Dài gần 120 phút, “Đường hầm” mở đầu bằng cảnh chàng trai Lee Jung Soo (Hang Jung Woo đóng), người quản lý của đại lý xe hơi, lái xe về nhà. Đường hầm Lee Jung Soo lái xe về nhà bị sập, anh mắc kẹt giữa đống đất đá. Những gì Jung Soo có được trong lúc đó là chiếc điện thoại với 78% pin, 2 chai nước và chiếc bánh sinh nhật dành cho con gái mình. Anh liên lạc với bên ngoài và cuộc giải cứu bắt đầu.
Cảnh trong phim “Đường hầm”. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Không đầy cảnh bi thương, ngập tràn nước mắt như mô-típ phim Hàn từng thực hiện lâu nay, “Đường hầm” hoàn toàn khác, những tiếng cười chua cay bắt đầu xuất hiện ngay từ lúc cánh truyền thông đổ xô đến đưa tin vụ sập hầm. Lãnh đạo cấp cao xuất hiện đôn đốc việc cứu nạn nhân nhưng hết người này đến người khác chụp ảnh cùng vợ nạn nhân đang đau khổ, tạo dáng trước ống kính... đều mang đến tiếng cười mỉa mai. Kịch bản phim có những nút thắt, mở chặt chẽ, cao trào đưa người xem từ cảm xúc khóc, cười đan xen.
Cùng nói về thảm họa, ý chí sinh tồn của con người trước khó khăn nhưng khác với phim “Vùng nước tử thần” cô đơn và khốc liệt, “Đường hầm” luôn có sự nối kết riêng cùng những tình huống gây cười được cài cắm khéo léo. Jung Soo không cô độc đối mặt với thảm họa mà bên ngoài là cả một lực lượng cứu hộ không hiếm người có tâm muốn hỗ trợ anh hết mình.
Phim đẩy lên cao trào khi phê phán mạnh mẽ từ việc chất lượng thi công kém cho đến nạn xén bớt công trình, không làm đúng bản vẽ gây khó khăn cho lực lượng cứu hộ xác định vị trí hầm sập. Phim mỉa mai giới truyền thông “kền kền” vồ vập quá mức mỗi khi có sự kiện đến mức ảnh hưởng xấu công tác cứu hộ. Đỉnh điểm, “Đường hầm” đá xéo luôn cả lãnh đạo cấp bộ, tạo xung đột, giằng xé buộc dân chúng chọn lựa, cân đo giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể. Chính dân chúng phải quyết định cứu một người hay chấm dứt việc cứu hộ để không lãng phí thêm tiền bạc và nhân lực, sinh mạng của đội cứu hộ như quan điểm của những vị lãnh đạo có trách nhiệm.
Bình luận (0)