. Thưa ông, có phải vì nhìn thấy "cái chết được báo trước" của Gặp nhau cuối tuần nên các ông chủ động... đóng cửa?
- Gặp nhau cuối tuần ra đời đến nay được 7 năm. Một chương trình hài "made in Việt Nam" do chúng tôi tự tạo ra và "sống" được trong thời gian như vậy kể cũng khá dài. Chúng tôi rất mong muốn duy trì chương trình này... Vậy lý ra nó phải tồn tại. Nhưng nó không thể tiếp tục được vì nhiều lý do... Thứ nhất, số người làm được hài, kể cả đạo diễn và diễn viên, chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Thứ hai, từ serie Chuyện của sếp đến Chuyện nông thôn, Chuyện hàng xóm láng giềng và gần đây là chuyện Làng quê, Gặp nhau cuối tuần đã xây đắp hình ảnh cho khoảng 15 diễn viên để họ trở thành những gương mặt hài được khán giả nhớ tới. Nhưng bây giờ mở tất cả các kênh của VTV, các đài địa phương lân cận Hà Nội, các kênh truyền hình cáp... đều thấy nhiều gương mặt của Gặp nhau cuối tuần. Họ không chỉ diễn tiểu phẩm mà còn làm MC. Vì vậy, họ trở nên nhàm chán khi xuất hiện ở Gặp nhau cuối tuần. Càng kéo dài chương trình càng thấy họ cũ. Vì vậy, chúng tôi đã đề nghị với Đài chuyển Gặp nhau cuối tuần bằng chương trình khác có yếu tố hài.
. Chuyển bằng cách nào, thưa ông?
- Đó là serie phim sitcom mang lại nụ cười cho khán giả và một chương trình tạp kỹ. Gặp nhau cuối tuần chỉ còn xuất hiện trong các chương trình đặc biệt vào dịp 1-5, 2-9, Tết Dương lịch và Âm lịch. Nghĩa là mỗi năm chúng tôi sẽ chỉ sản xuất 4 show hài theo kịch bản của Gặp nhau cuối tuần. Vừa qua lãnh đạo Đài truyền hình Việt Nam cũng đã thông qua những kịch bản phim sitcom để tổ chức sản xuất vào cuối năm nay và phát sóng từ năm 2007. Đây là chương trình dài hơi, và tiếng cười có ý nghĩa hơn. Vài trăm tập phim sitcom với các diễn viên độc quyền hy vọng sẽ không gây nhàm chán cho khán giả.
. Sitcom và các chương trình tạp kỹ sẽ chọn "món" nào để cười?
- Bên cạnh những kịch bản "made in Việt Nam", chúng tôi còn chuẩn bị kịch bản dựa theo "cốt" của Trung Quốc đã được "Việt hoá". Khi đội ngũ viết kịch bản của ta chưa kham nổi mấy trăm tập phim thì sao không sử dụng kịch bản của nước ngoài. Nhưng điều quan trọng là phải biết tổ chức sản xuất và quản lý kinh phí làm phim để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Một số đơn vị làm phim ở phía Nam thất bại là bài học đắt giá về quản lý sản xuất phim và chúng tôi phải cảm ơn họ vì họ cho chúng tôi nhiều kinh nghiệm quý giá.
. Còn chương trình tạp kỹ?
- Nó có thể thay vào lịch phát sóng của Gặp nhau cuối tuần. Chương trình sẽ được sản xuất một cách chuyên nghiệp. Có thể hình dung nó có nhiều nét tương đồng với Gala cười, gồm: trò chuyện, ca nhạc và tiểu phẩm hài. Êkíp làm chương trình gồm có những gương mặt trẻ. Tôi hy vọng sẽ tạo được màu sắc mới cho chương trình và hút được khán giả.
Bình luận (0)