Với tư cách giáo sư Trung tâm Nghiên cứu Âm nhạc dân tộc (CNRS) - Pháp được Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Việt Nam mời về tham dự hội thảo khoa học quốc tế về hát Chầu Văn tại TP Nam Định ngày 6-1, GS Trần Quang Hải có bài tham luận dài. Bài tham luận mang chủ đề: “Làm thế nào để bảo vệ và phát huy tín ngưỡng thờ Mẫu trong xã hội đương đại? Mội vài nhận xét về giai điệu căn bản và các mẫu nhịp điệu”.
Trong đó, ông có đề cập đến việc hai nghệ sĩ ngôi sao là Hoài Linh và Xuân Hinh không ít lần thực hiện hát Chầu Văn, được đông đảo khán giả ủng hộ. Tuy nhiên, bên cạnh việc khen ngợi hai nghệ sĩ yêu mến nghệ thuật cổ truyền của dân tộc, muốn phát triển và nhân rộng chúng nên dùng danh tiếng của mình thu hút công chúng quan tâm, GS Quang Hải cũng lên tiếng cảnh báo.
Ông cho rằng: "Việc thúc đẩy tín ngưỡng thờ Mẫu trong xã hội đương đại cần sự hỗ trợ của một vài nghệ sĩ nổi tiếng như: Xuân Hinh, Hoài Linh, những người đóng vai trò cung văn. Họ thu hút khán giả tiếp cận nghệ thuật truyền thống này. Tuy nhiên, cũng phải cảnh báo rằng, các buổi biểu diễn chầu văn trên sân khấu lớn có thể gây hại đối với sự phát triển của hầu đồng truyền thống và làm mất tính chân thực của nó.
Sự hội nhập và phát triển của Chầu Văn 25 năm nay cho thấy sự khuếch trương bộ môn này từ những đền, đình, chùa, miếu, lên sân khấu với những đội múa hoành tráng làm giảm đi phần tâm linh gốc của hầu bóng...”.
Theo đó, GS Trần Quang Hải đã từng xem và ghi nhận, các nghệ sĩ hài trên đứng vai trò cung văn có cách hát, ứng tác nhanh chóng nhưng trang phục diêm dúa, vũ đoàn đông đảo, bao kín sân chầu khiến ông liên tưởng đến một màn nhạc kịch, làm mất đi không gian đúng chất của hát Chầu Văn và nghi lễ Chầu Văn của người Việt. “Sự biến tướng này nên dừng lại, trả lại hát Chầu Văn tính chất nghiêm túc của nó” – GS Trần Quang Hải nhấn mạnh.
Thông qua việc thực hành và tín ngưỡng thờ Mẫu (Thánh Mẫu), Việt Nam có thể được coi như là một đất nước bảo vệ và phát huy tính dân chủ ngay ở cấp xã. Phong tục thờ Mẫu này là tín ngưỡng lâu đời nhất ở Việt Nam thậm chí trước cả khi Trung Quốc xâm lược Việt Nam. Các nhà khoa học, các học giả chứng nhận rằng xã hội truyền thống của Việt Nam khác biệt so với Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á khác. Sự tôn thờ thánh Mẫu gần đây phát triển rộng rãi ở Việt Nam và cả ở hải ngoại dù trong giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1987 từng bị bác bỏ do bị coi là mê tín dị đoan.
Những năm gần đây, loại hình nghệ thuật hát Chầu văn được quan tâm, bảo tồn và phát triển trở lại. Hiện Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đang trình UNESCO công nhận nghệ thuật Chầu Văn là Di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, sự phát triển của đời sống xã hội đã làm mai một những giá trị nghệ thuật đích thực của Chầu Văn cổ, trong khi các nghệ nhân hát Chầu Văn không còn nhiều và hầu hết đều đã tuổi cao, sức yếu.
Lên đồng là một nghi lễ của đạo mẫu, vì vậy lên đồng không tách rời đạo mẫu. Lên đồng là môi trường để con người có thể nhập vào thần linh.
4 làn điệu cột trụ của hát văn
Hát văn có 13 làn điệu: Bỉ, Mưỡu, Thổng, Phú bình, Phú chênh, Phú rầu, Đưa thơ, Vẫn, Đọc, Cờn, Hãm, Đồn, Xá. Nhưng chỉ có 4 làn điệu chính được coi là cột trụ của hát văn: Phú, cờn, xá, và dọc. Và một số cung văn thời nay chỉ hát được vài điệu đã có thể kiếm tiền rất nhiều khi tham gia các buổi hát Chầu Văn có "đại gia" tham dự, biến nghi thức tôn nghiêm này thành nơi “mua thần, bán thánh”.
“Điều này khó thể chấp nhận nếu cứ để sự biến tướng này phát triển, nó lạm dụng cho vài cá nhân làm giàu lên từ sân chầu, đồng thời khiến cho nhiều người dân đặt hết tất cả tài sản, tiền của cho việc theo lời phán truyền mà đi tìm danh vọng. Bằng chứng có những quan chức đến hầu đồng đã hỏi bao giờ thì sẽ lên thêm chức nữa, những hoạn nạn có thể tránh trên con đường hoạn lộ? Rất phi lý và làm giảm đi nét độc đáo vốn có của nghệ thuật Hát Chầu Văn và nghi lễ Chầu Văn của người Việt” – GS Trần Quang Hải đã nói.
Bình luận (0)