Hạnh Thúy vai Tư Thà (lúc già) trong vở kịch đầu tay của mình - Ảnh: PLACOSTE
Ai cũng bất ngờ và vui mừng cho Hạnh Thúy - một diễn viên chuyên đi tấu hài ở khắp các tụ điểm, là cô Ba Thuận khắc khổ của Sống trong sợ hãi nổi tiếng và là một nữ đạo diễn mới ra nghề chỉ hơn... một tháng nay.
Giữa hàng chục đạo diễn tên tuổi trong Nam ngoài Bắc hội tụ về trong một cuộc tổng kết năm năm của sân khấu VN, ban giám khảo chỉ trao giải đạo diễn xuất sắc cho hai người: Đức Thịnh và Hạnh Thúy. Nếu như Đức Thịnh từng được biết đến qua khá nhiều vở diễn ở sân khấu Phú Nhuận, thì Hạnh Thúy chỉ mới chính thức được gọi là đạo diễn sau lễ tốt nghiệp ngày 6-9-2009.
Con ong lận đận
Ngay từ những ngày đầu hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra, Hạnh Thúy đã là một cái tên gây tò mò giữa những tên tuổi đạo diễn nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc. Tò mò bởi cái tên này nghe quen quen nhưng sao lạ hoắc, lại dám đứng một mình một vở mới toanh, rồi đi dự thi với tư cách một công ty tư nhân cũng ít người biết đến.
Quả thật đến với nghệ thuật đã 12 năm nhưng Hạnh Thúy không phải là một cái tên vơđet khiến người ta phải nhớ mặt đặt tên. Trong 12 năm đó chị đi múa, làm người mẫu, đóng kịch, đóng phim, tấu hài - cần mẫn và lặng lẽ như con ong thợ chăm chỉ.
Trên sàn diễn hay trước máy quay, Hạnh Thúy toàn phải hóa thân vào các nhân vật nghèo khổ, già nua, xơ xác kiểu Ba Thuận trong phim Sống trong sợ hãi. Chị cười bảo đó chính là “bản chất” của mình nên không cần phải hóa trang gì nhiều, khi đóng lại thấy rất thoải mái và đỡ ngại hơn là vào những vai trẻ trung, xinh đẹp.
Cũng nhờ vai Ba Thuận mà Hạnh Thúy nhận được giải diễn viên phụ xuất sắc nhất trong Liên hoan phim VN lần 15 - giải thưởng đầu tiên trong sự nghiệp của mình. Rồi cũng có thời gian vì lý do sức khỏe hay thời vận chưa tới mà chị buộc phải nghỉ ở nhà vì bị cắt hết vai, thậm chí còn bị đạo diễn đuổi về ngay giữa trường quay. Lúc đó Hạnh Thúy chỉ luôn nghĩ đơn giản: đến giờ này mà mình vẫn còn trụ được với nghề là giỏi lắm rồi, chỉ cần qua hết đận này thôi...
Trở thành diễn viên là một điều bất ngờ của Thúy, nhưng việc trở thành đạo diễn càng bất ngờ hơn. Ba năm trước, khi đã ngấp nghé tuổi 30 và bận bịu chồng con, Hạnh Thúy bỗng nhiên muốn đi học!
Đắn đo chọn lựa, cuối cùng chị nộp đơn vào khoa đạo diễn sân khấu, dù biết học xong chưa chắc đã làm được nghề. Sau đó là khoảng thời gian vừa làm diễn viên vừa làm sinh viên, vừa làm vợ, làm mẹ của một cô đào gầy nhất nhì làng kịch Sài Gòn. Khi chuẩn bị làm vở tốt nghiệp, bạn bè trong giới đều ủng hộ Hạnh Thúy hết lòng nhưng cũng không giấu ái ngại. Bởi không ai mường tượng được một nữ diễn viên chuyên chạy sô tấu hài hằng đêm sẽ làm đạo diễn như thế nào!?
Luôn chuẩn bị cho... thất bại
Hạnh Thúy có một sở thích đặc biệt: thích len lỏi vào các con hẻm nhỏ để xem trong đó có gì, có ra được đường lớn hay không, nếu không thì từ từ quay lại cũng chẳng sao. Cũng chính vì thói quen này mà chị thường mất gấp đôi thời gian để di chuyển so với người khác, nhưng cũng nhờ đó chị biết rất nhiều con hẻm của Sài Gòn để có thể “thoát thân” nếu bị kẹt xe!
Thói quen này cũng hình thành phương châm sống của chị: “Nếu không làm thì sao biết làm không được!”. Chị cũng luôn chuẩn bị trước cho mình một sự thất vọng hoặc thất bại nếu có trong cuộc sống, công việc và các mối quan hệ. Nhiều người cho rằng suy nghĩ đó của Hạnh Thúy là tự ti, nhưng chị lại thấy đó là nhìn xa trông rộng, bởi khi thất bại xảy ra chị cũng sẽ chỉ thất vọng một nửa thôi!
Ước mơ hiện tại của chị là trở thành một “đạo diễn tình cảm” với những vở diễn hướng thiện, nữ tính, chan chứa tình yêu, tình người, nhẹ nhàng đi vào lòng khán giả. Dù chị là một diễn viên tấu hài và cũng hiểu rõ thời buổi bây giờ mà thiếu tiếng cười, thiếu xung đột, thiếu giật gân thì thật khó bán vé.
Sau khi nhận được giải thưởng lớn, Hạnh Thúy được nhiều người chạy tới chúc mừng nhưng chị cũng thành thật “khai báo” là mình không thể nhớ mặt gọi tên họ. Hạnh Thúy nhút nhát, ngại đám đông và hay quên. Hiếm khi nào thấy chị có mặt trong những buổi tiệc tùng của giới văn nghệ sĩ. Thời gian đó chị dành để chở con gái về quê ngoại ở Bến Tre chơi, kể cho con nghe chuyện ngày xưa, bày con cách bắt ốc, chài cá, lột lá chuối...
Hạnh Thúy bảo đang cố gắng “lôi kéo” con gái ra khỏi những trò chơi hiện đại của thành phố, về gần hơn với cánh đồng và mùi rơm rạ để một lúc nào đó bến sông, con đò, hạt lúa sẽ trở thành một dòng nhớ trong con, như cái cách dòng nhớ ấy đã luôn chảy trong tâm hồn chị...
Theo NSƯT Trần Minh Ngọc - thành viên ban giám khảo hội diễn, Hạnh Thúy đã thành công khi chọn cách trở về với văn học và làm sống lại không khí Nam bộ mộc mạc. |
Bình luận (0)