Khác với những vở kịch khoa học viễn tưởng dựa vào kỹ xảo, tính giả định của vở được xem như cái cớ để chuyển tải yếu tố giáo dục: Người đàn ông phải chia sẻ những vất vả, lo toan của người phụ nữ bằng hành động chứ không chỉ bằng lời nói suông. Vở quy tụ 15 cây cười nổi tiếng như: Việt Anh, Bảo Quốc, Ngọc Giàu, Hồng Nga, Tấn Beo, Hoài Linh, Hữu Nghĩa, Hoàng Sơn, Việt Hương, Kiều Oanh...
Câu chuyện xảy ra ở một thành phố những năm 2000. Hậu quả sau nhiều năm dùng nguồn nước bị nhiễm chất phóng xạ, người dân ở đây bị... biến đổi giới tính và chuyện “đi biển một mình” đã thuộc về người đàn ông - một sự giả định khá bất ngờ và... không có cơ sở khoa học. Giám đốc Lê (NSƯT Việt Anh) say mê tửu sắc, “mang thai” hoang với một cô gái bia ôm, bà Lê (Hồng Nga) - vợ lão - đã tống cổ lão ra đường. Cuộc phiêu lưu với cái “thai hoang” đã cho lão nếm mùi cay đắng. Lộc (Tấn Beo), con rể của lão, cùng “một giuộc” với cha, thiếu trách nhiệm trong cuộc sống vợ chồng, đến khi “mang bầu” lại bị vợ hất hủi. Đối lập với hai hình ảnh trên, gia đình ông bà Tư tài xế (NSƯT Bảo Quốc – Ngọc Giàu) sống hòa thuận, hạnh phúc. Bà Tư không muốn người đàn ông phải làm thay phụ nữ công việc thuộc về chức năng thiêng liêng của người đàn bà. Bà Tư khao khát sự bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới, tuyệt nhiên không muốn hơn hẳn đàn ông ở sự bình quyền. Đối với bà Tư, tất cả những người phụ nữ trên thế gian này đều mong muốn tìm thấy ở chồng, ở người bạn đời chỗ dựa tinh thần, để cùng chia sẻ nhau trong cuộc sống. Hình ảnh đẹp nhất mà đạo diễn Trần Ngọc Giàu đã dựng là đôi quang gánh của ông bà Tư trên con đường đi tìm hạnh phúc. Có chút gì đó trái khoáy khi ông Tư “sinh” cho bà... hai cậu con trai. Khán giả cười nhưng thấm thía niềm tin được chia sẻ nỗi đau với người phụ nữ của ông Tư. Ở đây, sự giả định của kịch đã mang lại sự thư giãn vui nhộn, nhưng thiếu tính thuyết phục để người xem nhận ra trách nhiệm của người đàn ông đối với gia đình.
Tác giả Lê Chí Trung và cả đạo diễn Trần Ngọc Giàu vẫn chưa ưng ý với “đứa con tinh thần” của mình. Bởi, vẫn với cách tập dượt thiếu trách nhiệm, diễn viên nào cũng có thể “xé rào” để chọc cười và như vậy chủ đề vở cứ nhòa đi theo thời lượng. Chỉ có hai nhân vật ông bà Tư là không sa vào tiếng cười dễ dãi. Còn lại vì chạy theo thị hiếu, làm vở diễn đậm phần náo kịch, một số diễn viên đã tự tiện thêm thắt lời thoại (nói cương), bỡn cợt ngoài lề khiến nhiều mảng miếng bị thừa và nhạt. Thêm những câu chọc cười không lành mạnh làm vở kịch phản cảm. Nhân vật cô y tá (Việt Hương) mặc tình la mắng các “sản phụ”, chứng tỏ cô y tá này không hiểu nhiệm vụ của một y tá sản khoa?
Nhìn chung đây là một vở náo kịch, dựa vào điểm tựa là tính giả định. Nhưng yếu tố giả định lại thiếu cơ sở khoa học nên chất hài dù cố cương mấy cũng bị gượng ép. Đó là hạt sạn lớn nhất của vở Khi đàn ông có bầu.
Bình luận (0)