Careless Whisper (1984)
Đây là ca khúc đình đám đầu tiên trong sự nghiệp sô lô của George Michael, ra mắt năm 1984. Thời điểm đó, George Michael vẫn còn trong nhóm Wham! cùng Andrew Ridgley nhưng khi quyết định đi thu âm thì Andrew bị bệnh đột ngột. George Michael đi một mình, thu âm một mình và tự làm hầu hết các công đoạn.
Ca khúc chứng tỏ sự trưởng thành, tương phản với những gì Wham! Thực hiện trước đó. Nó như một sự thông cáo rõ rằng ông là nghệ sĩ nghiêm túc, muốn gắn bó lâu dài với nghiệp ca hát. "Careless Whisper" được George viết năm 17 tuổi khi đang đi xe buýt đến nơi làm việc. Thời điểm này, George làm công việc DJ cho Nhà hàng Bel Air gần Bushery, Herfordshire - Anh. Ông nhanh chóng bị sa thải vì đến trễ và chơi các bài hát mà chủ nhà hàng không thích. Trước khi rời đi, ông đã chơi bản demo của "Careless Whisper".
Ca khúc này nhanh chóng được yêu thích, đạt vị trí số 1 ở gần 25 nước, bán hơn 6 triệu đĩa toàn thế giới, đưa tên tuổi George lên cao. Năm 1986, Wham! tan rã vì Andrew không muốn làm cái bóng của bạn.
A Different Corner (1986)
"Careless Whisper" có thể là ca khúc đình đám, lan truyền khắp thế giới nhưng "cha đẻ" lại không thích giá trị tinh thần của nó. George sáng tác một bài mới là "A Different Corner". Đây là sản phẩm âm nhạc đầu tiên của ông khi tách ra sô lô. George tự sáng tác, sản xuất, dàn dựng, trình diễn ca khúc này. "A Different Corner" nhanh chóng lọt tốp 10 bảng xếp hạng ca khúc hay nhất ở Mỹ khi đó.
George từng chia sẻ vào thời điểm đó rằng ông thấy thất vọng với lời của bài "Careless Whisper". Nó chưa thực sự đặc biệt và nhiều người có thể viết tương tự như thế. "A Different Corner" được viết sau 2 năm và lời đã trau chuốt, thực tế hơn rất nhiều. Thêm vào đó, ông đã cho những trải nghiệm, lấy chất liệu từ tực tế cuộc sống bản thân mình vào ca khúc nên tạo sự xúc động riêng.
I Want Your Sex (1987)
Đây là đĩa đơn đầu tiên trong album sô lô đầu tiên của George có tên "Faith". Ngay từ khi xuất hiện, ca từ của nó đã gây tranh cãi dữ dội. Nhiều đài phát thanh Mỹ từ chối phát sóng ca khúc và BBC cấm phát ca khúc này vào ban ngày. Ca khúc bị cho là đề cập đến chuyện tình dục quá trắng trợn, bị xem như cổ súy cho quan hệ tình dục bừa bãi trong thời điểm AIDS đang lan truyền.
George lúc đó lên tiếng phản bác rằng ông chỉ nêu quan điểm không nên tấn công ồ ạt vào chuyện quan hệ tình dục làm cho giới trẻ sợ hãi nó. Bất chấp mọi quan điểm trái chiều, ca khúc này vẫn được yêu thích, lọt vào tốp 5 bài hát hay nhất ở cả Mỹ và Anh trong năm đó
Praying For Time (1990)
Vào thời điểm phát hành album kế tiếp là "Listen Without Prejudice Vol 1", George quyết định tạm lùi khỏi ánh đèn sân khấu. Ông cảm thấy bị kiệt sức. "Nếu cuộc đời tôi đi theo cách tôi muốn, tôi muốn mình không bao giờ đứng trước camera một lần nào nữa" - George thổ lộ thời điểm đó.
Sự nổi tiếng có áp lực riêng, George rơi dần vào sự cô đơn, ông cho ra đời ca khúc "Praying for time". Nó đánh dấu thời điểm ông mệt mỏi, muốn rút lui khỏi sân khấu và cũng là dấu hiệu rạn nứt với hãng thu âm Sony, dẫn đến cuộc chiến pháp lý 3 năm sau đó. Ông không xuất hiện trong video đĩa đơn tiếp theo nhưng mời 5 siêu mẫu đứng và cho thấy cảnh chiếc áo da của ông có dòng chữ Faith bị đốt cháy.
Jesus To A Child (1996)
Đây là ca khúc mở đầu album thứ ba "Older", lặng lẽ và thê lương. Mặc dù không được thừa nhận chính thức nhưng trước đó 3 năm, bạn tình của George là Anselmo Feleppa qua đời vì xuất huyết não, biến chứng liên quan đến AIDS. Anselmo là chủ đề của bài hát.
"Tôi nghĩ Anselmo là người đầu tiên mà tôi thực sự yêu đến quên mình" - George chia sẻ thời điểm đó.
Outside (1998)
Năm 1998, George đối mặt với vụ bê bối bị bắt vì hành vi dâm dục trong nhà vệ sinh công cộng ở Los Angeles - Mỹ. Theo lẽ thường, ông phải rút lui trong sự xấu hổ nhưng George không làm vậy, ông đã đứng lên chống lại vụ bê bối, đối mặt với báo giới bằng sự tự tin và hài hước.
Sau khi bị bắt, ông từng nói với CNN rằng quan hệ đồng tính lần đầu năm 27 tuổi.
Dù nhiều bê bối đời tư, nghiện hút vì những nỗi đau buồn mất người thân, George vẫn hoạt động âm nhạc tích cực. Ông để lại di sản cho đời mình bằng những ca khúc bất hủ. Thế giới thương tiếc George là thương tiếc tài năng của ông cũng như đã từng thương tiếc Michael Jackson, Whitney Houston. Họ là những người nghệ sĩ tài hoa, từng được giới chuyên môn lẫn khán giả thừa nhận. Dù đời tư nhiều mặt tối cũng như rời khỏi cuộc đời sớm, họ vẫn đáng được tôn trọng vì những cống hiến cho nghệ thuật.
Bình luận (0)