Lễ trao giải Grammy lần thứ 59 đã kết thúc vào ngày 13-2 (giờ Việt Nam) tại sân khấu Staples Center (Los Angeles - Mỹ). Họa mi nước Anh Adele trở thành nhân vật nổi bật nhất tại giải Grammy lần này với 5 lần được xướng tên trong các hạng mục: Ca khúc của năm, Bản ghi âm của năm, Trình diễn nhạc pop xuất sắc nhất với ca khúc “Hello”, Album nhạc pop xuất sắc nhất và Album của năm dành cho “25”.
Nể phục nhau
Giải Grammy 59 được xem là cuộc chiến của Beyoncé và Adele. Dù Beyoncé có đến 9 đề cử còn Adele chỉ 5 đề cử nhưng cả hai đều cạnh tranh nhau trong 5 hạng mục quan trọng nhất. Nhưng rồi, những gì diễn ra tại lễ trao giải cho thấy ở 3 hạng mục quan trọng nhất của giải thưởng Grammy lần thứ 59 - gồm: Ghi âm của năm, Ca khúc của năm và Album của năm, họa mi nước Anh đều vượt qua “Queen Bee” (biệt danh của ngôi sao Beyoncé) và các đối thủ để giành chiến thắng.
Chiến thắng của Adele đồng nghĩa với thất bại của giọng ca da màu xuất sắc Beyoncé với sản phẩm “Lemonade” đình đám. Khi “Lemonade” ra mắt vào tháng 4-2016, cái tên Beyoncé cùng với sản phẩm âm nhạc này của cô chiếm lĩnh các phương tiện truyền thông.
“Lemonade” được phát triển dưới khái niệm “album trực quan” (visual album) thứ hai của Beyoncé sau album năm 2013 mang chính tên cô. Album là tập hợp của nhiều thể loại âm nhạc, với sự tham gia của James Blake, Kendrick Lamar, The Weeknd và Jack White. “Lemonade” được giới chuyên môn và cả khán giả đón nhận như một bản thu âm táo bạo và tinh xảo nhất của Beyoncé từ trước đến nay; một bản tuyên ngôn nghệ thuật mới của Beyoncé đề cập các vấn đề chính trị, chủng tộc và nữ quyền.
Ở tuổi 34, Beyoncé đã đạt tới độ chín của một phụ nữ trưởng thành. Cô đang nâng tầm vóc của mình, ngôi sao giải trí hàng đầu, bằng những sản phẩm nghệ thuật có quan điểm và tư tưởng rõ ràng, mạnh mẽ với các vấn đề của xã hội.
Trước giờ diễn ra lễ trao giải Grammy lần thứ 59, mọi dự đoán có phần nghiêng về “Hello” của Adele bởi độ phổ biến của nó hơn hẳn “Lemonade” và thông điệp của hai sản phẩm cũng đi theo hai hướng khác nhau. Khi lễ trao giải Grammy mở màn bằng “Hello” do Adele thể hiện cùng màn đọc rap chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump của MC James Corden, mọi người - kể cả Adele và Beyoncé - đều thừa hiểu ban tổ chức Grammy dành phần thắng cho ai.
Không có người thắng, kẻ thua giữa Beyoncé và Adele khi cả hai đều là những tài năng kiệt xuất của thị trường âm nhạc thế giới. Một với biệt danh “giọng ca quyến rũ nhất hành tinh”, một là “giọng ca họa mi khó cưỡng”, cả Beyoncé lẫn Adele đều nhận được sự kính nể của người trong giới và sự yêu mến của công chúng. Quan trọng hơn, họ dành cho nhau sự nể phục bởi tài năng và sự sáng tạo vô điều kiện trong âm nhạc.
Trên sân khấu trao giải, Adele dành cho Beyoncé lời khen ngợi chân thành sau khi tự cho rằng “Lemonade” của Beyoncé mới thật sự xứng đáng. “Tôi tự hào khi có mặt trong cùng bảng đề cử giải thưởng Grammy với Beyoncé. Âm nhạc của chị mang thông điệp đẹp, chị là người phụ nữ tuyệt vời. Tôi sẽ không bao giờ quên sức mạnh mà chị đã cho tôi. Giấc mơ và thần tượng của tôi chính là Beyoncé. Tôi ngưỡng mộ chị. Không ngày nào tôi ngừng cảm thấy lay động bởi âm nhạc của chị” - Adele bày tỏ.
Adele còn bẻ phần loa của tượng kèn vàng cầm trên tay đưa lên như để chia sẻ với Beyoncé về thành quả của mình khiến “Queen Bee” cảm động rơi nước mắt.
Tôn vinh thành tựu âm nhạc
Dường như lễ trao giải Grammy 59 được xây dựng từ câu nói nổi tiếng của danh ca Stevie Wonder: “Âm nhạc căn bản là cơ sở để tạo ra ký ức”. Những sắc màu âm nhạc quen thuộc, những giai điệu disco của thập niên 1980, những điệu funky vui vẻ, những bài hát cổ điển trên bảng vàng Grammy được tái dựng một cách tinh tế trên sân khấu lễ trao giải đã mang đến cho công chúng nhiều cảm xúc khó tả.
Adele gặp sự cố trong lúc thể hiện ca khúc “Fastlove” để tri ân danh ca George Michael. Họa mi nước Anh quyết định hát lại nhằm tránh sự cố đáng tiếc như ở Grammy lần thứ 58. Không ai phàn nàn về sự cố của Adele trên sân khấu bởi những lời ca mà cô dành tặng George Michael vô cùng cảm động. Adele và nhiều người có mặt đã rơi lệ khi “Fastlove” kết thúc.
