Đi ngược lại mọi dự đoán, bộ phim Thần tượng của đạo diễn Nguyễn Quang Huy bất ngờ giành giải Cánh diều vàng cho phim hay nhất cùng nhiều giải thưởng cá nhân trong lễ trao Giải Cánh diều 2013 của Hội Điện ảnh Việt Nam diễn ra đêm 15-3 tại Hà Nội.
Tôn vinh dòng phim giải trí
Trước lễ trao giải, người trong giới và báo chí đều cho rằng giải Cánh diều vàng lần này sẽ khó tuột khỏi tay Những người viết huyền thoại, bộ phim đã từng giành giải Bông sen vàng tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 18 được tổ chức cách đây mấy tháng. Thứ nhất, phim đã được thẩm định bởi những người có uy tín trong nghề; thứ hai, những phim đề tài chiến tranh cách mạng từ nhiều năm nay không bao giờ ra về tay trắng dù còn ít nhiều khiếm khuyết, như Đừng đốt, Mùi cỏ cháy chẳng hạn. Trong nếp nghĩ của rất nhiều người, trao giải cho một bộ phim đề tài chiến tranh cách mạng trở thành “luật bất thành văn” tại các lễ trao giải của điện ảnh Việt Nam, trong đó có liên hoan phim quốc gia và giải của hội chuyên ngành - Cánh diều.
Nhưng ở Cánh diều 2013 thì khác. Bộ phim đầu tay mang tên Thần tượng của bầu sô ca nhạc Nguyễn Quang Huy khai thác mặt trái của showbiz (thị trường giải trí) Việt đã giành hầu hết giải thưởng điện ảnh quan trọng nhất: Cánh diều vàng cho Phim xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất, Quay phim xuất sắc nhất, Họa sĩ thiết kế xuất sắc nhất… Trước kết quả có phần bất ngờ này, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, Trưởng Ban Giám khảo thể loại phim truyện điện ảnh, giải thích giải Cánh diều vàng dành cho phim Thần tượng nhận được sự đồng tình nhất trí cao của 9 vị thành viên trong Hội đồng Giám khảo phim truyện điện ảnh. Bộ phim này đạt số điểm trong khung giải vàng (tức từ 9 đến 10 điểm).
“Có thể kết quả này gây bất ngờ vì đây là phim nằm trong dòng phim giải trí, mô-típ câu chuyện và cả những xung đột trong phim cũng nằm trong những điều đã quen thuộc của showbiz nhưng cách thắt gút vấn đề và thông điệp truyền tải của bộ phim lại mang đến nhiều ý nghĩa xã hội” - đạo diễn Vinh Sơn nhấn mạnh.
Ông Sơn cũng nói thêm Cánh diều vàng 2012 đã trao cho Scandal, cũng là một phim thuộc dòng phim giải trí, nên ban giám khảo thống nhất lấy ý tưởng từ dòng phim của giải thưởng năm ngoái để trao cho Thần tượng. Đánh giá về chất lượng của Thần tượng, đạo diễn Vinh Sơn cho rằng: “Tương đối hoàn chỉnh về ý tưởng, có những sáng tạo trong khuôn hình, tiết tấu và xử lý âm nhạc”.
Tùy thuộc vào giám khảo
Không có vàng, không có bạc, bộ phim được tôn vinh với 6 giải thưởng quan trọng nhất, trong đó có giải Bông sen vàng dành cho phim xuất sắc nhất của Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 18, Những người viết huyền thoại chỉ giành được giải Phim truyện điện ảnh phản ánh xuất sắc đề tài chiến tranh cách mạng của Hội Điện ảnh Việt Nam. Trước ý kiến cho rằng trao giải này là thể hiện một sự thỏa hiệp, cào bằng, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn cho biết trong 13 phim tham dự giải Cánh diều, Những người viết huyền thoại là bộ phim duy nhất phản ánh đề tài chiến tranh nên không thể đặt chung “mâm” với 12 phim còn lại. Đạo diễn của Trăng nơi đáy giếng cũng nhấn mạnh hội đồng giám khảo ghi nhận công sức, đam mê và tấm lòng yêu mến của đạo diễn dành cho các chiến sĩ, lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, nếu đặt lên bàn cân để cân đo đong đếm chuyện “bếp núc” của nghề thì tay nghề đạo diễn của bộ phim này có những thứ còn khập khiễng.
