Chương trình truyền hình trực tiếp có những tình huống phát sinh nằm ngoài dự kiến của đạo diễn nên sóng truyền hình trực tiếp khó có thể tránh được. Còn các chương trình truyền hình thực tế có đủ thời gian cho đạo diễn chương trình, nhà sản xuất làm công việc chuyên môn của mình, đặc biệt là biên tập của đài truyền hình có đủ thời gian để cân nhắc đưa hay không đưa những gì lên sóng truyền hình. Không thể cắt bỏ hoàn toàn những tiết mục dự thi chất lượng quá kém nhưng nếu chỉ giới thiệu lướt qua cho có, chương trình lên sóng sẽ chất lượng hơn nhiều.
Cắt xén là cần thiết
Việc để một thí sinh lên sân khấu muốn thể hiện những thế võ như mèo cào mà anh ta cho rằng tự sáng chế chỉ tạo cảm giác lê thê, nhàm chán và vô nghĩa, hay để một thí sinh thể hiện tài năng diễn kịch của mình bằng một màn diễn “dở hơi” khi đây là cuộc thi mang danh nghĩa tìm kiếm tài năng Việt thì không đáng làm. Tương tự, các màn khiêu vũ của người lớn tuổi dù rất tuyệt nhưng nó không phải là điều gì đó đáng ngạc nhiên trong việc tìm kiếm tài năng cả.
Không cần xì-căng-đan, chương trình truyền hình thực tế Bước nhảy hoàn vũ
vẫn có sức hút đặc biệt. Ảnh: LÝ VÕ PHÚ HƯNG
Nhà sản xuất của American’s Idol cho biết họ cũng phải biên tập lại chương trình của mình để thu hút khán giả. Những “trò mèo” quá lố, những tiết mục thi “quá ẹ” hay sự phản ứng thái quá của thí sinh khi bị đánh rớt luôn chỉ được điểm qua chưa đến nửa giây trong chương trình. Thời lượng phát sóng chủ yếu tập trung cho những tiết mục chất lượng hay những tài năng tiềm ẩn hứa hẹn làm nên chuyện trong những vòng thi sau.
Nếu không cắt bớt những thước phim có cảnh thí sinh gạ gẫm ban giám khảo hay thí sinh tán tỉnh, bắt cặp với người mẫu nam khách mời, chắc hẳn American’s next top model đã không đi được một chặng đường dài đến thế.
Thực tế cũng cần tròn trịa
Như vậy, dù chỉ là một game show (trò chơi truyền hình) hay reality show (chương trình truyền hình thực tế), sự can thiệp của nhà sản xuất là điều cần thiết trong khâu biên tập. Tất nhiên, “sự biên tập đó không làm mất đi tính chất của chương trình. Yếu tố thực tế luôn được tôn trọng tối đa và khâu biên tập chỉ có tác dụng làm chương trình thêm hoàn hảo mà thôi”- đại diện Công ty MCV (đơn vị sản xuất khá nhiều chương trình truyền hình thực tế được mua bản quyền từ nước ngoài) cho biết.
Đồng thuận với quan điểm này, ông Nguyễn Quang Minh (Tổng Giám đốc Công ty Cát Tiên Sa, cũng là nơi sản xuất nhiều chương trình truyền hình thực tế, nổi bật thời gian gần đây là Cặp đôi hoàn hảo và Bước nhảy hoàn vũ) nói: “Việc cắt, dựng trong một chương trình, kể cả chương trình truyền hình thực tế là điều cần thiết. Tuy nhiên, điều quan trọng là sự lựa chọn chất liệu của những người thực hiện có phù hợp với mục đích và ý nghĩa chương trình hay không”.
Đạo diễn Thu Huyền (đạo diễn chương trình truyền hình thực tế Lữ khách 24h) cho biết: “Khi thực hiện một chương trình truyền hình thực tế, chúng tôi thu gom tất cả những gì có được ở thực tế trong quá trình chương trình diễn ra. Đó được xem là chất liệu quý vì mọi thứ đều rất tự nhiên, sống động. Thế nhưng, cũng bởi tính chất tự nhiên mà chúng tôi cần dành thời gian để xem lại những gì cần và không cần thiết để đưa đến khán giả. Công việc của chúng tôi giống như việc nấu một món ăn, không phải món nào cũng sử dụng tất cả các loại gia vị chúng ta có”.
Dù những quy định về bản quyền có khắt khe cỡ nào thì khi trở thành một phiên bản của nước sở tại, nhà sản xuất chương trình vẫn có quyền biên tập cho phù hợp với văn hóa nước mình. Vietnam Idol, Vietnam’s next top model, Cặp đôi hoàn hảo, Bước nhảy hoàn vũ, Vietnam’s got talent… cũng không ngoại lệ. Bản quyền chương trình không áp đặt Từng sản xuất nhiều chương trình, trong đó có chương trình truyền hình thực tế, đại diện Công ty Đông Tây nhìn nhận: “Thường nơi cung cấp bản quyền chương trình không áp đặt một cách thái quá. Bởi lẽ, ở mỗi quốc gia đều có những quy định, luật lệ và quy chuẩn văn hóa khác nhau nên việc áp dụng một quy chuẩn chung nào đó có thể trở thành thảm họa. Chính vì vậy, nhà sản xuất ở nước mua lại bản quyền luôn được phép linh hoạt tùy theo quan điểm văn hóa của mình để chương trình đạt chất lượng (kể cả nội dung chương trình lẫn mục tiêu thu hút khán giả) cao nhất”.
Kỳ tới: Cảnh giác với chiêu trò
Bình luận (0)