Bộ phim được giới thiệu là “bom tấn” của Việt Nam trong mùa hè này đã ra rạp không thành công như mong đợi của nhà sản xuất và ê-kíp thực hiện. Doanh thu của bộ phim có vốn sản xuất 26 tỉ đồng đến nay chỉ thu được 9 tỉ đồng, thấp hơn nhiều so với “Để Mai tính” hay “Tèo em”,... cũng của cùng ê-kíp (kịch bản và đạo diễn: Charlie Nguyễn; diễn viên Johnny Trí Nguyễn, Thái Hòa) đã phát hành trước đây.
Không hợp “gu” người xem
“Fan cuồng” không phải là phim ca hát, chỉ là câu chuyện có liên quan đến âm nhạc. Dù được giới thiệu là sản phẩm điện ảnh “bom tấn” của ê-kíp “triệu đô” nhưng “Fan cuồng” ra rạp không tạo được hiệu ứng như kỳ vọng. Diễn viên Thái Hòa khẳng định con số doanh thu 9 tỉ đồng nằm ngoài mong đợi của ê-kíp nhưng “buồn là điều khó tránh khỏi”.
Có nhiều ý kiến của giới chuyên môn, khán giả và cả người trong cuộc phân tích, lý giải và cả biện minh cho thất bại của “Fan cuồng”. Dễ nhận thấy nhất chính là câu chuyện của phim không hấp dẫn, không hợp “gu” khán giả quen thưởng thức những bộ phim đậm chất hài của ê-kíp “triệu đô” này. Các phản hồi tiêu cực về kịch bản của “Fan cuồng” xuất hiện tràn ngập trên mạng xã hội góp phần khiến cho phòng vé của phim trở nên “ế ẩm”.
“Fan cuồng” đề cập đến phong trào nhạc rock thập niên 1990. Thái Hòa vào vai Thái, một người hâm mộ rock cuồng nhiệt trong một thế giới đã không còn quan tâm đến rock. Anh luôn nuối tiếc thời đỉnh cao của rock vào thập niên này, trong đó nổi bật nhất là ban nhạc Sexy Beast của Gia Nghị (Johnny Trí Nguyễn thủ vai). Theo lời quản lý cũ của nhóm là Vũ (Huy Khánh), Sexy Beast tan rã do Gia Nghị yêu Mỹ Kỳ (Phương Trinh Jolie đóng), từ đó, phong trào rock cũng xuống dốc. Một dịp tình cờ, Thái tìm ra cỗ máy thời gian và quyết định quay về quá khứ để cứu vãn phong trào nhạc rock. Anh cố gắng làm người thứ 3 để chia rẽ tình cảm của Gia Nghị và Mỹ Kỳ, từ đó câu chuyện xuất hiện nhiều tình huống oái oăm cùng cái kết bất ngờ. Nhân vật trở về quá khứ qua cỗ máy thời gian để làm thay đổi cuộc sống hiện tại trở nên quen thuộc đến nhàm chán trong phim Mỹ, Hàn... nên “Fan cuồng” chẳng còn mới lạ gì với khán giả Việt.
Diễn viên Johnny Trí Nguyễn lý giải rằng: “Kế hoạch ban đầu của nhà sản xuất là thực hiện “Tèo em 2” nhưng kịch bản không được duyệt trong khi mọi thứ chuẩn bị cho bộ phim này đã sẵn sàng, từ ê-kíp, diễn viên,... thậm chí đội ngũ chuyên gia từ nước ngoài cũng đã bay sang Việt Nam và nhận khách sạn ở để chờ bấm máy. Trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, nhà sản xuất buộc phải thay bằng một kịch bản khác là “Fan cuồng”. Lúc đó, kịch bản của bộ phim còn chưa viết xong, các nhân vật cũng chưa rõ nét. Mỗi ngày đến phim trường, đạo diễn mới phát kịch bản cho diễn viên đủ để quay trong ngày hôm đó”. Theo lời Johny Trí Nguyễn, bước vào quay bộ phim này, anh gặp không ít ngại ngùng, xa lạ và thử thách. Nhất là anh không hiểu nhiều về rock và cũng không “ghiền” thể loại nhạc này.
