Cuộc triển lãm gốm Biên Hòa mang cái tên đầy triết lý “Đất nghĩ” đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM từ ngày 24-9 đến hết 2-10, với bộ sưu tập hàng trăm tác phẩm của 14 tác giả đến từ TP Biên Hòa - địa danh nổi tiếng về gốm. Từ cuộc triển lãm tập hợp những nghệ sĩ hàng đầu của loại hình này gợi lên câu hỏi về bản sắc văn hóa và tương lai của gốm Việt.
Xúc động “Đất nghĩ”
Triển lãm “Đất nghĩ” hội tụ và trưng bày nhiều tác phẩm của họa sĩ Đinh Công Lai, Đinh Công Việt, Hồ Thị Thu Cúc, Nguyễn Quang Hoàng, Nguyễn Quốc Chánh, Nguyễn Trọng Lộc, Nguyễn Trọng Tuấn, Nguyễn Trung Thường, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Văn Trung, Phạm Công Hoàng, Tô Văn Thăng, Trần Minh Công và Trần Ngọc Thảo. Các tác phẩm trưng bày khá đa dạng theo phong cách cá nhân của 14 tác giả đã được khẳng định. Các nghệ sĩ nặn đất với nhiều cách thức truyền đạt tư tưởng khác nhau nhưng cho dù là chủ đề sống, chết, hủy diệt, sinh sôi hay sáng tạo…, điều quan trọng là nó khiến người xem xúc động.
Không sử dụng các bệ đỡ tác phẩm, toàn bộ sưu tập gốm được trưng bày trên những chiếc chiếu cói giản dị trải trên nền đất giống như trong xưởng hay ngoài chợ. Điều này khiến tính liên kết của các tác phẩm cao hơn, chứ không chỉ tôn vinh từng nghệ sĩ. Nó cũng thể hiện sự khiêm tốn và đồng thời gợi lên mối liên quan mật thiết đến gốc dân tộc của loại hình gốm.
Các nghệ sĩ đều đang cố gắng khẳng định sức sống của gốm Biên Hòa. Họa sĩ Đinh Công Lai với “Hũ dây lá rồng” và Nguyễn Văn Cường mang đến “Cá” - là những tác phẩm được bạn nghề đánh giá đạt tầm kinh điển cho phong cách gốm Biên Hòa. Họa sĩ Nguyễn Trung Thường cống hiến những chi tiết bất ngờ trên nền kinh điển với “Bọ dừa”. Họa sĩ Đinh Công Việt Khôi có “Kết nối”, Tô Văn Thăng bí ẩn với “Vòng xoáy”, Phạm Công Hoàng hiện đại trong “Quấn quýt”, Trần Minh Công thời sự cùng “Cá ngáp”… đều tạo đột phá bằng cách tạo dáng mới mẻ. Họa sĩ Nguyễn Văn Trung đẩy lệch tỉ lệ hình thể để làm nổi bật và ấn tượng sâu sắc các khía cạnh cảm xúc trong “Chiều trên núi”. Nguyễn Trọng Lộc trong tác phẩm “Ăn năn” và Nguyễn Quốc Chánh với “Khuôn mẫu” đã sử dụng sự tinh tế, tỉ mỉ như một công cụ đắc lực gợi lên những hình dung chân thực về sự bất thường giữa cái bình thường của sự sống. Tranh gốm của Nguyễn Quang Hoàng dùng màu men và kỹ thuật khắc để mang đến tính truyện rõ nét trong nghệ thuật đương đại.
Tìm hướng đi
Xem hàng trăm tác phẩm tinh tế, đặc sắc được trưng bày trong một phối cảnh tổng thể ăn ý ở triển lãm “Đất nghĩ”, có thể nhận thấy sợi chỉ xuyên suốt giữa những tác phẩm khác nhau này chính là tính đa dạng văn hóa, được tích lũy từ một lịch sử trải dài của phố thị, những đợt di dân, những trải nghiệm và học hỏi, giao thoa văn hóa từ nhiều vùng đất. Cũng chính thế mạnh đó luôn nhắc nhở các họa sĩ phải trăn trở hơn để giữ gìn bản sắc của gốm Việt khi hướng về tương lai.
