Đã có không ít ý kiến của khán giả truyền hình về vấn đề trên sau khi chứng kiến phần lớn các thí sinh chọn ca khúc tiếng Anh tranh tài thay vì một ca khúc Việt.
Khó chiều khán giả
Một khán giả đã gửi ý kiến của mình về chương trình Giọng hát Việt rằng: “Mình đã theo dõi The Voice phiên bản Mỹ từ mùa đầu tiên nên khi nghe nói có phiên bản Việt Nam, mình đã rất háo hức bởi muốn nghe giọng hát Việt hát tiếng Việt. Nhưng các thí sinh thì lại chuộng hát tiếng Anh hơn. Các bạn không thể chọn được bài hát Việt nào phù hợp với giọng của mình hay các bạn nghĩ hát bài hát tiếng Anh sẽ dễ lấy lòng giám khảo hơn?
Tiêu Châu Như Quỳnh thể hiện xuất sắc ca khúc I will survive trong cuộc thi Giọng hát Việt. Ảnh: UYÊN PHƯƠNG
Nói thật là nếu bật tivi lên để nghe chương trình của Việt Nam nhưng lại toàn nghe hát nhạc ngoại thì thà mình đợi xem The Voice của Mỹ mùa thứ 3 còn tốt hơn!”. Khán giả khác viết: “Tôi thấy chán bởi những ca khúc tiếng Việt của mình rất nhiều bài có tông như những bài thí sinh thể hiện. Nhưng các thí sinh toàn chọn bài tiếng nước ngoài mà tôi dám chắc không phải những ai nghe đều có thể hiểu hết ý nghĩa”.
Đây là nhận định đáng lưu tâm bởi thời gian gần đây thị trường nhạc Việt ngày càng xuống dốc với sự xuất hiện của những thảm họa âm nhạc qua hiện tượng “ca sĩ” không biết hát và đầy rẫy ca khúc kém chất lượng. Hội Âm nhạc TPHCM đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi những người trong giới chung tay chấn chỉnh để có một môi trường âm nhạc “sạch”.
Thế nhưng, hiện trạng showbiz Việt vẫn chưa được cải thiện nhiều và còn khan hiếm ca khúc hay. Tất nhiên điều này chỉ phần nào lý giải cho sự lựa chọn ca khúc tiếng Anh bất hủ thay vì chọn ca khúc Việt, bởi khối lượng ca khúc nhạc Việt từ nhiều thập niên trước đã có chỗ đứng nhất định trong lòng khán giả, nói như nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện thì “thí sinh có hát vài năm vẫn chưa hết”.
Chặt chẽ mà thông thoáng
Cho đến tận lúc này, việc xin phép phát hành một ca khúc tiếng Anh vẫn nhiêu khê hơn so với một ca khúc tiếng Việt. Không ít ca sĩ than thở: “Chỉ cần bài hát có một đoạn tiếng Anh thôi cũng phải bỏ đi vì không được phép”. Thực tế, cơ quan quản lý có cơ sở để dẹp nạn “sính ngoại” một cách cực đoan khi buộc các ca khúc phải thuần Việt thay vì chêm vài từ, câu tiếng Anh hay thậm chí là một bài hát tiếng Anh. Song nếu tình trạng cấm cửa này kéo dài, chắc chắn tham vọng chinh phục thị trường âm nhạc khác trong khu vực của nhiều ca sĩ trẻ chắc chắn khó thành hiện thực.
Hà Anh Tuấn tạo dấu ấn với album tiếng Anh Cocktail. Ảnh: TRUNG HIẾU
Sẽ rất lạ khi nghe quy trình sáng tác của ca sĩ Minh Thư “viết ca khúc tiếng Anh, sau đó dịch sang tiếng Việt”. Thế nhưng, đây hoàn toàn là chuyện có thật bởi phải dịch ra bản ngữ thì ca khúc của cô mới được phổ biến rộng rãi. Khó trách Minh Thư bởi một phần cô giỏi ngoại ngữ nhưng phần chính, cô đang hợp tác với nhà sản xuất âm nhạc bên Thái Lan, vì vậy việc cô sáng tác ca khúc hay thường xuyên biểu diễn ca khúc tiếng Anh là chuyện phải làm.
Song để chinh phục khán giả Việt hay ít nhất ca khúc của cô được cấp phép phát hành, cô phải mất công sức, thời gian để chuyển ngữ cho ca khúc của chính mình. Trong khi với ca khúc tiếng Anh, cô dễ dàng đưa chúng đến khán giả trẻ ở quê nhà.
Khi trào lưu biểu diễn ca khúc nhạc ngoại bị khu biệt thay vì cần được mở rộng là một nghịch lý trong lúc nhu cầu nghe và thưởng thức nhạc ngoại của khán giả Việt là có thật. Vì vậy, tạo cơ hội để phát triển thị phần cho nhạc ngoại qua quản lý chặt chẽ mà thông thoáng là việc nên làm.
Giải pháp an toàn?
Vấn đề khác cần bàn đến là những giọng ca trẻ có đủ bản lĩnh để vượt qua những “cây đa cây đề” từng thể hiện thành công và tạo dấu ấn của riêng họ với những ca khúc nhạc Việt bất hủ chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Đối với những thí sinh đang tranh tài ở các cuộc thi, ít người dám lựa chọn các ca khúc đó và họ xem là “liều lĩnh”. Vì vậy, giải pháp an toàn hơn, trong đó có việc chọn ca khúc nhạc ngoại, luôn được ưu tiên lựa chọn. |
Bình luận (0)