kể cả những nghệ sĩ làm giám khảo cũng lên trang cá nhân của mình để bày tỏ và chia sẻ điều mong muốn của họ là không muốn nhìn thấy những ánh mắt hồn nhiên, những tâm hồn trong sáng, vô tư của các em bị tổn thương, nhuốm màu toan tính. Đồ Rê Mí sau đó được điều chỉnh, tạo cơ hội cho các em trình diễn trước khán giả hơn là yếu tố thi thố.
Với đơn vị tổ chức, nếu xác định đây là sân chơi bổ ích cho các em trong dịp hè thì nên tạo điều kiện cho các em trình diễn với nhau hơn là loại bỏ các em ngay, trong khi trước đó, ở vòng thi Giấu mặt, các em được các huấn luyện viên khen ngợi không tiếc lời. Chính người lớn đang làm tổn thương những đứa trẻ chưa hoàn thiện nhân cách, chưa hình thành cá tính, bản lĩnh để tránh được những cú sốc như vậy.
Khi mang chương trình về Việt Nam, đơn vị sản xuất nói đây sẽ là một chương trình thuần giải trí với hứa hẹn nhiều sức hút khi yếu tố chính cấu thành chương trình chính là tài năng cùng với sự hồn nhiên của trẻ nhỏ. Nhưng với những gì đang diễn ra, xem chừng việc nhà sản xuất thu lợi nhuận bằng sự gây ra tổn thương cho trẻ con như thế có phần bất nhẫn.
Bình luận (0)