Đại thi hào Nguyễn Du, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, nhà sử học Lê Văn Hưu, nhà bác học Lê Quý Đôn, chí sĩ Phan Châu Trinh, nữ sĩ Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm... được bố trí dọc theo “Con đường danh nhân” dẫn ra hồ Đá của trường. ĐHQG TP HCM cũng đang làm tượng đài vua Quang Trung đặt tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh sinh viên. Công trình này dự kiến hoàn thành vào quý I/2016.
Hiện nay, vườn tượng ở các khu du lịch và tôn giáo được hình thành khá nhiều. Tuy nhiên, vườn tượng phục vụ cho đối tượng sinh viên rất ít. Vườn tượng danh nhân tại khuôn viên ĐHQG TP HCM là ý tưởng nhiều tâm huyết của những cán bộ trong Ban Quản lý dự án ĐHQG TP HCM. “Vườn tượng danh nhân gồm những nhà khoa học, nhà yêu nước, nhà thơ. Ngoài việc giúp sinh viên thư giãn, vườn tượng còn nhắc các em nhớ đến những người có công với đất nước” - PGS-TS Lê Văn Nam, Giám đốc Ban Quản lý dự án của ĐHQG TP HCM, cho biết mục đích của công trình này.
Theo quy hoạch ban đầu, khu vực hồ Đá không có không gian dành cho điêu khắc. Sau đó, Trung tâm Quản lý và Phát triển khu đô thị ĐHQG TP HCM đã cho dọn dẹp khu vực này sạch sẽ, tạo cảnh quan đẹp rồi lên kế hoạch mời các điêu khắc gia (ĐKG) tạc 10 bức tượng danh nhân đặt ở đây. Trong đó, nữ ĐKG Trần Thị Diệu Phượng đã được chọn.
Để xây dựng khu vườn tượng này, ĐHQG TP HCM phải chắt chiu nguồn kinh phí từ ngân sách vì trong nguồn kinh phí nhà nước phân bổ không có khoản dành cho tượng. Vì thế, 10 bức tượng được làm theo từng năm, cứ mỗi năm hoàn thành 2 tượng. Hiện tại, các bức tượng chỉ mới là phác thảo composit.
“Công trình này thực hiện từ năm 2011, tôi tự bỏ kinh phí ra làm. Cuối năm, ĐHQG TP HCM quyết toán ngân sách thì mới trả lại cho tôi. Để làm được những bức tượng này, các thầy phải yêu thích và tâm huyết mới thực hiện được” - ĐKG Trần Thị Diệu Phượng cho biết.
Theo ĐKG Diệu Phượng, 10 tượng danh nhân chị làm theo phong cách cổ điển. Những bức tượng được tạc nhẹ nhàng, hiền hòa. Sự dung dị được truyền tải qua nếp áo, nét mặt; tay chân đều đơn giản, không có những hình khối gắt, nhìn những bức tượng hình ô van gợi lên cảm giác êm ả. Đó là quan điểm xuyên suốt trong các tác phẩm tượng danh nhân ở đây.
Nghe nói về khu vườn tượng danh nhân ở ĐHQG TP HCM, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Xưa và Nay, ông Nguyễn Hạnh, tìm đến để tận mắt tìm hiểu ý tưởng hay này. Tuy nhiên, với quan điểm của nhà nghiên cứu sử học, ông Hạnh cho rằng không gian văn hóa của khu vườn tượng chưa đạt. Cụ thể, tượng sắp đặt chưa theo trình tự khoa học, niên đại. Việc chọn tượng danh nhân cũng chưa có tiêu chí nào. Đi vào chi tiết thì trang phục của các bức tượng quá đơn giản, chưa toát lên nét đặc trưng trang phục của quan văn, quan võ trong mỗi thời kỳ lịch sử.
“Tôi đánh giá cao tâm huyết của chủ đầu tư và ĐKG nhưng cần khắc phục những hạn chế này và cũng nên lấy ý kiến những nhà chuyên môn để đề ra những tiêu chí chọn lựa các danh nhân. Bởi lẽ, một con đường mà đặt lộn xộn các danh nhân như vậy là chưa ổn” - ông Nguyễn Hạnh nhận xét.
Về ngôn ngữ điêu khắc, theo thạc sĩ Nguyễn Đỗ Đông, Khoa Kiến trúc - Mỹ thuật Trường ĐH Hutech, những bức tượng danh nhân ở ĐHQG TP HCM không “ăn nhập” với không gian. Không gian ngoài trời nhiều ánh sáng thì tượng nên cách điệu để phù hợp với ngôn ngữ điêu khắc hiện đại: chắc khỏe và chỉ nên gợi khối. Còn tượng đặc tả thì chỉ phù hợp với không gian đình chùa, lăng tẩm.
“Tượng điêu khắc không chỉ có mô phỏng cho giống, cần có chiều sâu về không gian và thời gian vì tượng đài là để nhiều năm. Do đó, tượng cần thể hiện được ngôn ngữ nghệ thuật của thời điểm hiện tại, để thời đại sau nhìn vào sẽ hiểu được ngôn ngữ điêu khắc của giai đoạn này. Thêm vào đó, những bức tượng này chưa phù hợp với các khối nhà đã có sẵn” - thạc sĩ Đông nêu ý kiến.
Theo ĐKG Khổng Đỗ Tuyền, giảng viên Khoa Điêu khắc Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, một tác phẩm điêu khắc đặt ngoài trời cần có 3 yếu tố: không gian, kiến trúc xung quanh, không gian văn hóa và môi trường sống. Trong đó, yếu tố không gian quan trọng nhất, nó sẽ quyết định về kích thước, hình thức, ngôn ngữ và màu sắc của tượng.
Nhận xét về những bức tượng danh nhân ở ĐHQG TP HCM, ông Tuyền cho rằng tượng và không gian không có sự liên quan đến nhau. “Có thể nói, Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đều có tình trạng giống nhau là các tượng ngoài trời với mục đích chủ yếu là tượng để thờ, kỷ niệm hay tôn vinh một cá nhân nào đó. Có rất ít tượng mang tính không gian, tính nghệ thuật theo đúng nghĩa của nó”.
Tới đây, ĐHQG TP HCM sẽ tổ chức một hội thảo, mời những kiến trúc sư để lấy ý kiến về việc bố trí 10 bức tượng danh nhân văn hóa.
Bình luận (0)