Giải “Nghiên cứu” trao cho GS Trịnh Văn Thảo về lĩnh vực nghiên cứu văn hóa và lịch sử Việt Nam và GS Trần Đình Sử cho lĩnh vực nghiên cứu văn học. Giải “Việt Nam học” trao cho nhà Việt Nam học người Canada Alexander Woodside vì những công trình nghiên cứu về lịch sử Việt Nam. Giải “Dịch thuật” trao cho dịch giả Nguyễn Hồng Nhung vì những tác phẩm văn học dịch Hungary được đánh giá là uyên thâm, nhuần nhị mà trong sáng và tràn ngập đam mê, đặc biệt là bộ 3 tập tác phẩm “Minh triết thiêng liêng” của đại văn hào Hamvas Bela (NXB Tri Thức).
Các cá nhân xuất sắc được giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh 2017 tôn vinh. Ảnh: Hòa Bình
Mùa giải 2017 đánh dấu cột mốc 10 năm hoạt động bền bỉ của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, vinh danh các cá nhân xuất sắc có cống hiến nỗ lực không mệt mỏi vì sự nghiệp văn hóa - giáo dục Việt Nam.
Giải thưởng Phan Châu Trinh thuộc Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, do bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó Chủ tịch nước - làm chủ tịch hội đồng quản lý, góp phần phục hưng, du nhập, khởi phát và gìn giữ những giá trị văn hóa, tinh hoa văn hóa.
Từ năm 2015 đến nay, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đã vinh danh 4 danh nhân văn hóa Việt Nam thời hiện đại (Trương Vĩnh Ký, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu và Nguyễn Văn Vĩnh). Năm nay, giải thưởng vinh danh nhà văn hóa Phan Khôi (1887-1959), người sở hữu di sản đồ sộ gồm: thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, khảo cứu, lý luận, phê bình văn hóa, văn học, dịch thuật... Sự nghiệp học thuật của ông gây kinh ngạc ở hàng loạt lĩnh vực: nhà báo, nhà tư tưởng, người yêu quý lịch sử nước nhà, nhà ngữ học, nhà Trung Hoa học, nhà khoa học...
Chỉ riêng lĩnh vực văn chương, ông “tung hoành” trên các mảng: phê bình (giai đoạn 1918-1941), sáng tác thơ (khởi xướng phong trào Thơ mới), văn xuôi (viết truyện bằng Hán văn, viết tiểu thuyết quốc ngữ...), tiểu phẩm, hồi ký, dịch giả.
Nhiều học giả ghi nhận tiếng Việt có được lối viết trong sáng rõ ràng như hôm nay chính là nhờ học giả Phan Khôi. Ông cũng là nhà phê bình hay “gây sự” theo lối đổ chén thuốc đắng vào độc giả.
Bình luận (0)