Trong môi trường ấy, nhiều gia đình bằng âm nhạc đã góp phần phát huy những giá trị văn hóa truyền thống phố Hội được bà con địa phương gọi thân mật là “Gia đình âm nhạc”. Có thể kể đến gia đình nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ với các con Kim Chi, Quốc Bảo…; gia đình nhạc sĩ Trần Dũng với Ánh Tuyết (ca sĩ, chủ phòng trà ATB TP HCM), Trần Thương, Trần Mến; gia đình Mỹ Hiệp, Mỹ Phương, Thanh Xuân, Duy Dũng… (giải nhất Tiếng hát mãi xanh Đài Truyền hình TP HCM 2013); gia đình Châu An với Châu Thanh Phương, Hồ Đình, Sĩ Phú, Tịnh Quyên, Quốc Hải… Nhưng được mọi người tôn vinh hơn hết vẫn là gia đình âm nhạc La Hối - một gia đình từ bao đời nay vẫn luôn có nhiều đóng góp xuất sắc cho phong trào ca nhạc Hội An, cho xứ Quảng và đất nước.
La Hối (1920-1945) là một trong những nhạc sĩ có công lớn trong việc khai sinh tân nhạc những năm 30 đầu thế kỷ XX của Việt Nam... Điệu valse vui tươi của ca khúc Xuân và tuổi trẻ của ông (lời thơ Thế Lữ) được coi là một trong những tình khúc bất tử với thời gian mà gần như ai trong chúng ta cũng đều hát được. Ông sinh năm 1920, gốc Quảng Đông (Trung Quốc) nhưng gia đình từ nhiều đời đã định cư tại phố cổ Hội An. Từ nhỏ, La Hối đã thể hiện tài năng đặc biệt về âm nhạc. Năm 14 tuổi, đã bắt đầu sáng tác. Những năm 1936-1938, La Hối vào Sài Gòn để hoàn chỉnh chương trình học văn hóa và trau dồi thêm nhạc cổ điển Tây phương. Sau đó, ông trở về Hội An dạy đàn.
Nhạc sĩ La Gia Quảng - pianist của Hội An - người gọi cố nhạc sĩ La Hối bằng chú ruột
Ngay từ lúc ấy, đối với bạn bè, ông quy tụ những người cùng yêu âm nhạc thành một nhóm để cùng nhau hát ca, nghiên cứu, sáng tác, trao đổi kinh nghiệm. Đối với gia đình, ông cần mẫn dạy con cháu biết yêu âm nhạc, biết đàn, biết hát. Năm 1939, La Hối và một số nhạc sĩ thành lập hội yêu âm nhạc. Ông được tín nhiệm bầu làm hội trưởng và cũng là người đầu tiên đưa hành khúc cách mạng Việt Nam vào các chương trình hòa tấu. Một số nhạc sĩ trẻ ở phố Hội lúc ấy đã được ông hướng dẫn nhạc lý như: Dương Minh Ninh (tác giả ca khúc Gấm vàng), Lê Trọng Nguyễn (Nắng chiều), Lan Đài (Chiều tưởng nhớ). Trong gia đình, La Hối đã truyền tình yêu âm nhạc cho mấy người cháu ruột là La Xuân (tác giả ca khúc Mộng Doãn Chánh hay Giấc mơ du tử), La Gia Quảng (Mùa xuân và mơ ước) và La Gia Thạnh của ban nhạc gia đình mang tên Thanh Hoa trước năm 1975.
Hiện nay, truyền nhân của nhạc sĩ La Hối ở Hội An là La Gia Quảng, người gọi ông bằng chú ruột. Cụ La Gia Quảng Tết này tròn 88 tuổi, là người thầy dạy nhạc đáng kính. Người nghệ sĩ đầy nét phong trần ấy đã trải qua thời trai trẻ ở các phòng trà ca nhạc Sài Gòn rồi Lào, Campuchia nhưng cuối cùng vẫn quay về với quê mẹ bên dòng sông Hoài. Và âm nhạc vẫn là nguồn sống của ông, được ông chia sẻ cùng bạn bè, con cháu. Ở ngôi nhà cổ hình ống số 91 Nguyễn Thái Học thông ra tận đường Bạch Đằng, tiếng dương cầm vẫn đều đặn vang lên những thanh âm cuốn hút lòng người. Tuổi dù đã khá cao nhưng lão nhạc sĩ La Gia Quảng nay vẫn cùng bạn bè cao niên quy tụ bên ánh đèn màu dưới tên gọi Nhóm nhạc Cung đàn xưa phục vụ những người yêu ca nhạc ở phố Hội. Rồi khách du lịch trong nước và quốc tế trở nên yêu thích nhóm Cung đàn xưa ngày càng nhiều.
Thế là nhóm tụ họp ở một góc phố trong những đêm hội phố cổ, đêm đèn lồng cùng tấu lên những giai điệu dặt dìu nhớ, dặt dìu thương níu chân khách về với phố rêu của ông. Mãi đến gần đây thì Cung đàn xưa của người nhạc sĩ già La Gia Quảng đã lỡ nhịp đường tơ vì Thái Chi Hao (chơi accordeon), Nguyễn Tấn Nam (mandoline) chia tay cõi trần. Hoàng Tú Mỹ (violon) và ông (piano) đã không còn ngồi lâu được như xưa. Vậy nhưng La Gia Quảng vẫn không buồn vì gia đình âm nhạc của ông vẫn tiếp tục đóng góp được nhiều cho đời sống tinh thần ở phố cổ. Cả 4 người con trai của ông gồm La Vĩnh Sơn, La Vĩnh Tài, La Vĩnh Hoàng và La Vĩnh Sanh đều là những nhạc công. Trong đó, La Vĩnh Sơn kế nghiệp ông truyền ngón dương cầm cho những bạn trẻ yêu thích; La Vĩnh Hoàng lại là tay keyboard không thể thiếu trong các hoạt động âm nhạc ở một Hội An được tụng ca là “quanh năm lễ hội, bốn mùa hát ca”. Chưa hết, các cháu nội của nhạc sĩ La Gia Quảng cũng không chịu thua kém những người đi trước trong gia đình.
La Anh Thư đang học năm cuối Học viện Âm nhạc Huế; La Tiên Thùy, giáo viên âm nhạc thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo Hội An, từng đoạt giải nhì độc tấu piano kỹ thuật số toàn quốc tại TP HCM. Ấy là chưa kể lớp trẻ hơn như La Anh Thy - học sinh THCS đang là giọng ca xuất sắc của phong trào tiếng hát thiếu nhi Hoa phượng đỏ của TP Hội An. Tiếng hát của những La Anh Thư, La Tiên Thùy cùng với ngón đàn của La Vĩnh Sơn, La Vĩnh Hoàng còn là những nhân tố chủ lực của các đêm thơ nhạc, các hội thi, hội diễn ở phố Hội. Chính từ những cống hiến của gia đình âm nhạc này, ngày 30-3-2013, chính quyền TP Hội An đã trang trọng tổ chức “Đêm nhạc La Hối” để tri ân người nhạc sĩ của Xuân và tuổi trẻ cũng như con cháu gia tộc họ La đầy tài năng.
Một mùa Xuân nữa lại về. Giai điệu rộn rã tươi vui của Xuân và tuổi trẻ lại vang vọng nơi nơi. Và gia đình âm nhạc họ La ở phố Hội vẫn miệt mài gảy lên những cung đàn mùa Xuân...
Bình luận (0)