Các nhà sản xuất phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” hy vọng doanh thu của phim có thể vượt qua cột mốc 4 triệu USD (90 tỉ đồng), trở thành tác phẩm điện ảnh Việt có doanh thu cao thứ hai sau phim “Để Mai tính 2” (100 tỉ đồng). Thông tin này được các nhà sản xuất và phát hành phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” xác nhận.
Giới làm nghề nức lòng trước thông tin này bởi đã lâu lắm rồi mới có một phim thuộc dòng phim nghệ thuật ăn khách như vậy. Ngoài việc làm thay đổi tư duy, quan điểm của người làm phim về phim nghệ thuật, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” còn mở ra cách nhìn mới về chính sách tài trợ điện ảnh của nhà nước.
Cảnh trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”
Lâu nay, kinh phí tài trợ cho tác phẩm điện ảnh thường được xem như của đổ đi vì nhà nước không thu lại đồng nào từ sản phẩm làm ra do chỉ chiếu miễn phí, không khai thác kinh doanh được ở các rạp chiếu phim. Riêng phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ là trường hợp ngược lại. Theo nhà sản xuất (Công ty Galaxy Studio, Phương Nam Film và Saigon Concert), “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” có kinh phí sản xuất là 20 tỉ đồng, trong đó nhà nước tài trợ 8 tỉ đồng (đề tài thiếu nhi). Nếu doanh thu đạt mức 90 tỉ đồng như tính toán thì nhà nước có 20% thuế doanh thu phát hành, tương đương 18 tỉ đồng. Bỏ ra 8 tỉ đồng để có được bộ phim có giá trị về nghệ thuật và thu về 18 tỉ đồng thì quả là lợi cả đôi đàng.
Nhiều năm qua, nhà nước chi tài trợ đặt hàng cho tác phẩm điện ảnh mỗi năm hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng nhưng hiệu quả cả nghệ thuật lẫn thương mại đều không đạt như mong muốn. Việc phân bổ kinh phí tài trợ đặt hàng sản xuất phim của cơ quan quản lý thường ưu tiên cho các hãng phim của nhà nước, trong đó có kèm kinh phí trả lương nuôi đội ngũ của các hãng này. Phim làm xong, được cơ quan tài trợ, đặt hàng nghiệm thu là xem như hoàn tất phần việc của đơn vị sản xuất. Phim có phát hành ra rạp được hay không, có bao nhiêu người đến xem hầu như không hãng phim nhà nước nào quan tâm. Mục đích và ý nghĩa tốt đẹp của chính sách tài trợ đặt hàng tác phẩm điện ảnh của nhà nước bao lâu nay vì vậy không đạt hiệu quả.
Theo Cục Điện ảnh, năm 2014, cơ quan này đã thí điểm đặt hàng một số hãng phim tư nhân sản xuất phim có ngân sách đầu tư toàn bộ hoặc một phần từ nguồn vốn ngân sách của nhà nước như “Những người con của làng”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”… Đây được xem là bước tập dượt trong hai năm 2014 -2015 trước khi chuyển sang phương thức đấu thầu sản xuất phim, dự kiến áp dụng từ 2016 đối với các bộ phim có sử dụng ngân sách nhà nước.
Thực hiện Chiến lược phát triển và quy hoạch điện ảnh Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, Cục Điện ảnh cho biết sẽ chú trọng nâng cao số lượng và chất lượng phim, đẩy mạnh xã hội hóa điện ảnh… Nhưng để việc này thực hiện có hiệu quả, đòi hỏi chính sách tài trợ, đặt hàng sản xuất phim của nhà nước phải thể hiện đúng mục đích ý nghĩa tốt đẹp của nó. Phim được nhà nước tài trợ kinh phí phải bảo đảm được giá trị nghệ thuật và thu hút đông đảo người xem.“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã chứng minh điều đó. Vì vậy, phương thức đấu thầu sản xuất phim đặt hàng, tài trợ bằng ngân sách nhà nước cần được sớm thực hiện và thực hiện một cách bình đẳng giữa các hãng phim. Một khi nhà nước biết “chọn mặt gửi vàng”, đặt hàng, tài trợ trúng, lợi ích mang lại rất cao cả về giá trị nghệ thuật lẫn thương mại.
Bình luận (0)