George Michael không phải là nghệ sĩ duy nhất được tri ân trong lễ trao giải Grammy 59. Bruno Mars hóa trang thành Prince, trình bày liên khúc “Let’s Go Crazy”, “Jungle Love” và “The Bird” để tưởng nhớ huyền thoại quá cố này. Báo chí phương Tây dành không ít lời khen có cánh cho Bruno Mars, rằng đó là “một sự hóa thân hoàn hảo, vừa vặn, đủ để tôn vinh thành tựu và âm nhạc của Prince” - tờ Hollywood Reporter viết.
Phần tôn vinh Bee Gees của Demi Lovato, Tori Kelly, Little Big Town và Andra Day với ca khúc “Stayin’ Alive”, khán giả rất phấn khích khi được trở lại thập niên 1970 qua những phong cách âm nhạc disco quen thuộc.
Trong khi đó, khán phòng gần như lắng đọng hoàn toàn lúc John Legend và Cynthia Erivo cất lên giai điệu của “God Only Knows”, để cùng khán giả tưởng nhớ những giọng ca tài năng đã ra đi mãi mãi trong năm qua. Lady Gaga và nhóm Metallica kết hợp trình diễn để mang ca khúc “Moth to Flame” tràn đầy cảm xúc đến khán thính giả. Dù micro của James Hetfield quên bật lên khiến anh giận dữ đạp chân mic và quăng đàn sau khi ca khúc kết thúc nhưng tổng thể, tiết mục biểu diễn của họ rất tuyệt vời.
Định hướng thị trường âm nhạc
Phần âm nhạc được ban tổ chức lựa chọn biểu diễn trong lễ trao giải Grammy 59 rõ ràng là định hướng cho thị trường âm nhạc thế giới. Làng nhạc thế giới đang rơi vào “điểm mù” với những sản phẩm âm nhạc kém giá trị và vô nghĩa. Đó là lý do Grammy luôn có chủ đích định hướng thị trường âm nhạc thế giới thông qua âm nhạc của lễ trao giải.
“Những sáng tạo mới mẻ hay lỗi thời không phải là từ khóa khi chúng ta có thể tạo nên nhiều giai điệu mới tuyệt vời trên nền tảng cũ, như cách mà Ed Sheeran mang đến sân khấu Grammy. Thế nhưng, thông điệp của chúng ta cần rõ ràng và có chính kiến. Hãy mang đến những gì là của mình, gần gũi nhưng đẳng cấp. Đó là điều chúng ta cần làm trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của mình” - nhà giáo dục âm nhạc Keith Hancok kêu gọi.
Những giải quan trọng khác
Nghệ sĩ mới xuất sắc: Chance the Rapper.
Trình diễn pop nhóm hoặc song ca xuất sắc: “Stressed Out” của Twenty one pilots.
Album nhạc dance/điện tử xuất sắc: “Skin” của Flume.
Album nhạc rock xuất sắc: “Tell Me I’m Pretty” của Cage The Elephant.
Album nhạc R&B xuất sắc “Lalah Hathaway Live” của Lalah Hathaway.
Album nhạc rap xuất sắc: “Coloring Book”của Chance the Rapper.
Chính trị hóa sự kiện
Việc tận dụng sự kiện chính trị nổi bật làm dấu ấn cho một sự kiện giải trí không có gì lạ. Grammy cũng không bỏ qua cơ hội này để thu hút công chúng. Bên cạnh sắc màu âm nhạc quen thuộc, một mảng âm nhạc khác được khắc họa trong lễ trao giải Grammy 59 là những bài hát chứa đựng các thông điệp chính trị.
Katy Perry cực kỳ ấn tượng với ca khúc “Chained to the Rhythm”. Với hình ảnh Tòa án Tối cao Mỹ phía sau, ban tổ chức muốn gửi đến thông điệp phản đối dành cho Tổng thống Donald Trump.
Vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ còn bị gọi là “Tổng thống Mật vụ Da cam” qua phần trình diễn của nhóm nghệ sĩ: A Tribe Called Quest, Busta Rhymes và Anderson.Paak khi họ trình bày liên khúc: “Movin Backwards”, “We the People” và “Award Tour”.
Cụm từ “Tổng thống Mật vụ Da cam” (President Agent Orange) cũng gây náo nhiệt trên Twitter. “Cảm ơn Tổng thống Mật vụ Da cam vì những điều độc ác đang lan tỏa trong lòng nước Mỹ”. “Cảm ơn Tổng thống Mật vụ Da cam vì những nỗ lực bất thành với lệnh cấm người theo đạo Hồi” là những lời chỉ trích đang lan tỏa kèm với hình ảnh người Hồi giáo xuất hiện trên sân khấu Grammy.
Lý giải về sự xuất hiện trào lưu tẩy chay Tổng thống Donald Trump trong nhiều sự kiện giải trí mới đây và bây giờ là Grammy, phát biểu trên BBC, ngôi sao nhạc soul John Legend cho biết: “Không ngạc nhiên khi chúng ta chứng kiến điều này. Những người sáng tạo thường có xu hướng phản đối niềm tin mù quáng và lòng căm phẫn. Có vẻ như ông ấy (Donald Trump) không có được sự đồng hành của nhiều người làm công việc sáng tạo”.
Bình luận (0)