Bối rối tìm khán giả
“Dù giải thích kiểu gì cũng không hợp lý bởi một bộ phim có kinh phí lên đến 26 tỉ đồng, như công bố, chắc chắn nhà đầu tư phải cân nhắc nên tiếp tục đối mặt với rủi ro hay phải rút lui để bảo toàn vốn. Người thực hiện không chuẩn bị tốt, sao có thể đòi hỏi khán giả phải đến rạp để xem một sản phẩm làm “chữa cháy” như vậy được. Khán giả không có nghĩa vụ phải thông cảm vì họ mua vé bằng tiền của họ. Họ có quyền từ chối và bình phẩm về một bộ phim. Đó là luật chơi” - nhà báo Minh Đức phân tích. Diễn viên Thái Hòa tâm sự: “Doanh thu của phim thấp có làm chúng tôi buồn nhưng buồn hơn là phim chưa đến đúng đối tượng khán giả, những người có thể sẽ thích những cảm xúc mà phim đem lại”.
Theo giới chuyên môn, ê-kíp thực hiện “Fan cuồng” cũng chưa xác định được đối tượng khán giả của chính mình. Vậy nên việc thất bại của phim là không có gì khó hiểu. “Đạo diễn Charlie Nguyễn đã vượt ra khỏi vòng an toàn vốn có để mở rộng biên độ cho tác phẩm mới của mình. Đó là điều đáng trân trọng bởi điều này góp phần cho thị trường điện ảnh Việt Nam phát triển. “Fan cuồng” không kéo được khán giả đến rạp vì khán giả Việt chưa quen với phim đề tài ca nhạc; khán giả của Thái Hòa cũng vẫn muốn nhìn thấy một Thái Hòa diễn hài. Trong khi đó, với “fan” của rock, có lẽ họ không đến rạp để xem một bộ phim nói về rock mà ở đó Thái Hòa hay Johnny Trí Nguyễn sẽ vào vai những rocker, điều chưa từng có trong tưởng tượng của họ”- nhà báo Minh Đức nói.
“Thất bại này bắt nguồn từ chính sự chủ quan của ê-kíp “triệu đô”. Khán giả thời nay có nhiều lựa chọn nên kể cả phim “bom tấn” với vốn đầu tư “khủng” mà không thu hút họ cũng sẽ thất bại như thường” - đạo diễn Đinh Anh Dũng khẳng định.
Phim Việt lỗ nhiều hơn lãi
Dù doanh thu của các bộ phim luôn được nhà sản xuất và đơn vị phát hành không công bố hoặc công bố vì mục đích quảng cáo nhưng cơ sở xem xét mức độ ăn khách của từng phim chính là những suất chiếu thưa thớt dần và mất hẳn, dù lịch chiếu tại các rạp vẫn còn, theo hợp đồng.
“Truy sát” của Trương Ngọc Ánh, bộ phim có mức đầu tư trên chục tỉ đồng và chất lượng phim cũng không quá tệ nhưng vẫn vắng khán giả vì đề tài hành động của điện ảnh Việt khó thuyết phục khán giả. Đồng cảnh ngộ là bộ phim “Có bao giờ yêu nhau” của đạo diễn Dustin Nguyễn cũng rơi vào tình trạng thảm bại vì vắng khán giả. Trong khi đó, “Yêu là phải xài chiêu” của diễn viên Khương Ngọc hay “Vợ ơi em ở đâu?” của ca sĩ Thủy Tiên không để lại bất kỳ dấu ấn nào, thậm chí nhiều người còn không biết đến sự tồn tại của phim.
Tất nhiên, lỗ không đồng nghĩa với phim dở và thắng không đồng nghĩa là phim hay. Những bộ phim nằm trong danh sách lãi đậm như “Taxi, em tên gì?”, “Gái già lắm chiêu”, “Lật mặt 2”, thậm chí là “Vòng eo 56” ít nhiều được xem là thắng về doanh thu nhưng có phim trong số này thu hút được khán giả chỉ vì gây tò mò.
Bình luận (0)