GS-TS Trần Văn Khê trong buổi văn nghệ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cổ nhạc, cụ cố Trần Quang Thọ của GS-TS Trần Văn Khê trước kia là nhạc công Triều đình Huế. Ông nội của ông là cụ Trần Quang Diệm, tục danh là Ông Năm Diệm, biết đàn kìm, đàn tranh nhưng chuyên đàn tỳ bà. Cha của ông là Trần Quang Triều, mà giới tài tử trong Nam thường gọi là Ông Bảy Triều biết đờn nhiều nhạc cụ, mà đặc biệt là đờn độc huyền (đàn bầu) và đờn kìm (đàn nguyệt). Lớn lên trong môi trường giáo dục với lễ nghĩa, tiếng đờn độc huyền của cha đã đi vào ký ức tuổi thơ mà GS-TS Trần Văn Khê lưu giữ đến ngày nay.
NS Xuân Lan tại đêm văn nghệ
NS Kim Hương (đoàn Thanh Minh, Thanh Nga) biểu diễn trong chương trình văn nghệ vinh danh Lễ giáo xưa trong thơ ca
Trong không khí ôn lại thơ ca và những bài bản cải lương, những tích tuồng nổi tiếng ca ngợi lễ nghĩa, truyền thống đạo đức, văn hóa của người Việt, khán giả đã được nghe những nghệ sĩ: Chí Tiên, Xuân Lan, Kim Hương… biểu diễn những bài bản, bài ca cổ, bài thơ ca ngợi tình yêu quê hương, con người và thiên nhiên Việt Nam. Thông qua đó, GS-TS Trần Văn Khê còn gửi gắm những điều tâm huyết về sự nghiệp trồng người của các thế hệ nhà giáo trước đời sống hội nhập nhưng không hòa tan, vẫn giữ nguyên vẹn nền văn hóa của dân tộc Việt.
NS Chí Tiên - em trai của NSƯT Bảo Quốc giao lưu tại buổi văn nghệ
Nghệ sĩ Chí Tiên – em trai của NSƯT Bảo Quốc tâm sự: “Tôi rất kính trọng gia tộc GS-TS Trần Văn Khê, nhất là quý trọng tâm và đức của người cô thứ ba của GS-TS Trần Văn Khê. Đó là bà Trần Ngọc Viện, tục gọi là Cô Ba Viện, trước dạy nữ công tại trường Áo Tím, năm 1926 vì để tang Cụ Phan Châu Trinh nên bị sa thải. Sau đó bà về Vĩnh Kim lập gánh hát Đồng Nữ Ban, với diễn viên là phụ nữ tham gia. Trên sân khấu Đồng Nữ Ban, con của các gia đình nông dân vùng Vĩnh Kim, Đông Hoà, Long Hưng đã được học đàn, học hát. Cô Ba Viện đàn tranh rất hay và đã truyền ngón cho GS-TS Trần Văn Khê trong những bài Nam Xuân, Nam Ai…”.
GS nhạc sĩ Vĩnh Bảo, TS-NS đàn tranh Hải Phượng và GS-TS Trần Văn Khê, thạc sĩ Huỳnh Khải biểu diễn Đờn ca tài tử Nam Bộ
Nghệ sĩ Kim Hương thổ lộ GS-TS Trần Văn Khê chẳng những được may mắn sinh trong một gia đình đều là nhạc sĩ, mà lại được giáo dục lễ nghĩa một cách rất chuẩn mực. Đó là một tấm gương lớn để các thế hệ trẻ sau này noi theo mà giữ gìn lễ giáo trong văn hóa cộng đồng.
GS nhạc sĩ Vĩnh Bảo và GS-TS Trần Văn Khê vui mừng gặp nhau
GS-TS Trần Văn Khê đã nhận lời thuyết trình và giới thiệu về âm nhạc dân tộc cho thanh niên yêu nhạc trên 43 nước. Bất cứ nơi nào giáo sư đến đều nói về nền tảng văn hóa của người Việt với việc trọng lễ nghĩa trong đời sống cộng đồng và tôn sư thầy giáo với chuẩn mực đạo đức của người Việt Nam.
Nói về những suy nghĩ trong đời sống cộng đồng khi một bộ phận thanh niên xem nhẹ lễ giáo, những biểu hiện xấu khi trò đánh thầy, thầy đánh trò diễn ra trong xã hội ngày này, NSND Kim Cương cho biết: “Những biểu hiện mà xã hội cho là xấu như cảnh thầy giáo gạ tình đổi điểm, học sinh đón đường đánh thầy…là kết quả sự giáo dục không đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Việc giáo dục đạo đức trong nhà trường thường chú trọng tới nề nếp kỷ cương với nội quy, những bài học giáo huấn, không chú ý đến hành vi ứng xử thực tế.
Tôi cho rằng chương trình sách giáo khoa quá ôm đồm, nặng về lý thuyết, thiếu kỹ năng sống, không tạo được dấu ấn để hình thành nhân cách cho học sinh. Trong khi đó, chương trình giáo dục đạo đức xuyên suốt từ giáo dục lễ giáo ở bậc mầm non, đạo đức ở bậc tiểu học, giáo dục công dân ở bậc trung học, có đầy đủ tất cả những bài học về các giá trị đạo đức. Nhưng hệ thống lại không thấy rõ phẩm chất nào là trọng tâm, chỗ nào cần nhấn mạnh. Chương trình học rất nhiều nhưng rất khó nhớ, khó nhập tâm”.
Nhiều văn nghệ có mặt trong chương trình đã bày tỏ quan điểm, giáo viên hiện nay chỉ lo truyền thụ kiến thức, học sinh thì cố gắng đạt điểm cao trong học tập nhưng quan hệ thầy trò nhợt nhạt. Về nhà, cha mẹ bận lo công việc, các em không được trang bị những kỹ năng tối thiểu cũng như cách ứng xử trong cuộc sống.
Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan bày tỏ xúc động trong ngày Hiến chương nhà giáo VN và tình cảm của bà dành cho người thầy đáng kính của âm nhạc VN - GS-TS Trần Văn Khê.
Bình luận (0)