Những giờ học nhạc tại Trường THCS Nguyễn Du, Lê Ngọc Hân, Trường Mầm non Sóc Nâu hay Ánh Dương những tháng gần đây khác trước. Không phải là 45 phút học thuộc một bài hát hay kiểu thầy cô dạy nhạc ở trường dạy học trò biết hát bài hát nào đó được in trong giáo trình âm nhạc, được sử dụng nhiều thập kỷ nay, giờ nhạc hiện nay ở các trường này là dạy cho học trò biết đọc cả nốt nhạc, biết tông nhạc, biết kỹ thuật nhả chữ, nuốt hơi… những điều cơ bản về âm nhạc như những học sinh trường nhạc chuyên nghiệp.
Tâm huyết của nhiều người
Một trong những lý do khiến việc đưa âm nhạc đến trường học nhận được phản hồi tích cực từ những người trong cuộc lẫn phụ huynh vì “trong chương trình đào tạo về các môn nghệ thuật tại các trường tiểu học, trung học theo hệ thống giáo dục công còn quá nhiều bất cập từ nội dung đến phương pháp và kỹ năng truyền tải, từ đội ngũ giáo viên cho tới chương trình đào tạo…” - NSƯT Hoàng Điệp chia sẻ.
Theo NSƯT Minh Hương, Giám đốc Nhạc viện TP HCM: “Giáo dục nghệ thuật là một trong những nhiệm vụ quan trọng của giáo dục và đào tạo. Nghệ thuật không chỉ là “phương tiện” mang tính giải trí trong đời sống mà còn là những phương tiện giúp cho việc định hướng tâm hồn, hoàn thiện nhân cách, nâng cao các chỉ số thông minh IQ và EQ của con người, giúp họ có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên của giáo dục nghệ thuật chính là giáo dục sự nhận thức, tình yêu cái đẹp với những giá trị nghệ thuật chân chính, có định hướng về thẩm mỹ nghệ thuật”.
Một buổi dạy âm nhạc cho trẻ em của nhạc sĩ - ca sĩ Thanh Bùi ở trường của Hội đồng Anh. Ảnh: Thúy An
Thực tế, việc giáo dục nghệ thuật đã trở thành một trong những “nhiệm vụ” cấp bách như lời của nhạc sĩ - ca sĩ Thanh Bùi trong vai trò hiệu trưởng Trường nhạc Soul Academy. Đây chính là lý do Thanh Bùi phát triển dự án xây lớp học nhạc cho trẻ em ở vùng sâu, vùng xa. Những lớp học nhạc này của Thanh Bùi được xây dựng vì “nếu biết nhạc, học trò sẽ tận hưởng cuộc sống của họ, mọi khó khăn sẽ được nhìn nhận với tinh thần lạc quan” - anh nói.
Trong khi đó, những gương mặt trẻ của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP HCM như Trần Nhật Minh, Nguyễn Mạnh Duy Linh, nhạc sĩ Việt Anh,… muốn tạo nên một quan niệm khác trong giới trẻ về âm nhạc hàn lâm. Dự án dạy nhạc miễn phí thông qua những buổi workshop (tập huấn) được tổ chức định kỳ 3 buổi/tuần tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP HCM nhằm “xây dựng thị hiếu thưởng thức cho khán giả. Những buổi workshop đều đặn đã trở thành những lớp học nhạc hữu ích dành cho sinh viên bởi “quy trình rút ngắn sẽ giúp sinh viên không bị chán khi phải dành nhiều thời gian cho những giờ học lý thuyết” - nhạc sĩ Việt Anh chia sẻ. Tất nhiên, với những lớp học này (kết hợp lý thuyết với thực hành trong giờ học) không giúp cho sinh viên trở thành một nghệ sĩ nhưng sẽ dễ dàng tiếp cận và tiếp nhận âm nhạc theo cảm nhận dựa trên nền tảng kiến thức mà họ có được.
Giải quyết tận gốc
Việc đưa giáo dục âm nhạc đến trường học, không phải cách “ấp trứng” cho tương lai, như nhận định của chỉ huy dàn nhạc Trần Nhật Minh. Đó đơn giản là “khi người nghe hiểu được họ đang nghe gì thì lúc đó họ mới hứng thú với những gì họ được nghe” - Trần Nhật Minh nói. Tức là, Trần Nhật Minh cùng những người bạn của mình muốn xây dựng nên ý thức “nhạc hàn lâm không phải là thứ cao siêu. Âm nhạc, dù là gì chăng nữa, cũng dành cho tất cả công chúng. Tất nhiên, so với nhiều thể loại âm nhạc khác, nhạc hàn lâm cần chút thời gian để lắng nghe và cảm nhận” - Trần Nhật Minh phân tích thêm.
Với nhạc sĩ - ca sĩ Thanh Bùi: “Đưa âm nhạc vào trường học để giải quyết vấn đề từ gốc, tức là giáo dục và đào tạo nghệ thuật âm nhạc cho trẻ em ngay ở độ tuổi mầm non, tiểu học và trung học cơ sở…”. Theo anh, mọi người thường nghĩ đi học nhạc để trở thành ca sĩ, nhạc công chuyên nghiệp, học nhảy để trở thành vũ công. “Đó là quan niệm sai lầm bởi âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung giúp cho mỗi người trải nghiệm chính cuộc sống của họ một cách trọn vẹn nhất. Tôi không nghĩ sẽ cải thiện được quan điểm của người lớn nhưng tin các em thiếu nhi sẽ hiểu lợi ích của nghệ thuật không dừng lại ở cái lợi trước mắt mà giúp phát triển tư duy của con người” - Thanh Bùi cho biết.
Những người tâm huyết này tin rằng nền tảng kiến thức căn bản về nghệ thuật sẽ giúp người thưởng thức biết đón nhận điều phù hợp và từ chối những thứ không giá trị. Còn NSƯT Hoàng Điệp: “Tôi mong được nhìn thấy các bé trưởng thành với một tâm hồn rộng mở, nhân cách hướng thiện bằng những kiến thức nền tảng về nghệ thuật phong phú…”.
Cần sự đồng lòng
Để giới phụ huynh và các em học sinh có quan điểm mới về âm nhạc là điều khó khăn. Nhạc sĩ - ca sĩ Thanh Bùi cho biết dù anh đã xây phòng nhạc và tổ chức dạy miễn phí nhưng không ít lần anh nhận được câu hỏi “học nhạc để làm gì khi việc học chữ còn bấp bênh?”.
Chỉ huy dàn nhạc Trần Nhật Minh luôn đau đáu làm thế nào để có kinh phí cho dự án đưa nhạc đến sinh viên có thể tồn tại lâu dài. Sinh viên tìm đến các lớp học workshop ngày càng nhiều nên chi phí cũng tăng lên. Tiền túi ngày càng cạn trong khi người đồng hành tài chính cho dự án thì chưa có. Đó là chưa kể tất cả họ còn phải làm việc chuyên môn của mình nên việc sắp xếp thời gian cho dự án không phải là chuyện dễ dàng. Vậy nên, “hành trình của chúng tôi cần sự hỗ trợ từ nhiều phía” - NSƯT Hoàng Điệp nói.
Bình luận (0)