Nâng dần chất lượng
Cứ vào 21 giờ 10 các ngày thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, trên kênh HTV 7, đông đảo bạn xem đài đã có được những giây phút cười thú vị qua chương trình mang tên Cười chút chơi. Tính đến thời điểm này, chương trình đã phát được 40 kỳ và lượng thư khán giả yêu thích gửi về cho nhóm thực hiện ngày càng nhiều. Thông qua trang blog cùng với địa chỉ trang web, ê kíp thực hiện đã nhận được nhiều thông tin và quan trọng hơn là không thiếu ý tưởng hay của bạn xem đài để tiếp tục sản xuất chương trình phát sóng. Nghệ sĩ Đàm Loan, người phụ trách chương trình, cho biết: “Từ Vui là chính, nhập về từ nước ngoài đôi lúc gây phản cảm với khán giả nên chúng tôi đã nghiên cứu và tìm ra hướng đi cho Cười chút chơi. Gần nửa năm qua, chương trình Cười chút chơi đã đi đúng quỹ đạo, sắp tới chúng tôi sẽ nâng thời lượng phát sóng một tuần 3 chương trình.
Vào lúc 18 giờ 20 ngày thứ sáu hằng tuần (từ ngày 6-6), khán giả được thưởng thức chương trình hài kịch Nụ cười vàng trên sóng HTV 7. Mười tám tập đầu tiên đã được bấm máy và phát sóng với các câu chuyện hài kịch xoay quanh các vấn đề thời sự được người dân quan tâm như: vệ sinh thực phẩm, lô cốt mọc giữa đường, tai nạn giao thông, thị trường chứng khoán, sốt nhà đất... Thông qua lăng kính hài hước, các vấn đề được đề cập trong kịch đã tạo sức thu hút đối với khán giả. Chỉ với thời lượng gần 20 phút, Nụ cười vàng đã tạo được sự chuyển biến tích cực về cách đánh giá và nhận định tiếng cười mang ý nghĩa giáo dục trên màn ảnh nhỏ thời gian gần đây. Các chương trình: Chuyện bốn mùa, Chuyện không của riêng ai, Siêu thị cười (HTV), Trên vườn dưới ruộng (BTV), Cười từ trong nhà ra ngoài ngõ (Đài Truyền hình Hà Nội), Mắc mớ chi cười (Đài Phát thanh - Truyền hình Hậu Giang)... cũng dần được nâng chất, tạo được điểm nhấn khi kịch bản được chăm chút, các tình huống kịch được gọt đẽo, không sa đà vào những cách chọc cười hình thể vốn là căn bệnh trầm kha của diễn viên hài.
Tìm tiếng cười từ trong đời sống
Để có 10 phút phát sóng mỗi số, những người thực hiện Cười chút chơi phải mất một tuần đầu tư với hàng khối công việc. Ba MC duyên dáng: Văn Vui (Quốc Thuận), Thị Là (Quỳnh Phượng), Văn Chính (Đại Nghĩa) đã bám sát chương trình từ những ngày đầu lên sóng. Họ không chỉ dừng lại ở vai trò đọc và dẫn chuyện mà còn tham gia giải quyết các tình huống trong các câu chuyện. Đạo diễn Nguyễn Hương, người “đứng mũi chịu sào” chương trình, đã quy tụ được một đội ngũ tác giả gồm những cây bút trẻ. Họ có những xuất phát điểm khác nhau: sinh viên, học sinh, công nhân, nhân viên văn phòng, kỹ sư... nên có nhiều cách giải quyết vấn đề khác nhau, từ đó hiệu quả câu chuyện được nhân lên và mang tính thuyết phục. Khán giả đã thật sự thích thú khi xem chương trình Thọt sô giữa MC Thị Là và Cù Famali, một chàng trai có biệt tài hát nhép siêu đẳng. Những mẩu phỏng vấn bỏ lửng đoạn kết về vấn đề an toàn thực phẩm, trẻ em mê chơi game, phụ huynh lơ là trong việc giáo dục con em... đã đem lại nhiều suy nghĩ cho người xem. Đại Nghĩa và Quốc Thuận đã có sự tương tác trong dẫn chuyện, tạo nên hiệu ứng trong bình luận, thông qua mỗi câu chuyện.
Ở chương trình Nụ cười vàng, sáu nhân vật trung tâm gồm: Lùi Văn Tiến (Minh Nhí), Ba Tưởng Tượng (Phước Sang), Tư Tàng (Trung Dân), Mộng Tình (Trịnh Kim Chi), Tám Tần Tảo (NSƯT Hồng Vân) và bé Tý (Minh Thi) cũng dần trở nên quen thuộc với người xem. Với sáu nhân vật mới này, mỗi người đại diện cho một tầng lớp khác nhau trong xã hội. Họ cùng chứng kiến và tham gia phản ánh, bình luận, đồng thời nêu lên những thắc mắc của người dân trước một hiện tượng xã hội. Khâu kịch bản được hình thành từ những vấn đề thời sự, đã là áp lực rất lớn đối với ê kíp thực hiện Nụ cười vàng. Ngay cả với sáu diễn viên đóng chương trình này cũng được đề nghị đọc báo mỗi ngày, xem tin tức thời sự và nêu ra những nhận định, bình luận riêng để tiếng cười thật sự hiệu quả. Xem một vài số đầu đã nhận thấy Minh Nhí, Hồng Vân quả thật xuất sắc trong cách tạo hiệu ứng tiếng cười. Có khi đó chỉ là hành động của nhân vật và ngôn ngữ hài vì thế trở nên phong phú, đa dạng. Tất cả những vở kịch ngắn này đều do đạo diễn Bảo Trung dàn dựng. Kịch được kết hợp giữa sân khấu và truyền hình với toàn bộ hình ảnh được quay ngoại cảnh.
Tác động thời sự và sự cạnh tranh sóng của các đài đã thật sự thúc đẩy những người thực hiện phải chuyển động để phù hợp. Không còn cảnh diễn viên đến trường quay mà chưa hề đọc kịch bản. Không còn cảnh tác giả vừa viết vừa quay, đạo diễn vừa dàn dựng vừa sửa. Chính những điều này đã tạo cho mỗi chương trình một thương hiệu và tiếng cười nhờ vậy ở lâu trong tâm trí người xem.
Thời sự hóa tiếng cười Chương trình Cười từ trong nhà ra ngoài ngõ của Đài Truyền hình Hà Nội gần giống với Chuyện trong nhà ngoài phố của HTV cách đây 10 năm. Thế nhưng biên độ tiếng cười dày hơn vì các tình huống kịch xoay quanh vấn đề thời sự diễn ra trong tuần. Thủ đô Hà Nội vừa ra chỉ thị cấm bán hàng rong trên một số tuyến phố, lập tức Quang Thắng, Công Lý, Thảo Vân, Văn Hiệp... vào ngay vai bán hàng rong. Cùng len lỏi “chạy cảnh sát” với người dân để làm nên phóng sự đầy tiếng cười và cũng đầy sự chia sẻ. Chương trình Mắc mớ chi cười của Đài Phát thanh - Truyền hình Hậu Giang, có Mai Dũng, Vũ Thanh liên tục để lại ấn tượng khi vào vai nhà nông, nhìn nhận vấn đề xăng tăng giá, gạo bị ép giá, cá tra quá lứa không tiêu thụ được... khiến người dân cười mà rơi nước mắt. |
Bình luận (0)