Ra rạp từ ngày 11-12-2015 đến 16-2-2016 (tức hơn 2 tháng công chiếu), bộ phim điện ảnh “Em là bà nội của anh” đã vượt mốc doanh thu 102 tỉ đồng với 1,4 triệu lượt người xem, theo thông tin từ nhà sản xuất CJ Entertainment vừa công bố. Như vậy, phim “Em là bà nội của anh” đã vượt xa con số doanh thu ấn tượng 85 tỉ đồng của phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” để trở thành phim có doanh thu cao nhất trong năm 2015 và hiện đang phá kỷ lục doanh thu phòng vé phim Việt (phim “Để Mai tính 2” lập được với 101,338 tỉ đồng vào năm 2014). Điều gì làm nên yếu tố ăn khách mạnh mẽ đến như vậy ở bộ phim làm lại kịch bản của nước ngoài này?
Từ trái tim đến trái tim
“Em là bà nội của anh” không gây được nhiều hiệu ứng tích cực trước khi ra rạp giống như bộ phim từng gây sốt trước đó là “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Một kịch bản làm lại từ bộ phim ăn khách của Hàn Quốc “Miss Granny” lại được bảo chứng bởi một đạo diễn trẻ, lạ như Phan Gia Nhật Linh, dàn diễn viên không “hot” và cái tên nghe như “chửi bậy” rất dễ khiến phim trở thành “cái bóng mờ” nhưng “Em là bà nội của anh” đã tìm được sức sống riêng cho mình. Một bộ phim về gia đình, về tình mẫu tử, về tuổi thanh xuân đã tự thân có sức lay động, chạm đến cảm xúc người xem và lan tỏa mạnh mẽ.
Nhiều người nghĩ “làm lại” phim ăn khách nghĩa là kịch bản đã “dọn” sẵn ra, cứ thế mà làm chứ chẳng có gì sáng tạo cả nhưng với Phan Gia Nhật Linh: “Đó là thế giới của mình, là những giá trị mà mình được thừa hưởng và quý trọng từ gia đình. Câu chuyện của bà Đại - chồng mất sớm trong chiến tranh ở vậy nuôi con bao năm trời - cũng không khác mấy câu chuyện mẹ tôi vẫn kể về bà ngoại ở vậy nuôi 4 đứa con khi ông ngoại mất năm ông 36 tuổi”. Thành ra, kịch bản được viết bởi người Hàn Quốc nhưng khi bắt đầu làm phim, anh luôn nghĩ rằng nó được viết để anh làm về gia đình của mình.
Còn nhớ khi làm phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, đạo diễn Victor Vũ bảo anh cũng có những câu chuyện của riêng mình, tương tự với truyện của Nguyễn Nhật Ánh. Đó là một người em suốt ngày bám theo chân anh trai gây phiền toái và anh đã từng nhẫn tâm đá vào chân thằng em để cảnh cáo. Victor Vũ không cảm thấy khó khăn khi kết nối những tình huống của 2 anh em cũng như linh hồn câu chuyện. Cũng như Phan Gia Nhật Linh, chính những tình cảm gia đình, chính tình yêu của bà, của mẹ là nguồn cảm hứng để anh làm bộ phim này. Đó cũng là lý do dù kịch bản Hàn Quốc nhưng khán giả đã thấy xã hội Việt, quê hương Việt, gia đình Việt, thậm chí gia đình của chính họ, mỗi nhân vật đều mang bóng dáng người thân trong gia đình. Nói như một khán giả: “Tôi nhìn thấy trong phim một gia đình Việt cổ điển, sống nhiều thế hệ trong một mái nhà, những quan điểm sống bị đè nén, che giấu, dồn nén đến đổ vỡ. Tôi thấy tình yêu, sự hy sinh, chịu đựng của người mẹ khi tằn tiện không dám sống cho mình, chấp nhận làm tất cả để con được hạnh phúc”.
Diễn viên Hồng Ánh cho rằng khán giả hiện nay không đòi hỏi điều gì cao siêu ở một tác phẩm điện ảnh mà đơn giản nó phải gần gũi và đầy cảm xúc. “Con đường ngắn nhất để phim thành công là chạm đến cảm xúc, sự rung động của người xem” - diễn viên Hồng Ánh nói. Theo chị, đây là bài học cho những nhà làm phim Việt trong thời gian tới.