NSƯT - quay phim Lý Thái Dũng, người góp nhiều công sức cho Những người viết huyền thoại, bình thản cho rằng mỗi ban giám khảo cho ra một kết quả khác nhau nên anh không bận tâm lắm về sự ra về gần như tay trắng. “Hội nghề nghiệp đánh giá theo tiêu chí của họ. Chắc họ muốn khuyến khích những đạo diễn trẻ, có cái nhìn mới, hơi thở mới và mang làn sóng mới đến cho nền điện ảnh” - tay máy kỳ cựu chia sẻ về những khác nhau giữa tiêu chí của liên hoan phim quốc gia và giải của hội nghề nghiệp. Anh cũng nói thêm: “Chúng tôi đã cống hiến hết mình và hài lòng với những gì có được. Những người viết huyền thoại chỉ là một lát cắt của lịch sử chứ những người thực hiện không có tham vọng quá nhiều. Chúng tôi đã già đủ để không phải bận tâm về giải thưởng. Nếu có thì là nguồn động viên, không có cũng không sao”.
Nhớ lại mùa giải Cánh diều năm 2012, Cánh diều vàng cùng trao cho 2 bộ phim, một thương mại giải trí - Scandal và một đề tài chiến tranh cách mạng - Mùi cỏ cháy.
Nhiều ý kiến cho rằng từ mùa giải 2012, Hội Điện ảnh Việt Nam đã có một bước chuẩn bị cho việc đổi mới trong nhìn nhận giải thưởng này khi đặt Scandal lên vị trí đồng giải vàng với Mùi cỏ cháy, tránh được lời ra tiếng vào.
Lý lẽ mà đạo diễn Vinh Sơn đưa ra là năm trước Cánh diều vàng đã trao cho phim giải trí nên năm nay có trao cũng bình thường cho thấy có sự chuẩn bị.
Có thể nói giải Cánh diều đã quay ngoắt 180 độ, từ cực này sang cực khác. Kết quả của giải Cánh diều năm nay mang nhiều thông điệp, tùy theo cảm nhận của mỗi người, người trong giới bình luận như thế.
Sạch sẽ nhất chứ không xuất sắc nhất
Trên thực tế, dù được ban giám khảo coi là “sạch sẽ” nhất trong 13 phim tranh giải năm nay nhưng Thần tượng không hẳn đã nhận được đánh giá cao của những người làm công tác phê bình. Nhà báo Dương Phương Vinh, cây bút phê bình điện ảnh uy tín, cho rằng đây là một bộ phim cũ, sáo, đúng “bệnh” của phim Việt. “Một bộ phim về giới giải trí cụ thể là sản xuất, đào tạo, biểu diễn âm nhạc mà loay hoay chỉ có mấy hình ảnh nhóm họp, nhắn tin bình chọn, váy áo tha thướt trên thảm đỏ hào nhoáng. Câu chuyện không hé lộ được chuyện kín chuyện hở gì, dưới cả tầm hiểu biết của khán giả ngoài giới showbiz” - cây bút chuyên về điện ảnh đánh giá.
Chị cũng nhận xét nhân vật trong phim chưa nói đã biết sẽ nói gì, chưa làm đã đoán ra. Ví dụ, mẹ của Linh ban đầu sẽ ngăn cản “không có ca sĩ ca siếc gì hết” rồi sau đó bị lung lạc rất nhanh. Đạo diễn thích đưa tình huống đối lập, ê-kíp đối lập và cho khán giả biết ngay từ đầu “tôi chọn ê-kíp này”, họ sẽ chiến thắng ở cuối phim đấy nhưng lý do thắng thì vô cùng èo uột, chỉ cần có cảm xúc, đi hát miễn phí cho nhân dân, lên sân khấu trần tình trong nước mắt vì sao hát bài này, bài kia...
Bình luận (0)