Sau khi đăng loạt bài “Lệch lạc văn hóa thần tượng trong giới trẻ” trong hai số báo ra ngày 17 và 18-4, Báo Người Lao Động đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình của bạn đọc, trong đó có nhiều ý kiến tham gia luận bàn và tìm kiếm nguyên nhân, đưa ra giải pháp cho hiện tượng lệch lạc văn hóa thần tượng trong một bộ phận giới trẻ hiện nay.
Văn hóa ứng xử có vấn đề
Theo bạn đọc Quốc Thịnh, những fan cuồng kiểu hôn lên ghế ngồi của thần tượng, tình một đêm để có vé xem thần tượng biểu diễn là không hiểu hai chữ thần tượng, không biết gì về danh dự và thể diện.
Bạn đọc Đặng Lê Hoàng Bảo cho rằng: “Văn hóa ứng xử của một bộ phận tuổi teen ngày càng xuống cấp, cách thưởng thức âm nhạc cũng vậy”.
Bạn đọc Thanh Huyền khẳng định “phần lớn những người hâm mộ trẻ tuổi đó chỉ mê mấy ca sĩ nhảy nhót điệu nghệ thôi chứ mấy ai hiểu được họ hát gì!...”.
“Âm nhạc là thưởng thức chứ không phải ăn theo phong trào. Việc các bạn trẻ có hành động quá khích như vậy không những ảnh hưởng đến những người khác, những người thực sự muốn thưởng thức âm nhạc, bản thân các bạn ấy có cảm nhận được cái hay của âm nhạc hay không? Việc các bạn trẻ chỉ quan trọng thần tượng của mình mà “quên” đi các ca sĩ khác ở trong một chương trình là thái độ thiếu tôn trọng họ, thiếu tôn trọng bản thân mình” - bạn đọc có nickname Bacvokg viết.
Cũng bạn đọc có nickname cogaidentuhomqua89 đặt vấn đề: “Có khi nào các bạn trẻ ấy tự đem hoa hay khăn lau mồ hôi cho cha mẹ mình sau một ngày họ làm việc mệt nhọc chưa? Có khi nào các bạn trẻ ấy đứng đợi người thân như đợi thần tượng của mình không? Không ai ngăn cấm giới trẻ hâm mộ thần tượng của mình nhưng làm gì thì cũng phải suy nghĩ trước khi hành động”.
Nhìn ở khía cạnh này, bạn đọc Thanh An góp thêm: “Có người còn không nhớ ngày sinh nhật của ba, mẹ, ngày giỗ ông, bà nhưng với thần tượng thì họ nhớ hết ngày tháng năm sinh, có bao nhiêu bộ đồ, đôi giày. Thật cám cảnh cho gia đình nào có những người con như thế. Tôi không quơ đũa tất cả vì bên cạnh đó vẫn có những người hâm mộ “có văn hóa”, chừng mực, có suy nghĩ, thậm chí họ phát triển tốt hơn cùng thần tượng của mình nhưng rất ít người làm được điều đó.
Giới truyền thông có phần trách nhiệm
Bạn đọc Trung Chiến cho rằng: “Rõ ràng một bộ phận giới trẻ Việt Nam hiện nay có thừa học thức để tiếp nhận đủ các nền văn hóa nhưng lại thiếu ý thức chọn lọc!”.
Tuy nhiên cũng có ý kiến phân tích đó chỉ là hiện thân của giáo dục gia đình và xã hội thời nay mà thôi. Bạn đọc Hoa Đào lý giải: Sự “điên” này của các fan cuồng là có phần trách nhiệm của các cơ quan truyền thông trong thông tin không định hướng đúng về giới nghệ sĩ và hoạt động nghệ thuật nói chung, “kích động” cho những người trẻ thêm phát cuồng vì thần tượng của họ.
Bạn đọc Lê Công Khanh cũng cho rằng đây là hiện tượng tâm lý đám đông và báo chí, truyền thông có một phần trách nhiệm trong đó.
Theo bạn đọc Tuấn Trần: “Cách nhìn nhận vấn đề sai lệch của giới trẻ hiện nay cần phải được cảnh báo sớm! Muốn có hành động đúng trước tiên phải có nhận thức đúng, một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ hiện nay nhận thức một vấn đề thường chưa đúng hoặc bị sai lệch.”
Một trong những nhận thức sai lệch được bạn đọc Bim chỉ ra: “Một số fan trẻ biện luận rằng ca sĩ thần tượng của họ lao động, tập luyện cực khổ để có giọng ca, bước nhảy hay như thế nên xứng đáng được fan đứng hàng giờ dưới trời mưa, nắng để chờ nhìn được tận mắt! Thực ra, ca sĩ cũng là một nghề mưu sinh như bao nghề khác thôi!”. Và theo bạn đọc này: “Fan tuổi teen nhận thức lệch lạc thần tượng có một phần lỗi của xã hội và gia đình là chưa giáo dục, chỉ bảo cho các em. Sắp tới, chúng ta cần có nhiều diễn đàn, bài viết để giúp các bạn trẻ nhận thức đúng đắn về thần tượng, từ nhận thức đúng, họ có hành động đúng.”
Bình luận (0)