Chủ đề cho cuộc thảo luận về gốm sáng 24-9 trong khuôn khổ triển lãm cũng được đặt ra: Gốm Việt sẽ đi về đâu? Làm thế nào để giữ được truyền thống mà vẫn đổi mới? Ngoài Bắc có làng gốm Bát Tràng, Phù Lãng nổi tiếng; phía Nam có gốm Biên Hòa.
Giám tuyển Nguyễn Võ Thu Hương, đang giảng dạy tại Khoa Văn hóa và ngôn ngữ Á châu - Đại học California, cho rằng tính cách nổi bật của gốm Biên Hòa là kết hợp các hoa văn Trung Quốc, Chăm, Khmer, Việt và châu Âu. “Nghề gốm Biên Hòa là mô hình để nhận thức rõ rệt nhất về mỹ nghệ truyền thống mang tính bản sắc, đáng gìn giữ và lưu truyền. Chính yếu tố pha trộn nhiều văn hóa khác nhau dẫn đến không dễ để khẳng định cái gì thật sự là bản sắc của gốm Biên Hòa” - nghệ sĩ Nguyễn Võ Thu Hương nói.
“Tác phẩm gốm đương nhiên vẫn sử dụng chất liệu chính là đất sét và men nhưng Biên Hòa có đặc thù là thành phần tro. Thật xúc động vì các nghệ sĩ đã thành lập một tổ hợp thực sự và cùng suy nghĩ về tương lai của ngành gốm Việt Nam” - giám tuyển Frédéric Dialynas Sanché sống và làm việc tại Paris (Pháp) và TP HCM khẳng định.
“Gốm Việt giữ được bản sắc dân tộc rất tốt tại hai làng gốm Bát Tràng và Phù Lãng ở phía Bắc, với tính ứng dụng và hiệu quả thương mại cao nhưng chủ yếu là những sản phẩm truyền thống, yếu tố đổi mới chưa nhiều. Gốm Biên Hòa giữ được truyền thống nhưng các nghệ sĩ chú trọng nhiều hơn vào ngôn ngữ mới, tăng tính tương tác và mức độ tư duy cho người thưởng thức” - họa sĩ Nguyễn Quốc Chánh nói. Ông cho rằng đổi mới là hướng đi cần thiết cho hành trình gốm Việt.
Để giữ được truyền thống mà vẫn đổi mới, nghệ sĩ Nguyễn Quốc Chánh cho biết ông cố gắng dung hòa, đưa 2 ngôn ngữ lại gần với nhau nhất. Nguyễn Quốc Chánh lấy những mẫu gốm truyền thống như hoa sen, mặt người… làm cốt lõi để tạo nên những điêu khắc hiện đại, mới mẻ, chưa từng có trong truyền thống.
Gốm Việt với vai trò là sản phẩm mỹ nghệ truyền thống tinh tế nhưng cũng là những tác phẩm mỹ thuật giá trị, phù hợp với nhu cầu và sự quan tâm của thời đại, cũng đã chu du nhiều nơi và khẳng định được sức sống mạnh mẽ. Nhưng dù sao khi ngắm các tác phẩm gốm Việt, nhiều người cũng tỏ ra băn khoăn về tính thương mại phổ biến của nó.
Theo họa sĩ Nguyễn Trọng Lộc, các tác phẩm gốm Việt đương đại có thể cũng kén người mua nhưng ông tự tin khẳng định rất nhiều người đã “đọc” ra được ý nghĩa của các trạng thái: sự sống, cái chết và người đương thời trong tác phẩm của ông. Thông điệp nghệ sĩ đưa ra là thiên nhiên và con người phải hòa nhập với nhau, với tổng thể xung quanh, chung sống hòa bình.
Bình luận (0)