Minh chứng là những phim thành công về mặt tay nghề lẫn doanh thu thời gian qua như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Em là bà nội của anh”, “Yêu”, “Vẽ đường cho yêu chạy” đều ngập tràn cảm xúc. Muốn làm được điều đó, Phan Gia Nhật Linh nói rằng: “Hãy làm bộ phim mà nó khiến bạn rung động vì những gì xuất phát từ trái tim sẽ đến được trái tim”.
Sự hài hòa tổng thể
Lý giải cho sự thành công vượt mong đợi của “Em là bà nội của anh”, đại diện nhà sản xuất CJ Entertainment cho biết: “Thành công này đến từ sự hài hòa tổng thể của rất nhiều yếu tố như kịch bản, diễn xuất, âm nhạc, thời điểm phát hành...”. Thật vậy, kịch bản gốc “Miss Granny” là câu chuyện về gia đình, tình mẫu tử hài hước nhưng đầy cảm động. Đó là một “khoảng trống” của phim Việt hiện nay khi chỉ tập trung vào khai thác hài, hành động, kinh dị...
Nói như đạo diễn Victor Vũ, tình cảm gia đình, mẫu tử luôn dễ khiến khán giả đồng cảm, xúc động và muốn tìm về khi nhịp sống hiện đại mãi cuốn họ đi. Phan Gia Nhật Linh cho rằng: “Kịch bản hay là yếu tố quyết định hàng đầu cho một phim hay. Kịch bản gốc của phim này đã quá hay từ câu chuyện, xây dựng nhân vật, tình tiết nên tôi không sáng tạo quá nhiều mà chỉ chú trọng giữ mạch cảm xúc và làm đậm văn hóa, truyền thống của người Việt”.
Với một phim “làm lại”, diễn xuất của diễn viên quyết định đến 80% sự thành bại. Miu Lê, Ngô Kiến Huy, Hứa Vĩ Văn... truyền cảm xúc mãnh liệt nhất bên cạnh các diễn viên gạo cội như Thanh Nam, Kim Xuân, Hồng Ánh, Minh Đức... “Góp phần không nhỏ cho sự ăn khách là diễn xuất sinh động, màu sắc của Miu Lê trong vai bà nội” - diễn viên Hồng Ánh khẳng định.
Âm nhạc trong phim là một điểm nhấn. Những ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được chắt lọc, đưa vào những trường đoạn khơi mạch cảm xúc một cách khéo léo mà tự nhiên, lấy đi nước mắt của người xem. “Giọng hát đầy cảm xúc của Miu Lê trong các ca khúc nhạc Trịnh như một loại “virus” gây nghiện khiến khán giả say mê cuồng nhiệt hơn. Hiệu ứng phim lan tỏa nhanh, rộng cũng nhờ vào phần âm nhạc quá xuất sắc này” - một đạo diễn nhận định.
Rõ ràng, thành công của một bộ phim là phụ thuộc vào nhiều yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” nhưng những người làm nghề đều có niềm tin một tác phẩm nghiêm túc, chỉn chu, đàng hoàng, chạm đến cảm xúc người xem đều có khả năng tạo sóng dư luận tốt. Nhiều người hy vọng kỷ lục doanh thu của phim “Em là bà nội của anh” sẽ bị phá bỏ trong thời gian tới.
Vươn ra thị trường thế giới
Theo CJ Entertainment, “Em là bà nội của anh” hiện đã vươn khỏi lãnh thổ nước nhà, đến với khán giả quốc tế. Bộ phim hiện đang được trình chiếu tại các nước: Úc, New Zealand và Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Úc, phim bắt đầu được chiếu từ ngày 11-2 ở Sydney, Melbourne, Adelaide, Brisbane và Perth. Chỉ trong 5 ngày đầu trình chiếu, phim đã thu về được gần 35.000 USD. “Em là bà nội của anh” dự kiến sẽ được khởi chiếu tại Mỹ vào tháng 3 này.
Bình luận (0)