xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gọi giấc mơ về - hạnh phúc bắt đầu từ gian khó

TIỂU QUYÊN

Lần đầu tiên, một bộ phim Việt Nam phát sóng trong chương trình phim Việt giờ vàng của HTV7 được nhiều khán giả đón xem, nhất là các khán giả trong độ tuổi học trò. Ngay từ những tập đầu, bộ phim Gọi giấc mơ về (dài 60 tập, đạo diễn Xuân Cường) đã giữ chân khán giả ngồi trước màn ảnh nhỏ

Thu hút từ nội dung phim

Bối cảnh phim lạ: Đó là cuộc sống của người dân trên một huyện đảo nhỏ, mà đặc biệt là chuyện sinh hoạt, học tập của học trò miền biển. Ngôi trường cấp 3 trên đảo thật nghèo chỉ vỏn vẹn có 3 lớp.

Mỗi em học sinh đều có một hoàn cảnh khác nhau. Tuyến nhân vật chính xuyên suốt bộ phim là 4 nhân vật: Phi Phụng, Quân, Vy, Minh. Bên cạnh đó có rất nhiều nhân vật khác đã khắc họa nên muôn mặt của cuộc sống trên một huyện đảo nghèo. Gần như đạo diễn đã cố gắng không bỏ sót một số phận, một hình ảnh nào của một xã hội thu nhỏ.

Ở đó, có hình ảnh của những người thầy, người cô yêu thương và bao dung, luôn quan tâm đến cuộc sống và suy nghĩ của từng học trò; có một người mẹ vì kiếm tiền nuôi con phải chấp nhận cảnh làm vợ bé, mang bao điều tiếng xấu; ở đó, có những con người bị ám ảnh bởi dông bão của biển khơi mà không dám đặt chân lên mép nước; có những người chỉ biết đến danh lợi mà không màng đến tương lai của lớp trẻ sau này; và ở đó cũng có những giọt nước mắt chịu đựng, kìm nén cho một tình yêu không thể nào trọn vẹn...

Cuộc sống được khắc họa trên phim tự nhiên như chính dòng chảy của nó. Mỗi ngày đi qua, có khi chỉ là những nỗi lo hiện trên đôi mắt người thầy, là sự trăn trở, lựa chọn giữa việc mưu sinh hay khoác chiếc áo trắng đến trường của những học sinh nghèo.

Người xem cứ dõi theo cuộc đời của những nhân vật, tuần tự mỗi ngày nhưng lại không cảm thấy nhàm chán, bởi chính khán giả như bị cuốn vào cái dòng chảy ấy. Hình ảnh thầy hiệu trưởng mỗi sáng đứng trước cổng trường đón từng em học sinh vào lớp; hay những bước chân lặng lẽ của thầy bước qua hành lang lớp học, chỉ để xem em nào hôm nay nghỉ học khiến người xem cảm thấy xót xa.

Để một ngôi trường huyện đảo được tồn tại và để lôi kéo học trò nghèo đến trường không phải là một điều dễ dàng chút nào.

Phim không chỉ là cuộc sống trên đảo, mà 60 tập phim là cả một hành trình dài của các nhân vật chính. Từ những đứa học trò còn hồn nhiên, nghịch ngợm, các nhân vật sẽ lớn dần lên, chín chắn hơn và sẽ trở thành những người làm nên sự thay đổi của huyện đảo nghèo này.

Đó chính là sự dẫn dắt khéo léo của đạo diễn để thu hút được khán giả. Bởi nếu chỉ có những trò nghịch ngợm của tuổi học trò không thôi, phim sẽ không có sức lôi cuốn nhiều đến thế. Chính những nỗi trăn trở của một thế hệ trẻ dành cho quê hương, những mất mát và những tan vỡ trong cuộc sống của các nhân vật làm chạnh lòng người xem.

Không có hạnh phúc nào không bắt đầu từ những gian khó ban đầu. Ở đâu có ý chí và khát vọng của những người trẻ, thì ở đó luôn có những con đường đến thành công. Đó cũng là bức thông điệp mà đạo diễn muốn gởi đến khán giả qua bộ phim này.

Kịch bản tốt + diễn viên giỏi = Phim hay

Bộ phim được quay ròng rã suốt 6 tháng ở biển Long Hải. Theo đạo diễn Xuân Cường, thành công của bộ phim một phần là nhờ vào kịch bản khá tốt của Lasta. Bên cạnh đó chính là sự nỗ lực của dàn diễn viên trẻ, nhất là Minh Hằng và Huỳnh Đông.

Phi Phụng là một vai diễn khá đặc biệt của Minh Hằng. So với các vai trước đó (như Băng Châu trong phim Mộng phù du, Như trong Ngã rẽ cuộc đời), có thể nói Phụng là vai diễn hoàn hảo nhất của Minh Hằng.

Mặc dù phải tăng cân để thể hiện vai này, nhưng chính gương mặt tròn bầu bĩnh đã khiến cho nhân vật Phụng càng thêm đáng yêu. Khán giả gần như quên mất một Minh Hằng chững chạc trong các phim trước, mà chỉ nhớ đến một cô bé con tốt bụng, hồn nhiên và dễ thương như một thiên thần.

img

Song hành với nhân vật Phụng là cậu học trò bướng bỉnh tên Quân. Sống trong cảnh gia đình không mấy hạnh phúc, cha và anh rể là người nát rượu, Quân phải làm thêm nghề cứu hộ trên biển để kiếm sống.

Gương mặt đầy lo toan nhưng vẫn mang nét hồn nhiên của tuổi học trò của nhân vật Quân đã được diễn viên Huỳnh Đông thể hiện khá trọn vẹn. Trong bộ phim Sóng gió cuộc đời của đạo diễn Châu Huế đã phát sóng trước đó, Huỳnh Đông cũng tham gia một vai diễn nhỏ trong 10 tập đầu của phim nhưng vẫn chưa có nhiều đất diễn. Với vai chính đầu tiên này, Huỳnh Đông đã tạo được một dấu ấn khá tốt đối với khán giả.

Trong phim Gọi giấc mơ về, các diễn viên đã thể hiện rất tốt các vai diễn của mình. Đạo diễn Xuân Cường đã khá thành công khi chọn diễn viên cho các nhân vật trong phim. Diễn viên Công Ninh vào vai thầy hiệu trưởng Cường lúc nào cũng trĩu nặng tâm tư khi nhìn thấy học trò của mình dần dần bỏ học để kiếm sống.

Nét mặt cương nghị nhưng đầy thương yêu của thầy Cường khiến cho người xem cảm nhận được gánh nặng trách nhiệm đè nặng lên vai người thầy. Ngân Khánh đã thể hiện khá trọn vẹn vai một cô bé tuổi mới lớn nhiều ước mơ nhưng lại chịu nhiều bất hạnh trong đời...

Vẫn chưa đi hết được một phần ba độ dài, nhưng có thể nói phim Gọi giấc mơ về là bộ phim đáng xem nhất của Lasta. Cảnh quay đẹp, diễn viên diễn xuất tốt kết hợp với bài hát trong phim khá dễ thương là những yếu tố đã làm nên thành công của bộ phim này.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo