Khán thính giả yêu nhạc ở miền Nam không thể quên hình ảnh cặp đôi lãng tử và quyến rũ – nhạc sĩ Lê Uyên Phương và danh ca Lê Uyên – cùng cuộc song hành trong âm nhạc của họ đã ghi dấu ấn trong đời sống nhạc Việt giai đoạn những năm thập niên 1970. Lê Uyên hôm nay dù một mình lẻ bóng trên quê hương để hát lại những bản tình ca với trái tim yêu gào thét dữ dội của hai người, nhưng hành trang của chị luôn nặng trĩu kỷ niệm của người tri kỷ trong âm nhạc.
Những nốt nhạc từ trái tim yêu
Nhắc đến nhạc tình, không thể không nhắc đến những tình khúc nổi tiếng của cố nhạc sĩ Lê Uyên Phương (1941-1999): Dạ khúc cho tình nhân, Lời gọi chân mây, Vũng lầy của chúng ta, Cho lần cuối, Đá xanh, Hãy ngồi xuống đây... Có rất nhiều ca sĩ đã hát nhạc Lê Uyên Phương, mà khán thính giả gần đây nghe nhiều nhất là giọng ca của Đàm Vĩnh Hưng, nhưng người thể hiện thành công nhất lại chính là danh ca Lê Uyên, niềm cảm hứng, tình yêu và là người bạn đời của ông.
Nữ ca sĩ Lê Uyên trở về Đà Lạt sau 40 năm xa cách, sân bay Liên Khương là nơi nhạc sĩ Lê Uyên Phương đã viết ca khúc Lời gọi chân mây trong một lần tiễn chị về Sài Gòn. Chị tìm về căn nhà cũ trên đường Võ Tánh (nay là đường Bùi Thị Xuân), ngồi lắng lại trong căn phòng in màu hồi tưởng, Lê Uyên mặc lại chiếc áo nâu nhạt mà cố nhạc sĩ hay mặc khi trình diễn trên sân khấu, nghẹn ngào kể về những lần trèo qua cửa sổ để gặp nhạc sĩ, cùng anh dạo trên các con dốc Hàm Nghi (nay là Nguyễn Văn Trỗi), dọc Hồ Xuân Hương...
Chị một mình lang thang tìm đến nhà ga xe lửa, nơi chứng kiến những lần hai người gặp gỡ và chia tay nhiều nhất, nơi ra đời ca khúc Một ngày vui mùa đông. Chị thăm lại trường Đại học Đà Lạt mà anh chị đã có buổi trình diễn đầu tiên trước khoảng 500 sinh viên và chị đã ngồi hàng giờ hoài niệm ở Café Tùng – chốn hẹn hò đầu tiên của hai người. Định mệnh đã gắn chặt họ vào nhau với những đứa con tinh thần được khán giả yêu mến: Tình khúc cho em, Vũng lầy của chúng ta, Hãy ngồi xuống đây, Đá xanh...
Mối tình định mệnh
Ca sĩ Lê Uyên kể năm chị mười sáu tuổi được cha đưa từ Sài Gòn lên Đà Lạt học nội trú, còn anh là thầy giáo dạy đàn và triết ở thành phố mộng mơ này. Vốn là con nhà thuộc hàng giàu có ở Chợ Lớn, mắt to mơ mộng và dáng vẻ đài các yêu kiều, chị là nàng thơ của anh còn những ca khúc dạt dào tình cùng sự quyến rũ bụi bặm của anh đã hút hồn chị. Dù chị biết anh mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo và không biết ngày nào sẽ ra đi.
Gia đình ra sức ngăn cản, đưa chị về lại Sài Gòn, nhưng khi anh đến tìm, chị đã chối từ gia cảnh giàu sang của mình, bỏ cả tên thật do cha mẹ đặt để chọn cho mình cái tên chung và cùng nhau sống cuộc đời nghệ sĩ nghèo. Bệnh tật, cái chết treo lơ lửng trên đầu nên anh rơi vào tâm trạng buồn tủi não nề nhưng sự nghiệp cũng không ít vinh quang khi chỉ mới vừa đi hát chuyên nghiệp họ đã may mắn được khán thính giả yêu tiếng đàn, lời ca của mình.
Dạ khúc cho tình nhân, Bài ca hạnh ngộ, Còn nắng trên đồi... và hàng chục bài tình ca với ca từ ngọt ngào nhưng ẩn chứa trong đó không biết bao nhiêu dông bão đã lần lượt ra đời, khiến công chúng ngất ngây. Người yêu nhạc ở Sài Gòn những năm thập niên 1970 chấp nhận ngay những ca khúc của chàng nhạc sĩ lãng tử, coi đó là làn gió mới. Cả hai người cứ mơ đến một ngày đứng trên sân khấu thật lớn, hát cho thật nhiều người nghe.
Thế nhưng, cho đến khi mất đi, nhạc sĩ vẫn chưa được chứng kiến viễn cảnh đó xảy ra. Vậy nên lần trở về Việt Nam và được hát trước hàng triệu khán giả truyền hình trong đêm 8-11 này, trên sân khấu Nhà hát Hòa Bình (TP HCM) thực sự là một giấc mơ có thật đối với danh ca Lê Uyên và cả người bạn đời quá cố của chị.
Lê Uyên tự sự rằng nhạc sĩ đã không còn được chứng kiến những màn diễn thăng hoa trên sân khấu lớn của chị, cho nên chắc chắn mình không tránh khỏi chút ngậm ngùi, nhưng dù sao đây vẫn cứ là giấc mơ đã hóa thành hiện thực, khiến chị lâng lâng ngất ngây trong hạnh phúc tột cùng. Điều quan trọng nhất đối với chị là cho dù đã về cõi vĩnh hằng nhưng anh luôn ở trong tim chị, mãi mãi, như chẳng hề có chút chia xa.
Bình luận (0)