Xung quanh những tranh cãi về việc nhà nước bán 65% cổ phần của VFS cho một đơn vị tư nhân chỉ với giá hơn 30 tỉ đồng, trong khi tài sản hiện có của hãng phim này có thể lên đến hàng trăm tỉ đồng, ông Huỳnh Vĩnh Ái giải thích rằng việc định giá VFS do một đơn vị tư vấn được Bộ Tài chính thẩm định. Theo cách định giá của đơn vị này, giá trị lợi thế kinh doanh của VFS bằng 0.
Ông Ái cho biết theo quy định tại Nghị định 59-2011, đất thuê của nhà nước (gồm 5.443,5 m2 đất tại số 4 Thụy Khuê, Hà Nội; 904,9 m2 đất ở ngõ 151 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội; 6.382,8 m2 đất ở Đông Anh - tức trường quay Cổ Loa, Hà Nội và 1.208,72 m2 đất ở số 6 Thái Văn Lung, quận 1, TP HCM - PV) không được tính vào giá trị doanh nghiệp. “Vả lại, đất của hãng phim tại Thụy Khuê nằm trong diện quy hoạch của khu chính trị Ba Đình, không được kinh doanh thoải mái. Đã có nhiều nhà đầu tư đến nhưng rồi lại đi” - ông Ái nói.
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL khẳng định Vivaso (đơn vị mua lại 65% cổ phần của VFS) đã cam kết thực hiện các quy định trong Nghị định 59. Ngoài ra, Bộ VH-TT-DL cũng yêu cầu doanh nghiệp này thực hiện thêm 7 điểm nữa, gồm: Cam kết 90% doanh thu của đơn vị phải từ phim; trả các khoản nợ tiền thuê đất của hãng; đầu tư cơ sở vật chất để làm phim; tuân thủ phương án sử dụng đất để phục vụ; sử dụng toàn bộ nhân viên của hãng; sử dụng toàn bộ tiền thu được từ cổ phần hóa để đầu tư sản xuất phim và cử 3 người của nhà nước vào hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc, ban kiểm soát.
Theo ông Trần Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ VH-TT-DL, sau cổ phần hóa, Vivaso phải tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phim, sử dụng toàn bộ cơ sở vật chất hiện có cho hoạt động sản xuất phim và các hoạt động dịch vụ văn hóa.
Bình luận (0)