xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hát nhép, bị phạt tiền!

Theo Nguyên Vân (Thanh Niên)

Từng có Quyết định 47 của Bộ VH-TT (2004) nghiêm cấm ca sĩ hát nhép, rồi Nghị định (NĐ) số 11 (2006) cũng đề cập vấn đề này, và nay là NĐ 103 (thay thế NĐ 11 hết hiệu lực vào 31-12-2009). Liệu lần này có cấm được không hay chỉ dấy lên theo thời sự rồi lại chìm... mất tăm?


img
Con đường tình ta đi - một trong những show ca nhạc không cho phép ca sĩ nhép - Ảnh: N.V

Xin được... hát thật

Khi nhắc lại tệ hát nhép, và việc NĐ mới bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2010, nhiều ca sĩ tỏ ra bức xúc vô cùng, vì tại sao chuyện này cứ phải cấm đi cấm lại, nhắc đi nhắc lại mãi, mà thực thi thì chẳng đến đâu.
 
"Đã cấm thì phải làm cho tới, cho triệt để, chứ nói cấm rồi thôi thì thà đừng cấm. Theo tôi, những buổi diễn ngoài trời mà thời tiết quá xấu, ảnh hưởng đường truyền (khi truyền hình trực tiếp), khi đó mới cần đến việc hát nhép, chứ nếu biểu diễn cho khán giả xem, có bán vé thì tuyệt đối phải hát thật. Không hiểu sao nhiều chương trình truyền hình trực tiếp lâu nay (kể cả ở sân khấu trong nhà) lại được phép cho ca sĩ hát nhép", ca sĩ Ánh Tuyết bày tỏ.

Cấm hát nhép là câu chuyện quá cũ, thậm chí quá nhàm, khi đã từ rất lâu rồi, khán giả tức giận phản ứng, báo chí phản ánh, người làm nghề đúng nghĩa càng bức xúc, nhưng đến nay thì thật giả vẫn lẫn lộn, hát sống - hát nhép vẫn... sống chung cùng showbiz. 

"Hành vi dùng băng, đĩa hoặc các phương tiện âm thanh khác đã thu sẵn để thể hiện thay cho giọng hát thật của người biểu diễn sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng"
Trích dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa.

 
Ông Hoàng Tuấn, Giám đốc Công ty HT Production, quản lý ca sĩ Đan Trường (người từng tuyên bố và treo giải 50 triệu cho bất cứ ai phát hiện Đan Trường hát nhép) cho biết: "Nhiều chương trình - có truyền hình trực tiếp, chúng tôi phải xin được hát thật, có khi phải năn nỉ nữa". Nhưng thường thì, trong một chương trình đã cho ca sĩ hát nhép thì từ đầu đến cuối đều nhép. Bởi nếu một người hát thật thì những ca sĩ còn lại sẽ bị "lộ" ngay, vì âm thanh giữa thật và "giả", sự luyến láy, hơi thở phát ra... của người hát thật và đĩa hát khá dễ nhận biết, như vậy thì không chỉ ca sĩ mà BTC cũng bị mang tiếng. Thế nên, thật trớ trêu khi luật thì cứ cấm mãi, còn ca sĩ thì cứ thoải mái hát nhép. Ngược lại, có ca sĩ lại phải năn nỉ để được... hát thật.

Phạt: Hãy đợi đấy!

Theo điều 33, khoản 2, điểm c NĐ 56 (2006), về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa thông tin, sẽ phạt tiền từ 2-5 triệu với những trường hợp dùng băng đĩa hoặc các phương tiện âm thanh khác đã thu sẵn để thể hiện thay cho giọng của người biểu diễn. Nhưng thử hỏi đến nay các cơ quan quản lý, những đơn vị có thẩm quyền đã thu được bao nhiêu tiền phạt, đáng nói hơn là có được bao nhiêu người trong đội ngũ chịu trách nhiệm đi kiểm tra, phát hiện để mà phạt?

Cần phải nói thêm, chuyện hát nhép không chỉ riêng VN, mà nhiều nước khác cũng vẫn tồn tại, song đa số các trường hợp nhép đều không giấu diếm (thường trong show diễn riêng của các ca sĩ - đều đã nổi tiếng, với tiết mục cần đầu tư cho phần nhìn nhiều hơn), và được số đông khán giả đồng tình. Còn ở ta, hầu như các trường hợp hát nhép là vì ca sĩ còn yếu, muốn nổi tiếng trong khi thực lực chưa đủ, rồi ca sĩ hát nhép lẫn lộn giữa ca sĩ hát thật, nên khán giả khó chấp nhận. Nên, xem ra việc cấm chỉ trông chờ vào ý thức và lòng tự trọng nghề nghiệp của ca sĩ, còn nếu chờ phát hiện để phạt thì... hãy đợi đấy!

