Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, 710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên - Huế”, Festival Huế lần thứ 9 năm 2016 (khai mạc lúc 20 giờ ngày 29-4, truyền hình trực tiếp trên VTV1), được ban tổ chức cho biết sẽ có nhiều nét hấp dẫn, mới lạ.
Khai thác “cây nhà lá vườn”
Kéo dài đến ngày 4-5, Festival Huế 2016 có nhiều lễ hội đầy màu sắc và gần 50 hoạt động văn hóa cộng đồng phong phú, đa dạng với sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ, diễn viên và công chúng. Festival năm nay sẽ có các cuộc trưng bày, triển lãm, nghệ thuật sắp đặt; các hoạt động trình diễn nghệ thuật, văn hóa cộng đồng; tour, tuyến du lịch…
Tại buổi họp báo chiều 28-4, ông Nguyễn Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trưởng Ban Tổ chức Festival Huế 2016 - khẳng định chương trình năm nay sẽ kết cấu hợp lý các hoạt động văn hóa, du lịch, nghệ thuật và lễ hội, có sức thu hút đối với công chúng, giữ vững vị thế, thương hiệu quốc tế. Qua đó, Festival Huế góp phần phát huy và quảng bá truyền thống văn hóa Huế nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung một cách hiệu quả.
Theo ông Dung, trong kỳ festival này, tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức theo hướng không quá dàn trải mà rất tinh gọn; phát huy nội lực, huy động lực lượng văn nghệ sĩ ở địa phương làm nòng cốt và đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động lễ hội. Nếu như năm 2014, Festival Huế có đến 45 đoàn nghệ thuật quốc tế đến từ 35 quốc gia tham dự thì năm nay chỉ có 23 đoàn của 17 quốc gia, như: Pháp, Bỉ, Nga, Anh, Đan Mạch, Ba Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ…
Những chương trình nghệ thuật đặc sắc của các đoàn sẽ diễn ra hằng đêm trên các sân khấu ở Đại nội Huế, Cung An Định cũng như một số điểm diễn giao lưu trên địa bàn TP Huế; không mở rộng về các huyện, thị xã như các kỳ trước. Ban tổ chức đã quyết định chọn nhiều “cây nhà lá vườn” tham gia Festival Huế 2016. Trong đó, NSND Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, đảm trách vai trò tổng đạo diễn festival lần này.
Năm nay, Festival Huế chú trọng “đào sâu” về nghệ thuật truyền thống, bao gồm nghệ thuật cung đình và dân gian, bên cạnh những chương trình nghệ thuật đã được khẳng định như: đêm khai mạc, bế mạc, Đêm Hoàng cung, lễ Tế Giao, chương trình áo dài… Cùng với đó, những chương trình như: Lễ hội khinh khí cầu quốc tế, lễ hội hip hop quốc tế, chương trình rock Lửa Cố đô, chương trình tôn vinh nghệ thuật quần chúng về miền Hương Ngự… lần đầu tiên sẽ được diễn ra tại Festival Huế năm nay.
Đưa tinh thần Phật giáo vào lễ hội
Điểm nhấn của Festival Huế 2016 là lễ khai mạc với chủ đề “Huế đẹp và thơ” do NSND Nguyễn Ngọc Bình đạo diễn. Đây là chương trình nghệ thuật thể hiện sự tổng hòa, quy tụ những giá trị truyền thống và nghệ thuật đương đại, mang hơi thở cuộc sống của Huế và nhiều vùng văn hóa đặc trưng của Việt Nam cũng như các quốc gia. Những tiết mục tham gia biểu diễn được chuẩn bị, dàn dựng công phu trên sân khấu độc đáo, mới lạ, hứa hẹn sẽ là bữa tiệc nghệ thuật đặc sắc, đậm chất riêng.
Ông Chế Công Chung, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Festival Huế 2016, cho biết lần đầu tiên, festival này sẽ tổ chức lễ hội Quảng Chiếu. Đây là chương trình nghệ thuật thể hiện sự kết tinh tâm nguyện tha thiết của các tăng ni, phật tử tại Thừa Thiên - Huế.
Lễ hội Quảng Chiếu có mục đích cầu mong đất nước thanh bình, mưa thuận gió hòa, nhân dân an cư lạc nghiệp. “Lễ hội được thể hiện qua nghi lễ tâm linh hòa quyện cùng biểu diễn nghệ thuật bằng vũ điệu “Lục cúng hoa đăng” với nguồn năng lượng lan tỏa, ánh sáng từ bi và trí tuệ giải thoát của Đức Phật” - ông Chung giải thích.
Ngoài ra, nhân kỷ niệm 15 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tại Festival Huế 2016 cũng diễn ra chương trình âm nhạc mang chủ đề “Người đi hành hương”. Chương trình nhằm tưởng nhớ, tri ân những cống hiến của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đối với nền âm nhạc Việt Nam.
“Người đi hành hương” chính là sự trở về với bản thể âm nhạc của Trịnh Công Sơn, trở về với xứ Huế - vùng đất nơi ông viết bài hát đầu tiên và rất nhiều ca khúc tuyệt diệu khác. Đó cũng là hành trình trở về với mẹ, người đã “dạy cho con tiếng nói quê hương” và sâu xa hơn nữa là trở về với đạo Phật như lời của ông. Đêm nhạc sẽ được thể hiện một cách sâu lắng và bình dị với nhạc cụ chủ yếu là đàn guitar, như cách nhạc sĩ đã hát vào những năm tháng đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc của mình.
Du khách tham dự Festival Huế năm nay còn được thưởng lãm nghệ thuật múa rối đặc sắc của đoàn L’Homme Debout đến từ Pháp. Buổi trình diễn đầu tiên của đoàn L’Homme Debout sẽ diễn ra vào chiều 30-4 tại Công viên Trịnh Công Sơn, đường Trần Hưng Đạo, TP Huế.
Ban tổ chức sẽ chịu trách nhiệm nếu du khách bị ngộ độc
Festival Huế diễn ra ngay trong khoảng thời gian cá chết hàng loạt tại các tỉnh vùng biển miền Trung, trong đó có Thừa Thiên - Huế. Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, lượng khách đăng ký phòng trước, trong và sau festival vẫn khá cao, gần 90.000 lượt. Trong đó, từ ngày 29-4 đến 2-5, công suất phòng đã đăng ký là hơn 90%, có ngày trên 17.000 lượt. Hầu hết các khách sạn 3-4 sao đã không còn chỗ trống.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Dung cho biết tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tính đến các phương án bảo đảm an toàn cho du khách; yêu cầu cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt là với nguồn thủy - hải sản trước hiện tượng cá chết hàng loạt. “Ban tổ chức sẽ chịu trách nhiệm nếu có du khách nào bị ngộ độc thực phẩm” - ông Dung khẳng định.
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Festival Huế 2016, sở đã tiến hành kiểm tra hàng chục nhà hàng, khách sạn, quán ăn. Đến nay, cơ quan chức năng chưa phát hiện cơ sở nào dùng cá chết để chế biến thực phẩm.
Bình luận (0)