Còn đêm chung kết phát giải tối 31-5 nhưng có thể thấy Tiếng hát mãi xanh (THMX) lần 3 vẫn tiếp tục thu hút khán giả, chứng tỏ thế mạnh “hàng độc” của mình trong rừng gameshow hiện nay.
Thí sinh Nguyễn Duy Dũng - giọng ca nổi trội tại cuộc thi Tiếng hát mãi xanh 2013. Ảnh: LÝ VÕ PHÚ HƯNG
“Tình thương mến thương”
Nếu mùa trước, THMX tìm được giọng ca xứng đáng Thái Thanh Hiệp thì mùa giải năm nay, cuộc thi đã lộ diện phần nào nhà vô địch ngay từ những đêm chung kết vừa qua. Bên cạnh việc sở hữu một tài năng thật sự, phải nói chiến lược chọn bài dự thi của Nguyễn Duy Dũng (TP Hội An - bảng C) là quá khôn ngoan, ban đầu là Áo anh sứt chỉ đường tà (Phạm Duy), sau đó là Màu hoa đỏ (thơ: Nguyễn Đức Mậu, nhạc: Thuận Yến), nhất là bài Cõng mẹ đi chơi (Trần Quế Sơn) trong đêm diễn thứ 3, đêm “thể hiện mình”.
Hoàn cảnh riêng (Dũng có mẹ bị bại liệt không đi lại được) được giới thiệu qua một clip trước phần biểu diễn, đã ghi điểm cho thí sinh này ngay từ đầu. Dũng là người đầu tiên đoạt hat-trick thí sinh được khán giả bình chọn yêu thích nhất 3 đêm liền trong lịch sử của THMX. Bóng dáng của nhà vô địch lần này đã thấp thoáng xuất hiện! Cũng ít thấy cuộc thi hát nào trên truyền hình mà sự đánh giá của ban giám khảo chuyên môn qua điểm số luôn trùng khớp với kết quả bình chọn yêu thích của khán giả như cuộc thi THMX.
Điều hơi đáng tiếc của chương trình năm nay là đã không có một gương mặt nữ nào vào được top 3 chung kết. Nhiều người rất tiếc cho cô Nguyễn Thị Dung của bảng B. Không phải suy nghĩ theo kiểu cơ cấu “có nam có nữ” nhưng thực sự đây là thí sinh hát dòng dân ca thật ngọt ngào, xứng đáng đi sâu hơn.
Nhưng dù nhà vô địch có là ai đi nữa thì với 3 năm liền theo dõi THMX, tôi tin chắc tất cả thí sinh ở vòng chung kết này và trong đêm chung kết tay 3 diễn ra vào ngày 31-5 tới đây đều tiếp tục “tình thương mến thương” với nhau. Sẽ không có chuyện ganh ghét, đố kỵ, phản đối ban giám khảo, nói xấu lẫn nhau... Càng không có chuyện tung tiền mua tin nhắn, mua sim điện thoại để nhắn tin bình chọn cho mình. Kết thúc cuộc thi, lại có một “gia đình” mới được hình thành, từ những thí sinh vào chung kết, gia nhập “đại gia đình” THMX từ năm đầu.
Cây nhà lá vườn
Một cuộc thi vui vẻ từ đầu đến cuối. Vui từ từng lời nhận xét của ban giám khảo chuyên môn - chẳng có dấu hiệu gì gọi là “ghế nóng” như trong các cuộc thi khác - gây nên những tràng cười không ngớt. Vui từ những lời tự sự chân thành về chuyến lều chõng đi thi của mình.
Những clip đi kèm cùng những câu chuyện kể nhiều xúc động, rồi cung cách ủng hộ “gà nhà” của cổ động viên, cho thấy THMX có một thế mạnh hấp dẫn khó chương trình nào sánh được: Tình cảm gia đình nồng cháy của các thí sinh. Ai đi thi cũng có vợ, chồng, con cái, bà con thân bằng quyến thuộc… chăm chút, bạn bè hàng xóm ủng hộ. Một tình cảm đặc trưng của các gia đình Việt, đời sống người Việt. Dễ thương lắm!
Bên cạnh một không khí chân thành, vui tươi, THMX còn là nơi thật sự thu hút các giọng ca hay có tuổi trong cả nước về tham dự. Chương trình như một đoàn tàu vui vẻ đón rước các giọng ca đứng tuổi từ mọi miền bước lên sân khấu. Tất cả cùng ở lại đồng hành vui chơi thoải mái, người đã dự thi các năm trước vẫn tiếp tục tham gia trình diễn các chương trình sau… Một không khí ấm áp và rộn rã.
Có thể thấy, cho tới giờ phút này, sau 3 năm tồn tại, THMX vẫn giữ được thương hiệu “hàng độc” trong các game show do chính người Việt thiết kế, thực hiện. Trong khi hàng loạt trò chơi truyền hình ở các đài hiện nay hầu hết đều lấy từ các game show mua bản quyền từ nước ngoài, phải tuân thủ nghiêm ngặt công thức dàn dựng có nhiều điều không phù hợp với văn hóa Việt, THMX nổi lên như một thương hiệu “cây nhà lá vườn”, “người Việt Nam xài hàng Việt Nam” khá độc đáo.
Cần tổ chức chuyên nghiệp hơn Đã qua 3 năm, có lẽ sau cuộc thi này, ban tổ chức nên ngồi lại để tính tiếp chuyện đổi mới chương trình nay đã bảo đảm được tính hấp dẫn bền vững (thậm chí còn có nhiều ý kiến đề nghị THMX hãy tổ chức… hằng quý!). Bởi cái gì cứ lặp lại thì dù hay cách mấy cũng dễ sinh nhàm chán. THMX vẫn còn gì đó có tính chất… văn nghệ quần chúng. Dù chương trình đúng là dành cho quần chúng tham gia nhưng khâu tổ chức, dàn dựng nếu chuyên nghiệp hơn, biến tấu hằng năm, chắc chắn sẽ càng tăng thêm phần giá trị. Ban giám khảo chuyên môn cần có nhận xét về chuyên môn nhiều hơn, không chỉ giúp các thí sinh đang (và sẽ) dự thi mà còn hướng dẫn sự bình chọn của công chúng. Ban giám khảo báo chí có… thật sự cần thiết không, với kiểu tổ chức như vừa qua? Đạo diễn chương trình cần đổi mới hơn nữa việc dàn dựng, giảm bớt sự lê thê, nếu không sẽ rất dễ gây cảm giác mệt mỏi, nhàm chán… |
Bình luận (0)