Từ Sân khấu Nhỏ 5B, ngọn cờ đầu trong phong trào xã hội hóa sân khấu của cả nước, đến nay sân khấu kịch nói tại TPHCM nổi lên với 7 sàn diễn. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần phải chấn chỉnh.
Cái được lớn nhất của các sân khấu xã hội hóa là họ chủ động nguồn vốn, thăm dò thị hiếu khán giả để đáp ứng bằng vở diễn mới. Việc chăm lo đời sống cho diễn viên như sân khấu IDECAF đã mua bảo hiểm nhân thọ cho gần 100 diễn viên, đạo diễn, công nhân hậu đài đã cho thấy họ xem sân khấu là mái nhà chung. Còn sân khấu Nhà nước, đời sống diễn viên bấp bênh, nói chi đến việc bảo hiểm nhân thọ. Thế nhưng cái hại của sân khấu xã hội hóa là thiếu sự định hướng để nâng tầm chất lượng mà mặt trái của nó là sự chênh lệch giữa nghệ thuật và kinh tế.
Điều quan trọng nhất là công chúng sẽ được định hướng bằng những tác phẩm mang lại những giá trị tinh thần đúng nghĩa hay chỉ là các vở diễn bông phèng, đùa cợt. Tác giả Lê Duy Hạnh cho biết: “Khi đưa sân khấu tham gia cơ chế thị trường là phải chấp nhận ba quy luật: giá trị, cạnh tranh và cung cầu. Tiến trình xã hội hóa sân khấu đã diễn ra theo kiểu tự phát. Những người trong cuộc không ngồi lại được với nhau để tìm ra một điểm chung cho mô hình phát triển. Cái chính là tập trung xây dựng giá trị tinh thần cho một vở diễn”.
Công chúng không cần biết sàn diễn này là của Nhà nước hay của tư nhân, họ chỉ biết “sản phẩm” họ mua đáp ứng được nhu cầu giải trí và giáo dục. Thế nhưng hiệu quả doanh thu tăng đã kéo thấp thị hiếu người xem khi có quá nhiều vở diễn kém tính chuyên nghiệp, chưa nói đến sự bông phèng, giễu cợt, phản giáo dục khi lạm dụng trò giả gái, chuyển đổi giới tính trên sân khấu. Sân khấu TPHCM sẽ đi về đâu nếu những vấn đề nan giải này chưa được giải quyết?
Bình luận (0)