"Nếu phát hiện hát nhép sẽ đình chỉ chương trình"

img
 
"Nếu đơn vị tổ chức và ca sĩ nào có hành vi sử dụng các phương tiện kỹ thuật để thay thế giọng hát thật khi biểu diễn sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật. Thanh tra Bộ VH-TT-DL cùng Sở VH-TT-DL của các địa phương trên toàn quốc có trách nhiệm kiểm tra và phát hiện trường hợp ca sĩ hát nhép trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật được cấp phép trên địa bàn. Thực tế, những nghệ sĩ tên tuổi càng lớn thì càng không có chuyện hát nhép. 

Trong tất cả các chương trình ca múa nhạc do Sở VH-TT-DL TP.HCM duyệt cấp giấy phép biểu diễn thì nếu phát hiện có bất cứ trường hợp hát nhép nào sẽ đình chỉ chương trình. Người sản xuất, tổ chức chương trình cũng phải chịu trách nhiệm liên quan nếu ca sĩ trong chương trình đó bị phát hiện hát nhép. Vì thế, theo tôi cần chế tài mạnh cả người sản xuất và tổ chức chương trình ca nhạc may ra mới giảm bớt nạn hát nhép tràn lan như hiện nay". (Ông Võ Trọng Nam - Trưởng phòng Nghệ thuật Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch TP.HCM)
 
Đỗ Tuấn (ghi)
 

Vẫn có thể "du di"!

img
Ảnh: Y.N
 
Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Đình Thắng (ảnh) - Trưởng phòng Quản lý biểu diễn và cấp phép băng đĩa, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH-TT-DL cho biết:

- Cục Nghệ thuật biểu diễn đã có công văn yêu cầu các Sở VH-TT-DL địa phương phải lên kế hoạch cụ thể để chống hát nhép. Sắp tới sẽ có NĐ sửa đổi về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa thông tin, trong đó cũng sẽ có khung hình phạt đối với việc dùng giọng hát thu sẵn để thay cho giọng hát thật của người biểu diễn. Vấn đề chỉ là thực hiện thanh tra, kiểm tra phát hiện sai phạm và xử lý sai phạm đến đâu.
 
Việc phát hiện sai phạm có thể do thanh tra các Sở VH-TT-DL địa phương tiến hành, nhưng cũng rất cần sự phối hợp, sự lên án hát nhép một cách mạnh mẽ từ các phóng viên báo chí và các khán giả. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả vẫn là sự tự nhận thức, tự nâng cao đạo đức nghề nghiệp và ý thức tự trọng của từng nghệ sĩ.
 
- Thế nhưng, không phải lúc nào cơ quan chức năng và khán giả cũng dễ dàng phát hiện bởi nhiều ca sĩ đã "nhép" đến độ tinh vi, thuần thục, thưa ông?

- Đúng là ngay khi người ta đang biểu diễn trên sân khấu thì cũng khó phát hiện. Nhưng nếu phát hiện được thì cũng không thể yêu cầu phải dừng lại cả chương trình ngay ở thời điểm đó. Việc xử lý sai phạm sẽ phải tiến hành ở khâu hậu kiểm.

- Nếu có hiện tượng hát nhép trong các chương trình truyền hình trực tiếp trên sóng phát thanh, truyền hình nhưng nhà đài lại không tham gia vào việc tổ chức biểu diễn, mà chỉ làm nhiệm vụ tiếp sóng, thì người đứng đầu đài phát thanh, truyền hình có bị xử phạt hay không trong khi NĐ 103 không quy định điều này?

- Đây là việc cần phải bàn. Cũng như việc chương trình truyền hình trực tiếp đó có được sử dụng các trang thiết bị kỹ thuật thu sẵn để đảm bảo chất lượng truyền hình hay không cũng cần được cân nhắc. Tôi lấy thí dụ, với dàn hợp xướng cả trăm người mà lại phải truyền hình trực tiếp thì việc đòi hỏi chất lượng âm thanh tốt, không gặp phải các sự cố khi biểu diễn ngoài trời là rất khó.

- Tức là, trong một số trường hợp thì vẫn có thể "du di" cho việc sử dụng giọng hát thu trong băng đĩa để thay cho giọng hát thật?
 
- Chống hát nhép chủ yếu là chống "nhép" ở các chương trình có ca sĩ hát đơn, các live show. Nhưng cũng có một vài cái "du di" đối với những chương trình đặc biệt. Trở lại ví dụ trên, trường hợp dàn hợp xướng phải truyền hình trực tiếp có thể "du di" nếu thấy hệ thống thiết bị âm thanh không cho phép, không đủ đảm bảo chất lượng biểu diễn ở ngoài trời.

Y Nguyên
.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo