Giáo sư - nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo sinh năm 1918 tại Đồng Tháp. Ông vừa là giáo sư giảng dạy âm nhạc truyền thống vừa là nhạc sĩ trình tấu kiêm cả nghệ nhân đóng đàn. Ông cũng là người cải tiến đàn tranh từ 16 dây thành đàn tranh 17, 19 và 21 dây với kích thước và âm vực rộng hơn. Ông có công rất lớn trong việc truyền những kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy bộ môn đàn tranh cho nhiều thế hệ học trò.
Giáo sư - nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo biết chơi đờn kìm, đờn cò từ năm 7 tuổi; lên 10 tuổi, ông đã biết chơi rất nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Từ năm 1955 đến 1964, ông dạy môn đàn tranh và cũng là trưởng ban nhạc cổ miền Nam tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc viện TP HCM). Ngoài ra, ông đã đi diễn thuyết giới thiệu và trình tấu âm nhạc dân tộc Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới…
“Tôi biết ơn những tình cảm của công chúng, các thế hệ học trò dành cho mình. Ở tuổi 97, tôi muốn cống hiến nhiều hơn nhưng sức khỏe ngày một kém. Hiện nay, tôi vẫn tham gia dạy đàn tranh cho các sinh viên nghiên cứu về âm nhạc dân tộc thông qua internet. Đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, tôi vô cùng xúc động. Phần thưởng này là động lực để tôi tiếp tục truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cho học trò” - giáo sư - nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo xúc động nói.
Bình luận (0)