Chuộng nhạc ngoại
Thí sinh Chi Giao (9 tuổi) chọn những ca khúc tiếng Anh để dự thi tại Vietnam’s Got Talent. Ảnh: Huyền Thương
Khi nổi lên hiện tượng có quá nhiều thí sinh thi hát trong cuộc thi Tìm kiếm tài năng - Vietnam’s Got Talent chọn ca khúc tiếng Anh để tranh tài mà ngại trình diễn ca khúc Việt và họ đã thể hiện rất thành công ca khúc tiếng Anh thì mọi người mới giật mình. Dư luận đặt vấn đề phải chăng giới trẻ ngày nay quay lưng với ca khúc Việt?
Thế mạnh của thí sinh
Cuộc thi Vietnam’s Got Talent lần đầu tiên diễn ra tại Việt Nam cho phép các thí sinh thể hiện giọng hát của mình với những ca khúc tiếng Anh, vì vậy, thí sinh có quyền chọn lựa theo thế mạnh của mình. Điều đáng quan tâm là thế mạnh của nhiều thí sinh tranh tài là những ca khúc tiếng Anh chứ không phải nhạc Việt. Nhất là khi quan điểm của giám khảo cuộc thi, qua lời phát biểu của nhạc sĩ Huy Tuấn: “Hát tốt ca khúc tiếng Anh cũng là một tài năng đáng được tán thưởng”. Từ đó, những ca khúc tiếng Anh đủ mọi thể loại từ nhạc cũ đến những ca khúc đang nổi đình đám trên thị trường âm nhạc, thậm chí những ca khúc vừa được vinh danh tại giải Grammy vừa qua (ca khúc của ca sĩ tài năng Adele), được trình diễn dày đặc trong cuộc thi này.
Trước đó, ở các cuộc thi K4Teen - mở ngày hứng khởi, Coca Cola Music Awards (thi online), Pepsi talent show … hay những cuộc thi mang tính nội bộ trong các trường đại học hoặc những cuộc thi tìm kiếm giọng ca triển vọng của các công ty đào tạo ca sĩ, ca khúc tiếng Anh luôn được các thí sinh ưu tiên lựa chọn. Điều đặc biệt là các bạn trẻ này thể hiện rất xuất sắc ca khúc tiếng Anh mà họ chọn lựa. Minh chứng rõ nét là cuộc thi Vươn tới ước mơ do ca sĩ Thanh Thảo tổ chức nhằm tìm kiếm giọng ca triển vọng, một thí sinh gây được sự chú ý với ban giám khảo bởi thể hiện giàu cảm xúc các ca khúc tiếng Anh, kể cả những ca khúc đình đám nhất với giới trẻ thế hệ trước, như: Love to be loved by you hay Nothing gonna change my love for you. Thế nhưng, khi ban giám khảo đề nghị thí sinh trẻ này thể hiện một ca khúc tiếng Việt, cậu ta liền lắc đầu bảo “em không thuộc bài nào. Để có thể hát được một ca khúc tiếng Việt có lẽ em phải dành nhiều thời gian nữa để tập luyện vì trước nay, em không nghe và hát nhạc Việt”.
Chịu ảnh hưởng từ thần tượng
Ở thời kỳ hội nhập với thế giới, sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông là điều kiện và cơ hội để giới trẻ tiếp cận với văn hóa các nước nói chung, âm nhạc nói riêng. Giới trẻ vẫn luôn là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất khi tiếp nhận cái mới, âm nhạc cũng không ngoại lệ. Nhớ một thời họ đã từng mê mẩn những ca khúc ngọt ngào của Backstreet Boys, rồi dần chuyển sang những cái tên “nóng” nhất, như Britney Spears, Christina Aguilera, Pink… và hiện tại là Lady Gaga, Katy Perry, Justin Bieber, Adele. Ở khu vực châu Á, sự sôi động và mạnh mẽ của làn sóng Hallyu đã kéo hàng triệu khán giả trẻ Việt ngả nghiêng theo những cái tên rất “nóng” của thị trường âm nhạc Hàn Quốc (K-pop), như: SuJu, DBSK, SNSD, Big Bang, Wonder Girls, ShiNee, 2NE1…
Không chỉ mê mẩn những tên tuổi này, trong giới trẻ Việt có không ít người thuộc lòng những bài hát mà thần tượng mình đã trình diễn. Trong buổi tọa đàm về Khán giả Việt và thần tượng ngoại do Báo Mực Tím tổ chức cách đây không lâu, các bạn trẻ (trong đó chủ yếu là người hâm mộ của nhóm nhạc teen SuJu (Super Junior) của Hàn Quốc và một phần người hâm mộ của ca sĩ teen David Archuleta) khẳng định họ yêu thần tượng của mình và có thể hát tất cả những ca khúc mà thần tượng của họ thể hiện. “Phần lớn bọn em không biết tiếng Hàn nhưng nghe nhiều lần nên vẫn có thể hát được. Dần dần rồi nghiện luôn. Một số bạn cũng đi học tiếng Hàn để nghe và hát những ca khúc của các anh SuJu”- một fan của SuJu chia sẻ như vậy.
Và khi tình yêu của họ dành cho thần tượng thì tâm hồn âm nhạc của họ cũng chỉ có những ca khúc thuộc về thần tượng của mình.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, điều không thể phủ nhận là nhạc ngoại luôn thể hiện tính xu hướng, có thể dễ lôi kéo giới trẻ yêu nhạc chuộng những gì thời thượng, trong khi thị trường nhạc Việt luôn ở tình trạng chưa hoàn thiện và còn trong tình thế chạy theo, học hỏi.
Kỳ tới: Khi ca khúc Việt xuống cấp
Bình luận (0)