Để nhạc cụ dân tộc "nói" ngôn ngữ hiện đại
Bắt đầu ý tưởng bằng suy nghĩ, âm nhạc truyền thống Việt Nam ngày càng thu hút được nhiều khán giả, đặc biệt là các khán giả ngoại quốc, thế nhưng các chương trình nhạc nhẹ đại chúng mang âm hưởng nhạc dân tộc lại chưa đủ thuyết phục người nghe. Vậy thì phải làm thế nào để xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc trong trào lưu chung? Câu trả lời là phải dựa trên những cái hay, cái đẹp của âm nhạc truyền thống để sáng tạo những tác phẩm mới. Tham vọng của Đỗ Bảo khi thực hiện Gió bình minh là tạo ra những điều kiện thúc đẩy tiềm năng của các nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật.
Khác với Đường xa vạn dặm của nhạc sĩ Quốc Trung, điểm nổi bật của Gió bình minh là các nhạc công không sử dụng nhạc khí cổ truyền để thể hiện các tác phẩm nhạc quốc tế và cũng không phối ghép các thể loại âm nhạc lại với nhau để tạo ra một hình thức lạ. Đỗ Bảo chỉ dùng nhạc cụ dân tộc để tìm tòi những chất liệu âm nhạc mới, dàn dựng các tác phẩm bằng một ngôn ngữ nghệ thuật đương đại. Các nghệ sĩ tham gia chương trình khai thác các chất liệu âm nhạc được thể hiện từ các nhạc cụ truyền thống, tìm tòi các chất liệu âm nhạc mới thông qua sự ngẫu hứng tập thể, sáng tác và dàn dựng các tác phẩm bằng ngôn ngữ nghệ thuật đang hình thành trong quá trình giao thoa các khúc xạ văn hóa thời kỳ hội nhập. Theo Đỗ Bảo, thách thức lớn nhất đối với các nghệ sĩ trong Gió bình minh chính là phải thoát khỏi những lối mòn trong tư duy sáng tạo, thuyết phục được khán giả trẻ cũng như những người làm nhạc chuyên nghiệp và khán giả ngoại quốc.
Cuộc chơi nhiều chất xám, ít lợi nhuận
Gió bình minh lần này thử nghiệm cả những tác phẩm ca và nhạc không lời cùng nghệ thuật múa đương đại. Chương trình được biểu diễn live (không lập trình) với công nghệ âm thanh surround, trong đó có những đoạn dùng giọng hát vocal như những nhạc cụ để thể hiện ý tưởng với giọng hát của Minh Anh, Minh Ánh, Tùng Dương... Sẽ có 9 tác phẩm được trình diễn là Ước mơ, Sương giăng đò ngang, Đêm phương Đông, Khi linh hồn gặp gió, Rừng thẳm, Chân trời xa, Xá thượng, Điệu nhảy và Gió bình minh.
Cùng với một Việt kiều Pháp, Nguyễn Nhất Lý, Đỗ Bảo đã bỏ ra khoản kinh phí không nhỏ cho cuộc chơi nhiều chất xám mà ít lợi nhuận này. Đỗ Bảo tâm sự: "Tôi làm chương trình với suy nghĩ muốn đi hết con đường dài của âm nhạc. Tôi muốn thực hiện được những chương trình đem lại giá trị lớn cho người nghe, dù đôi khi hiểu như thế là mạo hiểm bởi thể loại nhạc này không dễ nghe và rất hay gặp phản ứng từ phía khán giả". Mạo hiểm với cách làm mới, nhưng hoàn toàn tự tin về khả năng sáng tạo độc lập của mình, mục tiêu của Đỗ Bảo là đưa âm nhạc truyền thống vào cuộc sống hiện đại một cách sống động chứ không phải là một cách hoài cổ. Tham vọng của nhạc sĩ trẻ này còn hơn thế. Anh cho biết bắt đầu từ cuối năm sau đến năm 2009, sẽ đưa Gió bình minh lưu diễn trong nước và quốc tế.
Bình luận (0)